Cần sớm ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân làng Chai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không có đất sản xuất nên 40 hộ dân ở làng Chai (nay là làng Kruối Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn trong cảnh túng thiếu. Họ mong muốn Nhà nước hỗ trợ sắp xếp khu dân cư, xây dựng nhà ở và đặc biệt là hỗ trợ đất sản xuất để từng bước cải thiện cuộc sống.
Ngoài 60 tuổi nhưng bà Đinh Thị Sét phải đi làm thuê để kiếm sống. Bà có 4 người con đều đã lập gia đình nhưng vì không có đất sản xuất nên tất thảy đều chọn cách ai kêu gì làm nấy. “Mấy năm gần đây, thấy tôi già yếu nên ít người kêu đi làm. Ngày nào may mắn đi bón phân, làm cỏ thuê thì được 100-120 ngàn đồng, còn lại phải ngồi không ở nhà”-bà Sét rầu rĩ nói. 
Bà Sét còn kể, ngày trước, gia đình bà cũng như các hộ dân trong làng sống bên bờ sông Ba, đoạn tiếp giáp làng Jun (xã Yang Bắc). Bấy giờ, hầu như hộ nào cũng có vài luống đất trồng bắp, trồng lúa. Năm 1998, lo lắng trước việc một phụ nữ tự tử tại cổng làng nên mọi người tìm chốn lập làng mới. Nơi làng mới, hộ nào cũng dựng tạm căn nhà bằng tôn hoặc ván nên giờ hầu như đều đã xuống cấp. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng không ai dám về lại nương rẫy cũ để canh tác.
Ngồi tựa lưng vào cửa, anh Hngắt tần ngần nhìn ra khoảng không trước nhà. Anh bảo đã mấy ngày rồi trời mưa nên không có việc gì làm. Cuộc sống của 4 người trong gia đình anh vì thế cũng chật vật theo. Rau rừng, lá mì đã trở thành món ăn chính trong bữa cơm. Trong căn nhà dựng tạm chưa tới 20 m2 của gia đình chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ. Anh Hngắt cho biết, từ khi theo bố mẹ chuyển tới đây sinh sống, anh phải đi làm thuê cùng với họ để kiếm tiền trang trải chi tiêu. Năm 2016, anh lập gia đình với một phụ nữ cùng làng. Vì không có đất sản xuất nên vợ chồng anh đi xâm canh tại núi Dốc Dài (làng Prăng, xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro). Vợ chồng anh cũng không nề hà bất cứ công việc gì miễn sao có người gọi đi làm để lo cơm nước hàng ngày cho cả nhà. “Mình đi làm thuê, ngày có việc ngày không nên thu nhập chẳng đủ chi tiêu. Vì vậy, nhiều lần mình đã nghĩ tới việc sẽ đầu tư chăn nuôi thêm gia súc hoặc gia cầm nhưng chưa có vốn”-anh Hngắt bộc bạch.
Làng Chai (cũ) vẫn còn hơn 50% số hộ ở nhà tạm bợ. Ảnh: Nhật Hào
Làng Chai (cũ) vẫn còn hơn 50% số hộ ở nhà tạm bợ. Ảnh: Nhật Hào
Ông Đinh Vứt-Bí thư Chi bộ làng Kruối Chai-cho biết: Từ khi chuyển về đây sinh sống, không một hộ dân nào của làng Chai (cũ) có đất sản xuất. Vì thế, thu nhập của họ chỉ trông vào công việc làm thuê. Hiện nay, làng Chai (cũ) có 40 hộ nhưng có tới 8 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo; 50% số hộ ở nhà cửa tạm bợ. Nhiều gia đình trẻ mới cưới phải sống chung với bố mẹ. Trước hoàn cảnh đó, huyện và xã cũng đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình để hỗ trợ, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng như đào giếng nước, làm nhà ở, làm nhà rông. “Riêng các hộ dân ở làng Kruối (cũ) sau khi sáp nhập với làng Chai từ năm 2019, bà con cũng thường xuyên giúp đỡ họ bằng cách có việc thì kêu đi làm hoặc hướng dẫn tiết kiệm để có tiền mua gia súc, gia cầm về nuôi. Tuy nhiên, đời sống của người dân làng Chai vẫn còn rất khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước có phương án hỗ trợ nhằm giúp các hộ cải thiện cuộc sống”-ông Vứt nói.
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Thúy-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc-cho hay: Cuộc sống của bà con làng Kruối Chai nói chung, làng Chai (cũ) nói riêng hiện vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, xã đã phối hợp với các ban, ngành của huyện xây dựng Dự án bố trí, sắp xếp cho người dân định cư tại làng Kruối Chai giai đoạn 2021-2025. Nếu Dự án được phê duyệt, 72 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo chưa có nơi ở ổn định được sắp xếp lại nhà cửa và hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí khoảng 24,6 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đất sản xuất, cây-con giống, xây dựng các công trình công cộng như: làm đường giao thông nông thôn, xây dựng điểm trường mẫu giáo, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điện chiếu sáng… “Xã mong Dự án sớm được thực hiện nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất để cải thiện thu nhập. Qua đó, góp phần giảm nghèo và củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn”-bà Thúy nói.
NHẬT HÀO - TUYẾT MAI

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.