Chư Á: Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, với nhiều việc làm thiết thực như: vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả… Hội Nông dân xã Chư Á (TP. Pleiku) đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn, ông Nguyễn Trung Chính-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á, cho biết: Toàn xã hiện có 1.116 hội viên, chiếm 80% số hộ nông nghiệp của xã. Những năm qua, để tạo điều kiện cho hội viên có nguồn lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu, Hội đã hướng dẫn các chi hội thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên để có hướng hỗ trợ phù hợp và đạt hiệu quả.

 

Nhiều nông dân xã Chư Á (TP. Pleiku) làm giàu nhờ trồng cây công nghiệp. Ảnh: H.T
Nhiều nông dân xã Chư Á (TP. Pleiku) làm giàu nhờ trồng cây công nghiệp. Ảnh: H.T

Đặc biệt, xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã Chư Á phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh giúp đỡ gần 1.000 lượt hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên hướng dẫn các chi hội xây dựng nguồn quỹ giúp hội viên nghèo vay với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất. Đến nay, tổng quỹ ở các chi hội đạt 60 triệu đồng, giúp cho 10 hội viên vay đầu tư mua phân bón, cây-con giống để sản xuất nhằm vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Tân Thế Cần (thôn 4) là một trường hợp thoát nghèo nhờ được Hội Nông dân xã Chư Á giúp vay vốn. Do không có đất sản xuất, một mình ông lại nuôi 3 con nhỏ nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Năm 2014, nhờ được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh,  ông Cần mua xe công nông chở nông sản và vật tư nông nghiệp cho bà con trên địa bàn, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng. Cuối năm 2015, gia đình ông Cần được công nhận thoát nghèo. “Có thu nhập, năm 2016, tôi cũng mua thêm một xe công nông để chở máy xay cà phê thuê nên thu nhập cũng tăng lên. Nhờ đó, tôi đã sửa chữa được căn nhà rộng rãi hơn cho các con ở”-ông Cần vui mừng cho biết.

Không dừng lại ở việc giúp vay vốn, Hội Nông dân xã Chư Á còn vận động hội viên, nông dân tham gia tổ hợp tác “Sản xuất cà phê sạch”, xây dựng mô hình “Chăn nuôi heo sạch”, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích trồng lúa thường xuyên bị khô hạn sang trồng rau màu để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, Hội tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi cho hội viên, nông dân.

Ông Ling (làng Do) chia sẻ: “Nhà tôi trồng 1,5 ha cà phê. Trước đây, do không nắm vững kỹ thuật và thiếu vốn nên năng suất chỉ đạt 10 kg quả tươi/cây. Sau này, nhờ được cán bộ Hội hướng dẫn, cộng với kinh nghiệm học được từ các buổi tập huấn, tôi bón phân đều đặn mỗi năm 3 đợt sau kỳ thu hoạch nên cà phê cho năng suất trên 20 kg quả tươi/cây. Thu nhập của gia đình nhờ đó cũng tăng từ 100 triệu đồng/năm lên trên 200 triệu đồng/năm”. Ngoài ra, ông Ling còn học thêm kinh nghiệm trồng xen bắp và đậu phộng, mỗi năm thu trên 60 triệu đồng.

Với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, nhiều hội viên, nông dân ở Chư Á đã có điều kiện để vươn lên thoát nghèo; số hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cũng tăng lên. Hội Nông dân xã Chư Á có 450 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 50 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với thu nhập 200-500 triệu đồng/năm; hội viên nghèo chỉ còn 27 hộ.

Đặc biệt, hội viên, nông dân trong xã đã tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính từ đầu  năm 2016 đến nay, hội viên, nông dân trên địa bàn xã đã hiến 9.000 m2 đất và 250 triệu đồng mở đường ra cánh đồng Ia Bồ để phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản; tham gia trên 500 ngày công làm 5 km đường giao thông nông thôn, cùng nhiều chương trình khác góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. “Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ vay vốn, xây dựng một số mô hình áp dụng công nghệ cao để bà con áp dụng nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất”-ông Nguyễn Trung Chính-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á, cho biết.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.