Chiều buồn... Kon Sơ Lăl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một ngôi làng đẹp như tranh vẽ, chỉ trong một buổi chiều giông bão, Kon Sơ Lăl đã hoang tàn như một đống đổ nát, chỉ còn lại nhiều hơn là những giọt nước mắt mặn mòi cứ rơi trên nền đất đầy tàn tro ám khói.

Ngôi làng trong tranh

Nếu ai đã từng đến làng Kon Sơ Lăl (cũ), xã Hà Tây, huyện Chư Pah có lẽ cũng đã từng bị ngôi làng này mê hoặc bởi vẻ đẹp nguyên sơ, hiền hòa. Ngôi làng có hơn 50 nóc nhà sàn gói gọn trong một khoảng đất bằng phẳng ở lưng chừng núi nhưng tuyệt nhiên không có sự náo nhiệt mặc định nào. Hiếm hoi lắm, người ta mới nhìn thấy một người già đang cặm cụi làm gì đó trước cửa nhà sàn (ấy là do những người trẻ đã dời nhà theo làng mới cách đó chừng 4 km). Chỉ có tiếng lũ chim rừng thảnh thót quanh quất đâu đó hòa âm với lũ heo thả rông khịt mũi dưới đất. Trên cành, những trái khế, chùm ruột… vàng ươm, chín mọng sai trĩu trịt. Ở những vòi nước quanh làng, nước ở con suối trên đỉnh núi vẫn chảy không ngừng từng dòng nước mát rười rượi.

 

Nhà rông làng Kon Sơ Lăl khi chưa xảy ra vụ cháy. Ảnh: V.N
Nhà rông làng Kon Sơ Lăl khi chưa xảy ra vụ cháy. Ảnh: V.N

Giữa ngôi làng thanh vắng ấy, những ngôi nhà sàn làm bằng mái tranh, vách đất nhuốm màu thời gian lại càng khiến vẻ đẹp thêm mơ màng. Trước hiên nhà sàn, những chiếc cối vẫn ở đó cho dù nó không còn vang lên những tiếng rộn ràng mỗi sớm mai nữa. Hiếm ở đâu, người ta tìm thấy một ngôi làng còn nguyên sơ cái mái tranh của bao ngày lên núi cắt cỏ, cái vách đất của bàn tay thoăn thoắt nhào nặn. Cột nhà được làm bằng gỗ trắc-loại gỗ mà thương lái ở khắp nơi tìm đến dụ dỗ, mua chuộc nhưng đều thất bại. Dân làng đã không còn ở lại ngôi làng cũ đó nữa, nhưng họ vẫn không để mất dù chỉ một cột nhà bằng gỗ trắc.    

Đến Kon Sơ Lăl là phải đặt chân đến nhà rông-linh hồn và cũng là minh chứng lịch sử của ngôi làng. Phải suốt mấy tháng ròng rã từ chuẩn bị đến dựng cột, lợp mái, nhà rông mới nên hình nên hài. Bao nhiêu lễ hội, bao nhiêu vòng xoang, bao nhiêu vũ điệu cồng chiêng đã nổi dưới mái nhà rông sừng sững ấy. Để rồi, dù đã dọn đến làng mới, những người Kon Sơ Lăl hoài niệm vẫn thường xuyên về lại mái nhà rông để cùng nhau quây quần bên ghè rượu cần thơm nồng. Hàng đêm, lũ thanh niên của làng vẫn ngủ ở nhà rông để canh giữ kẻ trộm nhăm nhe gỗ trắc. Mới đây, nhà rông còn là chốt trực chiến góp công chặn bắt lâm tặc phá rừng. Còn người già, họ thậm chí chấp nhận nỗi cô độc để ở lại làng, nơi họ đã cất tiếng khóc chào đời, nơi gắn bó gần như cả cuộc đời…

Nhưng Kon Sơ Lăl của một ngày mộng mơ ấy đã mất để nhường lại một Kon Sơ Lăl sần sùi, trơ trụi bên đống tro tàn.

Nỗi đau vời vợi  

Khoảng 14 giờ ngày 29-4, từng đám mây vần vũ mỗi lúc một đặc khiến bầu trời xám xịt. Những cơn gió cuồn cuộn bắt đầu nổi lên khiến lá khô thốc lên từng đợt. Một tia sét sáng lòa đánh thẳng vào ngôi nhà sàn giữa làng. Lửa bắt đầu từ đó nổi lên. Được mái tranh “tiếp sức”, lửa bùng lên dữ dội như muốn nuốt chửng ngôi nhà. Bất chợt, một cơn lốc xoáy xuất hiện cuốn theo ngọn lửa đi khắp luồng gió của nó đến từng ngôi nhà trong làng rồi đến… nhà rông. Kon Sơ Lăl cũ chìm trong khói lửa. Ở Kon Sơ Lăl mới cách đó gần 4 km, tiếng kẻng báo động vang lên, hàng trăm người được huy động tiến về làng cũ dập lửa. Nhưng trước sức gió dữ dội, ngọn lửa hung tàn cứ “liếm” từng mái tranh này đến mái tranh khác. Những ngôi nhà sàn rồi đến nhà rông cũng đã đổ sập xuống như một người khổng lồ bị đánh gục trước sự bất lực của hàng trăm dân làng.

 

Ảnh: V.N
Ảnh: V.N

Đến 18 giờ, nhà rông hùng vĩ ấy chỉ trơ trọi những cái cột đen trũi chọc lên bầu trời. Nhiều người đã rơi nước mắt. Ai mạnh mẽ hơn cũng nghẹn ngào không thốt thành lời. Bok Pak-người chứng kiến những ngọn lửa đầu tiên tàn phá ngôi làng tâm sự: “Bao nhiêu người đấy mà gió to quá không thể cứu được nhà rông của làng, mình buồn lắm. Không có nhà rông không biết rồi sau này ngôi làng sẽ thế nào nữa…”. Chỉ trong một buổi chiều chóng vánh, ngọn lửa đã thiêu rụi 11 ngôi nhà sàn cùng 1 nhà rông của làng.

Trung tâm làng ken đặc khói bụi mịt mù trộn lẫn mùi than sền sệt đến ngột ngạt. Với người làng Kon Sơ Lăl, tất cả như một thảm họa. Ai nấy đều xắn tay vào dọn dẹp đống đổ nát nhưng trong đầu họ vẫn mong đó chỉ là một giấc mơ. Và rồi, những đôi tay phỏng rát cũng đẩy họ về với thực tại rằng làng đã không còn nữa. Nhưng họ cũng chỉ biết đến thế thôi chứ cũng không ai dám nghĩ ngôi làng sẽ đi về đâu khi nhà rông đã mất, khi hơn chục nóc nhà giờ chỉ còn tro bụi. Cứ thế, họ như người lẩn thẩn đi nhặt nhạnh những mảnh vụn giữa màn đêm mặc cho sương lạnh đã buông xuống thấm vào da thịt tự bao giờ…

Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.