Chư Băh chung sức xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng làng nông thôn mới (NTM).

Huy động nhiều nguồn lực

Cũng như nhiều địa phương khác, xã Chư Băh xác định xây dựng làng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Với 86% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế nên xã đã chủ động thực hiện xây dựng làng NTM theo hướng chậm nhưng chắc. Năm 2020, buôn Bir được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2024, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng buôn Hiao đạt chuẩn NTM.

Trên cơ sở kết quả rà soát những tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM, xã tập trung huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ buôn Hiao; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch thực hiện theo phương châm “Tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”.

Cùng với đó, khuyến khích sự tham gia của người dân và tranh thủ các nguồn lực đầu tư, sự giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đơn vị kết nghĩa với địa phương nhằm đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

nho-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-dien-mao-buon-hiao-ngay-cang-khoi-sac-nha-sinh-hoat-cong-dong-duoc-xay-dung-khang-tranh-anh-vu-chi-3845.jpg
Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Hiao (xã Chư Băh) được xây dựng khang trang. Ảnh: V.C

Theo kết quả rà soát, đầu năm 2024, buôn Hiao hoàn thành 15 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM gồm: tiêu chí số 1 về quy hoạch, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 hộ nghèo và tiêu chí số 15 về y tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuân cho biết: Cuối năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của buôn Hiao mới đạt 52,17%. Với mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên trên 90% vào cuối năm 2024, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của BHYT trong cuộc sống; hướng dẫn người dân chi tiêu tiết kiệm, chia mức đóng BHYT thành từng quý để tham gia cho cả gia đình để phòng ngừa rủi ro.

Bên cạnh đó, xã tranh thủ nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để giúp người dân trong buôn tham gia BHYT đầy đủ. Theo đó, tại lễ kết nghĩa giữa Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm, Điện lực, Agribank-Chi nhánh Ayun Pa với buôn Hiao, 4 đơn vị đã tài trợ 355 thẻ BHYT cho người dân và 5 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho trẻ em mồ côi. Hiện tỷ lệ tham gia BHYT của người dân đạt 90,04%.

Riêng tiêu chí hộ nghèo, xã bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ 2 căn nhà và 7 con bò sinh sản giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Ngày 7-10 vừa qua, 2 căn nhà đã được khởi công xây dựng.

Chị Nay H’Nới cho biết: Gia đình chị có 4 người con nhưng chỉ có 1 sào đất trồng mì. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng chị đi làm thuê khắp nơi nhưng công việc không ổn định nên không có tiền để sửa chữa lại nhà ở. Khi biết gia đình được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng làm nhà, vợ chồng chị đăng ký vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Ayun Pa để xây dựng căn nhà kiên cố.

“Không chỉ được hỗ trợ làm nhà ở, gia đình còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản làm sinh kế. Tôi xin cảm ơn Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ gia đình. Từ nay, vợ chồng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo”-chị H’Nới bộc bạch.

Cùng chung niềm vui được hỗ trợ bò sinh sản, ông Rmah Phiêu chia sẻ: “Nhìn người ta có bò để chăn thả, tôi cũng ưng lắm nhưng tuổi cao nên không ai thuê đi làm, tiền đâu để mua bò. Được các cấp quan tâm tạo điều kiện tặng con bò làm sinh kế, tôi rất mừng. Mỗi ngày, tôi tranh thủ cắt cỏ cho bò ăn, hy vọng nó mau sinh sản thêm những con bê khỏe mạnh, giúp gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

ong-rmah-phieu-buon-hiao-xa-chu-bah-cham-soc-con-bo-duoc-ho-tro-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-anh-vu-chi-7499.jpg
Ông Rmah Phiêu (buôn Hiao) chăm sóc con bò được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: V.C

Ông Ksor Khem-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiao-cho biết: Buôn Hiao hiện có 243 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%. Nhờ huy động nhiều nguồn lực xây dựng NTM, đến nay, buôn Hiao đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, niềm vui lớn nhất là buôn xóa được hoàn toàn 5 hộ nghèo và giảm 2 hộ cận nghèo. Buôn chỉ còn 9 hộ cận nghèo, chiếm 3,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Buôn làng khởi sắc

Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiao, từ chương trình xây dựng NTM, bộ mặt buôn làng ngày càng khang trang, hiện đại. Từ năm 2022 đến nay, buôn được đầu tư nâng cấp 3 tuyến đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài hơn 1 km với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng, trong đó, người dân đối ứng trên 120 triệu đồng. Năm 2024, buôn được đầu tư sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng với kinh phí 181,5 triệu đồng, trong đó, người dân đối ứng 7 triệu đồng.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước và sự chung sức của người dân, 100% đường trục nội thôn đã được bê tông hóa; 100% đường nội đồng được cứng hóa. Buôn không còn nhà tạm, nhà dột nát. 100% hộ dân đã có điện và nước sạch theo quy chuẩn.

Phương châm xây dựng làng NTM theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng nên công tác tuyên truyền được hệ thống chính trị đặt lên hàng đầu. Cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp như thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ. Đồng thời, Chi bộ phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong mọi hoạt động để nêu gương cho mọi người cùng làm theo.

nho-chuong-trinh-xay-dung-lang-nong-thon-moi-dien-mao-buon-hiao-ngay-cang-khoi-sac-anh-vu-chi-9900.jpg
Nhờ chương trình xây dựng làng nông thôn mới, diện mạo buôn Hiao ngày càng khởi sắc. Ảnh: Vũ Chi

Ông Nay Kai-người có uy tín của buôn Hiao-chia sẻ: Để vận động người dân chung sức xây dựng NTM, ông cùng hệ thống chính trị đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng NTM.

Giải thích một lần chưa được thì giải thích lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí nhiều hơn thế. Mới đầu thì khó, sau này, bà con dần hiểu và tự giác thực hiện. Đặc biệt, những phần việc cụ thể mà người dân có thể tự thực hiện như chỉnh trang khuôn viên nhà ở, di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, đào hố và thu gom rác thải, cải tạo vườn tạp…

Nhờ vậy, gần 70% hộ chăn nuôi ở buôn Hiao đảm bảo vệ sinh môi trường, 73% hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Người dân tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn canh tác 5 ha mì, mía, nuôi 5 con bò và 3 con heo nái, thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng. 6 đứa con của tôi đều học hành tới nơi tới chốn, hiện là cán bộ xã, thôn. Khi mình gương mẫu đi đầu thì tuyên truyền, vận động bà con mới nghe theo”-ông Kai chia sẻ.

Phấn khởi trước sự đổi thay của buôn làng, già làng Ksor Weo vui mừng nói: Không ai có thể phủ nhận những kết quả mà chương trình xây dựng NTM đã mang lại. Đường làng, ngõ xóm không còn lầy lội như trước, trẻ em thoải mái chơi đùa.

Thay vì tối ngày tập trung rượu chè như trước, giờ đây, bà con hăng say lao động, bảo ban nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Xe chở nông sản bon bon chạy trên những con đường bê tông thẳng tắp nối dài từ buôn tới khu sản xuất. Người dân hiểu được tầm quan trọng của cái chữ trong công cuộc giảm nghèo nên trẻ em đều đến trường đúng độ tuổi, không còn tình trạng bỏ học giữa chừng. An ninh trật tự trong buôn nhờ vậy được giữ vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuân thông tin: Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, xã đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung xây dựng các làng NTM theo đúng kế hoạch đề ra.

Đến nay, buôn Hiao đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện xã đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, hiện nay, người dân đã chuyển sang chủ động, chung sức cùng chính quyền hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM. Đây là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục kế hoạch xây dựng làng NTM với 3 buôn còn lại và hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao của xã với mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân cả về vật chất, tinh thần.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.