“Cánh tay nối dài” bảo đảm bình yên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) hiện có 17 tổ tự quản với gần 100 thành viên. Nhiều năm qua, các tổ tự quản thực sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng, góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

Ông Rơ Châm Miếu-Trưởng nhóm Tin lành Việt Nam-miền Nam ở làng Nú (xã Ia Nan) đã sống nhiều năm trên khu vực biên giới. Ông Rơ Châm Miếu chia sẻ: “Chúng tôi đã thành lập tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự trong vùng đồng bào theo tôn giáo. Tổ tự quản gồm 5 thành viên, tôi làm tổ trưởng. Ngoài việc nắm bắt thông tin, phát hiện người lạ, kẻ xấu xâm nhập địa bàn, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chăm lo lao động sản xuất, không nghe và không tin lời kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh”.

Xã Ia Nan hiện có 17 tổ tự quản với gần 100 thành viên. Trong đó có 2 tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc, 2 tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự trong vùng đồng bào theo tôn giáo, còn lại là các tổ tự quản bảo vệ an ninh thôn, làng. Nhiều năm qua, các tổ tự quản thực sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng. Các tổ tự quản đã kịp thời báo cho lực lượng chức năng những nguồn tin giá trị, góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn cùng già làng và thành viên tổ tự quản trao đổi công việc. Ảnh: V.H

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Pnôn cùng già làng và thành viên tổ tự quản trao đổi công việc. Ảnh: V.H

Trên địa bàn tỉnh có 7 xã biên giới thuộc 3 huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai với hơn 11 ngàn hộ dân. Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp vừa đảm bảo quốc phòng-an ninh vừa giúp đỡ người dân phát triển kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 ban chỉ đạo cấp tỉnh, 3 ban chỉ đạo cấp huyện (3 huyện biên giới), 7 ban chỉ đạo cấp xã và 65 tổ tự quản với 430 thành viên gồm: 13 tổ tự quản đường biên cột mốc với 82 thành viên; 1 câu lạc bộ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc với 6 thành viên; 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng với 326 thành viên; 1 tổ tàu thuyền an toàn với 6 thành viên và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo với 10 thành viên. Đây chính là những “cột mốc sống” trên vùng biên giới, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo an ninh trật tự.

Xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài hơn 27 km, trên địa bàn có 2 đồn Biên phòng đứng chân. Thời gian qua, các tổ tự quản cùng chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nắm chắc thông tin, phối hợp xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Ông Siu Thọ-Tổ trưởng tổ tự quản làng Klă-cho biết: “Tổ có 5 thành viên. Ban đêm, chúng tôi phối hợp với các lực lượng tiến hành tuần tra địa bàn, nhắc nhở bà con chú ý bảo vệ tài sản. Đồng thời, nắm địa bàn, thu thập thông tin về tình hình an ninh trật tự, kịp thời phát hiện người lạ vào địa bàn để báo cho lực lượng chức năng xử lý”.

Với vai trò là “cánh tay nối dài” của các lực lượng chức năng, từ năm 2017 đến nay, các tổ tự quản trên địa bàn biên giới đã tuần tra được 1.582 buổi với 6.977 lượt thành viên tham gia. Qua đó, lực lượng này đã cung cấp 386 nguồn tin giúp cho các lực lượng chức năng xử lý 149 vụ với 235 lượt đối tượng liên quan đến trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, các tổ tự quản cũng tham gia giải quyết 157 vụ liên quan đến mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai.

Có thể bạn quan tâm