Các tay súng nhóm nổi dậy tại căn cứ ở bang Shan, Myanmar giáp Trung Quốc hồi tháng 10/ 2023. Ảnh: AFP |
"Quân đội chính quyền quân sự sẽ... tiến hành các cuộc phản công", Thống tướng Hlaing nhấn mạnh. Ông cáo buộc các nhóm vũ trang sử dụng các tòa nhà hành chính và thường dân vô tội làm lá chắn sống.
"Do đó, người dân sinh sống tại các thị trấn và làng mạc nơi những kẻ khủng bố chiếm đóng trái phép nên nhận thức được vấn đề an ninh để không phải đối mặt với tình trạng bị bóc lột", ông nói.
Hồi tháng 5, trong một báo cáo, chính quyền quân sự đã để mất quyền kiểm soát ở 86% thị trấn trên đất nước, nơi sinh sống của 67% dân số nước này. Điều đó cho phép các nhóm vũ trang sắc tộc có cơ hội mở rộng và củng cố các khu vực mà họ giành quyền kiểm soát trước đó.
Mới đây nhất, chính quyền quân sự Myanmar đã để mất một vùng lãnh thổ gần biên giới với Trung Quốc ở phía bắc bang Shan vào tay liên minh các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang và "Lực lượng Phòng vệ Nhân dân" thuộc chính phủ dân sự đã bị quân đội lật đổ năm 2021.
Các nhóm này đã chiếm được một Bộ chỉ huy quân sự khu vực và kiểm soát các cửa khẩu biên giới buôn bán béo bở, khiến những người ủng hộ quân đội hiếm hoi công khai chỉ trích giới lãnh đạo cấp cao của chính quyền quân sự.
Myanmar chìm trong xung đột kể từ khi quân đội nước này tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Bà đang thụ án tù 20 năm do bị cáo buộc hàng chục tội danh, trong đó có vi phạm đạo luật về bí mật quốc gia, tham nhũng và gian lận bầu cử.
Liên minh Huynh đệ, tập hợp ba nhóm nổi dậy lớn nhất ở miền bắc Myanmar, tháng 10 năm ngoái phát động chiến dịch chống lại các cuộc tấn công của quân đội chính phủ cũng như đối phó với các băng nhóm lừa đảo trực tuyến trong khu vực.
Sau nhiều tháng phát động, các nhóm nổi dậy đã chiếm được nhiều căn cứ của quân đội, cho thấy chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với những thách thức nan giải.