Chư Pah: Trồng nấm cho thu nhập khá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình trồng nấm sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Phương, tổ dân phố 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và mở ra hướng làm giàu.
Trước đây, gia đình chị Phương nghèo khó, thu nhập chỉ trông vào chăn nuôi gà và hơn 200 trăm trụ tiêu. Do thời tiết không thuận lợi nên vườn tiêu của gia đình chị chết hàng loạt, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Trong lúc chưa tìm được hướng thoát nghèo, trong một lần đi thăm họ hàng ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, chị Phương được hướng dẫn nghề trồng nấm. Nhận thấy nghề trồng nấm đơn giản, chi phí thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh; nguyên liệu đơn giản như mùn cưa, vôi, cám…đều sẵn có ở địa phương. Do đó, Chị phương quyết tâm xây dựng cơ sở trồng nấm tại gia đình, ước muốn làm giàu ngay chính tại quê hương.
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương bên trại nấm Linh chi. Ảnh: Lê Hải
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương bên trại nấm Linh chi. Ảnh: Lê Hải
Nói là làm, sau1 tháng đi học kỹ thuật trồng nấm tại huyện Chư Pưh trở về, chị Phương bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm. Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Pah cùng với anh em, họ hàng hỗ trợ thêm, vợ chồng chị bắt đầu trồng nấm ngay tại nhà.
Ban đầu chị phương trồng nấm Sò và nấm Bào ngư tím, do ít kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều bịch bị hỏng, phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn khá lạ lẫm với người dân trong vùng nên gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Không nản chí, chị luôn kiên trì với mô hình trồng nấm của mình, sau những lần thất bại chị lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Những lần trồng tiếp theo. nấm đã lên đều, đẹp, đồng thời chị Phương đã tìm được nhiều mối bán hàng ổn định.
Sau 3 tháng trồng nấm Sò và Bào ngư tím, chị Phương mạnh dạn trồng thêm nấm Linh chi. Đây là loại nấm đòi hỏi nhiều kỹ thuật và khó trồng hơn các loại nấm khác. Với kinh nghiệm sẵn có, chị Phương đã trồng thành công nấm Linh chi. Đặc biệt chị còn trồng thêm nấm Linh chi cảnh để bán ra thị trường và phục vụ Lễ hội hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya sắp tới.
Trao đổi về kinh nghiệm trồng nấm, chị Phương cho biết: Trồng nấm không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và kiên trì với nghề. Ở khâu nguyên liệu nên chọn mùn cưa của cây cao su, trộn với vôi và bột cám theo tỷ lệ vừa phải và độ ẩm từ 60-70%, lò hấp phải được khử trùng cần đảm bảo nhiệt độ 1000ºC trong vòng 12 giờ. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ từ 25-30ºC. Thời gian thu hoạch nấm linh chi từ 4-6 tháng, nấm Sò là 3 tháng.  
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật làm phôi. Ảnh: Lê Hải
Chị Nguyễn Thị Hoài Phương (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật làm phôi. Ảnh: Lê Hải
Phát triển mô hình trồng nấm hơn 1 năm nay, chị Phương đã mở rộng quy mô với 6 trại nấm, trên 8 vạn bì trồng nấm, gồm 3 loại nấm: Sò, Bào ngư tím và Linh chi. Ngoài lao động chính của gia đình, chị Phương còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động tại địa phương. Mỗi tháng trại nấm của chị Phương sản xuất từ 20.000-30.000 phôi nấm, cung cấp ra thị trường từ 4-5 tạ nấm thành phẩm. Sản phẩm nấm của chị Phương cung cấp cho tất cả các chợ, quán ăn trên địa bàn huyện Chư Pah và các khu vực lân cận…. Tùy từng loại nấm mà giá cả cũng khác nhau, sản phẩm nấm Sò bán ra thị trường có giá 25.000-30.000 đồng/kg; nấm Bào ngư tím có giá cao hơn từ 30.000-35.000 đồng/kg; Nấm Linh chi có giá từ 700-800 ngàn/kg tươi. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, chị Phương còn thu lợi khoảng 7-8 triệu đồng.
Nguyên liệu trồng nấm đơn giản, đều sẵn có và dễ tìm, kỹ thuật lại đơn giản mà nguồn thu ổn định, do đó mô hình trồng nấm có thể nhân rộng ra khắp nơi, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Bà Nguyễn Thị Lương-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah cho biết: Mô hình trồng nấm của chị Nguyễn Thị Hoài Phương hiện đã có nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn thị trấn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và nhiều chị cũng rất thích, bởi phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn. Dự định sắp tới, Hội sẽ tổ chức cho chị em học tập và nhân rộng mô hình này.
Lê Hải

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.