Chư Prông “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây chừng 20 năm, tôi đi cùng với Chủ tịch UBND huyện Chư Prông là chị Rah Lan H’Bình lên mấy xã biên giới. Khi về, chiều chạng vạng. Xe vạt lau lách mà bò. Cái Uoat chất 15 người, riêng cái ghế trước là 3 người, có chị Bình, tôi và một người nữa.

Thò tay ra ngoài cái miếng kính lật đặc trưng của xe Uoat để giữ nó ngược chiều gió cho gió lọt vào trong xe, tay tôi bị cỏ lau cứa rất xót. Chính lúc ấy, tôi thấy một cái cổ vằn vện nhô lên ngay sát đường, ngay sát cái xe ô tô của chúng tôi.

 

Bia chiến thắng Plei Me -Di tích Lịch sử quốc gia. Ảnh: Đức Thụy
Bia chiến thắng Plei Me -Di tích Lịch sử quốc gia. Ảnh: Đức Thụy

Lái xe cũng nhìn thấy, anh thắng kít lại. Tất cả chúng tôi bàng hoàng nhìn một con hổ rất lớn lững thững và yểu điệu trườn qua đường. Dáng đi của con hổ rất đẹp rất mềm mại, đầu nó ngoảnh về phía chúng tôi, bóng tối loang trên đường càng làm bật lên cái màu vàng đen trắng xen kẽ của lông hổ. Lái xe rút xoạt khẩu AK. Hồi ấy trên tất cả các xe đi công tác đều có AK, nhưng chị Bình gạt đi, kệ nó. Ấn tượng của tôi với Chư Prông là từ con hổ lững thững an nhiên cuối chiều ấy.

Giờ rừng đã hết, lau lách cũng chả còn, chỉ còn trơ ra màu đất đỏ nhão nhoẹt trong mưa hoặc bụi mù trong nắng. Mười mấy năm, sự thay đổi cả hình lẫn vóc. Cái khác nhất là giờ đi nhanh hơn. Trước muốn vào Ia Lâu, Ia Mơr phải cả ngày đường, mang theo cơm đùm cơm nắm, tối phải ngủ lại. Hồi ấy nhờ một lần ngủ lại ấy mà tôi được ăn một bữa cá suối đã đời. Một anh trong đoàn mang theo một quả nổ. Tung xuống suối Ia Mơr rồi chúng tôi ào xuống, cá chết, cá lờ đờ… vớt được một xoong quân dụng đầy. Luộc chấm muối ớt với sả rừng, ăn thay cơm rồi chiếu phim phục vụ đồng bào, gần như chiếu cả đêm, sáng sớm lên đồn biên phòng… ngủ.

Năm nay, những ngày gần 27-7 trời đột ngột mưa. Chư Prông mà mưa thì khiếp lắm. Đất đỏ nhão nhoẹt và trơn như đổ mỡ. Chúng tôi về huyện đúng một ngày mưa như thế. Mà thà nó mưa to, chứ mưa dầm là rất khó chịu… Thị trấn vẫn vậy, có chăng là có thêm một cái đèn đường nhưng… không sử dụng ở một ngã tư. Vào thăm 5 gia đình thương binh và liệt sĩ đều thấy những cám cảnh nhưng không biết cách gì chia sẻ.

 

Hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T
Hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T

Gần 40 năm sau chiến tranh, sự tàn phá của nó vẫn còn hiện diện một cách rõ ràng và dứt khoát. Ấy là một chị thương binh người Huế. Chị bị thương năm 1972 ở Hương Thủy, rồi di chuyển rất nhiều trại thương binh từ Quảng Bình ra đến Thái Bình, rồi không hiểu sao lại dạt vào Chư Prông, lấy chồng sinh con.

Vấn đề là đứa cháu nội của chị, con của đứa con trai đầu, cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam… 3 tuổi mà nó bé tí, cái cổ cứ thẳng đơ và mặt thì chỉ nghiêng được về một phía, 2 cái chân khẳng khiu vênh vẹo và cứng đơ. Họa vô đơn chí, chúng tôi chỉ biết chép miệng và chia sẻ nỗi đau ấy bằng cách động viên suông với những lời rất sáo chứ có thể làm gì được đâu. Một túi quà chẳng thể so với nỗi đau mà người thương binh, người bà, người mẹ kia gánh chịu. Chư Prông từng là chiến trường rất ác liệt với những Plei Me, Ia Drăng, làng Bạc, Bàu Cạn...

Chỉ riêng 2 cái tên Plei Me và Ia Drăng nếu chịu khó đọc thì thấy địa danh ấy nó đã oai hùng đến mức nào...

Tôi đã đến cái nơi đánh nhau nổi tiếng ấy từ cách đây hơn hai chục năm. Khi ấy nó còn vài cái hầm, thi thoảng nhặt được mấy mảnh đạn, không thấy một cảm giác gì của chiến sự nữa. Và quả thật, với tư duy zê rô về quân sự của mình tôi không thể hiểu nổi tại làm sao mà quân đội 2 phía lại phải đổ dồn vào cái thung lũng bé tí này đến gần 4.000 quân để quần nhau trong chừng ấy ngày, để rồi sau đấy, tướng Westmoreland kết luận: Ia Drăng-trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lúc xảy ra trận đánh Ia Drăng-Plei Me thì tướng Đặng Vũ Hiệp lừng danh sau này mới là sĩ quan cấp Thượng tá. Người chỉ huy trực tiếp là tướng Chu Huy Mân, khi ấy là Thiếu tướng, cùng 2 phó là Đại tá Nguyễn Chánh và Thượng tá Nguyễn Hữu An-sau này các ông đều là những danh tướng của quân đội Việt Nam. Năm 1994, khi tướng Moore (lúc đánh nhau ở đây ông này là Trung tá tiểu đoàn trưởng) sang thăm lại “chiến trường xưa”, tôi có gặp được ông một lúc.

Ông này không hề khách sáo khi nói rằng hồi ấy ông đã thua vì một là Quân đội Nhân dân Việt Nam quá mạnh và hai là cái thung lũng ấy nó khắc nghiệt quá. Dù là kỵ binh bay nhưng cũng chịu không thấu với khí hậu, thời tiết thông thổ ở đấy.

Năm 1983, tôi đi cùng với mấy nhà văn ở Nhà Xuất bản Phụ nữ về làng Bạc, gặp một nhân vật rất hay, là nguyên mẫu cho nhà văn Vũ Thị Hồng viết một cái ghi chép dài 15 trang và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng thì làm bài thơ “Bình dị” cũng rất hay, được giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhân vật ấy là chị Hơ Noanh. Sau này, tôi còn quay lại đưa đạo diễn Đoàn Huy Giao làm phim về chị trong một bộ phim mà tôi viết kịch bản.

Tóm tắt về chị thế này: Là Trung đội trưởng Trung đội du kích làng Bạc, chị đã chỉ huy trung đội đánh nhau rất giỏi để giữ làng, đến nỗi đối phương nghe đến tên chị là khiếp đảm. Rồi chồng chị, một chiến sĩ trong trung đội của chị hy sinh trong một trận chống càn, khi chị mới 19 tuổi và có một con gái. Theo phong tục, chị lại… nối dây với em chồng, cũng là chiến sĩ du kích làng Bạc và cũng chỉ một thời gian sau thì anh này mất. Chị tiếp tục nuôi con, làm công tác và nuôi mẹ chồng.

Sau giải phóng, chị nhường hết tiêu chuẩn liệt sĩ cho mẹ chồng, còn mình làm rẫy nuôi con và làm Phó Công an xã rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị sống giản dị đến mức kinh ngạc. Tôi cũng từng vài lần thắc mắc tại sao chị không được phong anh hùng? Nhưng chị thì không quan tâm... Năm 1990, chị được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và chế độ mỗi tháng 110.000 đồng, được huyện hỗ trợ căn nhà và sau đó vào làm ở công ty cà phê…

Giờ tại Chư Prông có một công ty cao su khá lớn, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Các công ty một mặt tạo việc làm cho dân tại chỗ, mặt khác tạo nên một diện mạo mới cho những vùng nông thôn xa xôi. Xuống huyện Chư Prông bây giờ, vào phía công ty cao su lại thấy nhộn nhịp sầm uất hơn thị trấn huyện cách đấy 3 cây số. Mùa mưa này, cao su đang ướt lá, chợt nhớ mấy câu thơ năm nào:… Mù khơi mưa lá mưa sương/ đất thở ấm/ cao su thao thức muốt/ gương mặt người hiển hiện mấy mươi niên/ Sự thánh thiện xuyên đêm/ hoa ngái người xa ngôi sao độc ẩm/ ai bồi hồi phương trời khuya/ Chư Prông/ tưởng đâu ngổn ngang chiến địa/ hôm nay xanh nhòe đồi/ cao su vút phía chân trời thấp lại/ em tinh khôi lấp ló mắt cười…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.