(GLO)- Hàng năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là thực phẩm đóng gói thường tăng mạnh từ giữa tháng Chạp Âm lịch. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng đưa thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng vào lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tại các chợ và những điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa, hàng thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Nắm bắt tình hình này, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Nhiều loại hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng bị lực lượng chức năng đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Vũ Thảo |
Trong năm 2020, Cục QLTT Gia Lai đã kiểm tra và xử lý hơn 200 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, đã thu giữ và tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa gồm: 1 tấn chà bông, 4 tấn đường, 2,65 tấn gạo, 8,1 tấn mỡ bò và tóp mỡ, cùng nhiều loại thực phẩm như: bánh, kẹo, sữa công thức, nước tăng lực, mì gói, trái cây sấy, si rô cho trẻ em… |
Ông Nguyễn Đức Tuấn-Đội trưởng Đội QLTT số 7-cho biết: Ngày 18-1, lực lượng QLTT phát hiện cửa hàng tạp hóa Mỹ Ngọc (83 Phan Bội Châu, thị trấn Kbang) đang bày bán 6 kg bột ngọt (loại 1 kg/gói) nhãn hiệu Ajinomoto không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Trên bao bì sản phẩm in nhãn hiệu “Ajinomoto và hình” có dấu hiệu là hàng giả mạo vì trên mép bì nhăn nheo, nổi bọt khí, huy chương có màu vàng sậm, nhòe...
“Trước đó, Đội đã phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan để tổ chức, cá nhân nắm rõ nhằm hoạt động kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Về trường hợp này, lực lượng QLTT tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”-ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, ông Phạm Trí Thức-Đội trưởng Đội QLTT số 1-thông tin: “Đối với thị trường Pleiku, lực lượng QLTT đang trinh sát, nắm bắt tình hình để kiểm tra các mặt hàng bánh mứt, thực phẩm đóng gói. Vừa qua, Đội cũng đã phối hợp với Công an phát hiện 197 chai rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Liên quan đến thực phẩm giả nhãn hiệu, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho biết: “Căn cứ trên dấu hiệu nhận biết ban đầu đó là 2 bên mép túi có đường gấp, miệng túi hay bị bọt khí, vì những đối tượng này thường in ấn một loạt bao bì trước rồi nhập nguyên liệu về tự đóng gói nên không có độ tinh xảo... Vì thế, người tiêu dùng khó mà phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”.
Bà Trần Thị Lanh (tổ 1, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết tăng cao. Nhiều cửa hàng, đại lý nhập về số lượng lớn hàng thiết yếu để phục vụ việc mua sắm. Tuy nhiên, tôi thường đến siêu thị để mua cho yên tâm. Việc mua bên ngoài dễ nhầm với hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng vì khó nhận biết”.
Qua đấu tranh khai thác của lực lượng chức năng thì hầu hết các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh, đóng chai, đóng gói, thực phẩm khô nguyên thùng có thể được nhập khẩu hoặc mua trôi nổi trên thị trường và thường không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc không được kiểm định chất lượng theo quy định.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh trên các trang mạng xã hội cũng là cơ hội để các loại hàng thực phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hết hạn sử dụng có thể được người bán lợi dụng quảng cáo là “hàng nhà làm” để tạo lòng tin cho người mua.
Theo ông Đinh Văn Hà, những loại hàng hóa nhái nhãn hiệu thường được vận chuyển về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để bán. Do đó, trong kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh yêu cầu các đội tăng cường trinh sát nắm bắt tình hình cụ thể ở địa bàn. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu...
“Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm ở những nơi bán uy tín, không nên mua hàng hóa trôi nổi, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ”-ông Hà khuyến cáo.
VŨ THẢO