Tuân thủ nghiêm quy trình chấm thi
Bà Hà Lan Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là tỉnh mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam từ ngày 1/7. Ngay từ ngày 1/7 khi công bố các quyết định, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở 3 ban chỉ đạo của 3 tỉnh cũ. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng phương án chi tiết cho công tác chấm thi.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chấm thi, bảo đảm đúng quy trình, an toàn, an ninh của khu vực chấm thi. "Chúng tôi yêu cầu các Hội đồng chấm thi, ban chấm thi tuân thủ nghiêm các bước quy trình theo đúng quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", bà Hà Lan Anh nhấn mạnh.
Ban chấm thi số 2 của tỉnh Ninh Bình gồm khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận được bố trí tại Trường THPT Nguyễn Khuyến-phường Nam Định. Tại đây, khu vực chấm thi tự luận được bố trí gồm 6 phòng chấm của 6 tổ chấm và ba phòng dành cho việc thống nhất điểm. Mỗi phòng chấm đều được trang bị đầy đủ bàn ghế cho 24 đến 28 giám khảo, lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động 24/24 giờ cùng thiết bị lưu điện theo đúng quy định.

Ban chấm thi số 2 của tỉnh Ninh Bình gồm khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận.
Điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm đầy đủ ánh sáng, quạt mát, điều hòa, nước uống; có thùng đựng điện thoại và vật dụng không liên quan của giám khảo, nội quy và quy trình chấm thi được niêm yết rõ ràng; hệ thống khóa bảo vệ an toàn được thực hiện nghiêm ngặt.
Khu vực chấm thi trắc nghiệm được trang bị đầy đủ hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, có thiết bị lưu điện, khóa và niêm phong theo đúng quy định. Ngay bên cạnh là phòng của lực lượng Công an, bảo đảm giám sát và bảo vệ 24/24 giờ.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Minh Nguyệt, quy mô kỳ thi của tỉnh Ninh Bình có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 46.667 thí sinh, trong đó có 1.141 thí sinh tự do (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là 45.896 em; chương trình Giáo dục phổ thông 2006 là 771 em).

Quang cảnh buổi làm việc.
Tổng số cán bộ được huy động tham gia công tác chấm thi là 376 người. Trong đó, hội đồng thi gồm 15 người; ban làm phách có 32 người; ban thư ký hội đồng thi gồm 36 người. Ban chấm thi tự luận cho chương trình giáo dục phổ thông 2006 có 28 người; ban chấm thi trắc nghiệm cho chương trình này gồm 31 người.
Riêng chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổng số cán bộ chấm thi là 234 người, bao gồm 5 lãnh đạo ban chấm thi, 204 cán bộ thuộc tổ chấm tự luận và 25 cán bộ thuộc tổ chấm trắc nghiệm.
Về tiến độ, đến thời điểm hiện tại, công tác chấm bài thi tự luận và quét bài thi trắc nghiệm đối với thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã hoàn thành.
Dự kiến, việc chấm bài thi tự luận sẽ hoàn tất muộn nhất vào ngày 8/7; việc quét bài thi trắc nghiệm hoàn thành chậm nhất vào ngày 5/7, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chấm thi tốt nghiệp THPT: Thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay
Trao đổi tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động trong công tác tổ chức chấm thi của tỉnh Ninh Bình; trong đó có việc bố trí lực lượng công an, thanh tra bảo đảm an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện được duy trì và phối hợp các bộ phận rất nhuần nhuyễn.
Thứ trưởng cho biết, năm nay công tác tổ chức kỳ thi diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đã chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp. Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung kiểm tra tại những tỉnh đang trong quá trình chuyển đổi trạng thái hành chính để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn phát sinh.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công tác coi thi và chấm thi được phân cấp mạnh cho địa phương. Do đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý đòi hỏi các tỉnh, đặc biệt là những địa phương hợp nhất, cần chủ động thích ứng, điều hành linh hoạt.
Dù thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải bảo đảm phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ đạo tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục báo cáo cụ thể về quá trình chuyển đổi, trong đó nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kể cả trong nội dung chuyên môn như hướng dẫn chấm, quy chế thi… để Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời giải đáp, hỗ trợ.
Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, các địa phương cần thống nhất chủ động, rõ về chế độ thông tin báo cáo, rõ đầu mối và rõ trách nhiệm. Không được ép tiến độ, đặc biệt là chấm tự luận vì sẽ kéo theo nguy cơ bị sai sót hoặc chấm nhầm điểm. Công tác chấm thi phải đúng quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Đây là kỳ thi lớn với nhiều người tham gia vì vậy cần phải thông tin nhanh, xử lý kịp thời và hiệu quả ngay. Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình cần triển khai tốt công tác thanh tra, bảo đảm an ninh, an toàn để công tác chấm thi diễn ra đúng quy chế, quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, triển khai công tác chấm thi, lên điểm và công bố kết quả đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, công bằng và minh bạch.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, tổ chấm Ngữ văn cần thực hiện việc chấm thi với tinh thần nhân văn, ghi nhận sự nỗ lực của học sinh, tránh áp dụng máy móc. Việc chấm phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy chế, quy trình, chấm đều tay và phản ánh đúng thực chất bài làm của thí sinh. Đây không chỉ là yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn là sự thể hiện tính công bằng đối với thí sinh của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Quỳnh Nguyễn (NDO)