Cần bố trí nguồn lực giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ cần bố trí đủ nguồn lực để đo đạc.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)



Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, thời gian qua, không ít công ty nông lâm trường được Nhà nước giao quản lý rất nhiều diện tích nhưng đã để xảy ra tranh chấp, mất đất, mất rừng, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn "đói nghèo" vì thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất.

Bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - nữ đại biểu đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đang là “vùng lõi nghèo của cả nước.”

Người dân vẫn thiếu đất sản xuất

- Đầu tiên, xin đại biểu cho biết quan điểm của mình về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại các địa phương hiện nay?

Đại biểu Cao Thị Xuân: Đối với vấn đề đất đai do các công ty nông, lâm trường và các ban quản lý rừng quản lý, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quyết sách lớn. Quốc hội khóa XIII cũng đã có giám sát và ban hành Nghị quyết số 112/2015 về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh.”

Tuy nhiên, qua theo dõi và giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất vẫn đang ở mức rất lớn.

Kể từ khi có giám sát của Quốc hội khóa XIV đến nay, chuyển biến từ việc giải quyết vấn đề thiếu đất nêu trên cũng còn chậm. Ở đây có cả yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Tuy nhiên, theo tôi, đối với phần diện tích mà các nông lâm trường hiện đang quản lý mà không hiệu quả đang chiếm diện tích rất lớn.

Đó là vấn đề mà Hội đồng Dân tộc chúng tôi rất quan tâm, nhất là khi một số diện tích do các công ty nông lâm trường, ban quản lý rừng quản lý còn có tình trạng tranh chấp lấn chiếm, cho thuê lại và có cả “khoán trắng” hay “phát canh thu tô” nhưng hiện nay vẫn chưa được thu hồi, bàn giao lại cho người dân.

Tôi nghĩ rằng đấy là những vấn đề cấp thiết và chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ quan tâm, có những giải pháp thật là căn cơ đồng thời cũng cần có chế tài xử lý nghiêm minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán để thu hồi lại số diện tích đất mà các công ty nông lâm trường đang quản lý để bàn giao lại cho người dân sản xuất - đấy là giải pháp tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Theo thống kế, từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2004 đến nay, diện tích mà các công ty nông lâm trường, ban quản lý rừng chuyển/trả về địa phương đã lên tới hơn 1 triệu hécta, nhưng tại sao tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiết đất sản xuất hiện vẫn còn ở mức cao?

Đại biểu Cao Thị Xuân: Đúng là số diện tích các nông lâm trường bàn giao về địa phương không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo các địa phương phản ánh thì nhiều diện tích vẫn chưa bàn giao, chưa nhận hoặc nhận bàn giao rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng, chưa đo vẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho dân vẫn còn rất lớn.

Lý do là thiếu kinh phí. Có những khu vực, diện tích các nông lâm trường trả về địa phương để bàn giao cho dân lại nằm ở rất xã hoặc là đất bạc màu, núi đá nhiều nên người dân không muốn nhận và thực tế cũng không sản xuất hiệu quả được.

Như tôi đã đặt vấn đề ở trên, để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, trước tiên phải là sinh kế. Tuy nhiên, nếu sinh kế mà không có đất sản xuất thì không thể bền vững, không an cư thì không thể lập nghiệp. Hệ quả là khi người dân không có đất và phải nay đây, mai đó sẽ dẫn đến tình trạng một số bộ phận người dân tộc thiểu số và miền núi du canh, du cư; di cư tự do không có kế hoạch.


 

Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)
Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)


Tôi cho rằng đó là câu chuyện lãng phí đất đai. Trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất mà việc quản lý đất nông lâm trường không hiệu quả là một “lỗ hổng” rất lớn. Nếu Chính phủ không sớm có giải pháp quyết liệt xử lý thì tình trạng này thì sẽ vẫn lặp lại câu chuyện “giảm nghèo mà không bền vững.”

Cần bố trí đủ vốn để đo đạc, giao đất cho dân

- Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, chính đại biểu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề đất đai nông lâm trường, nhưng tới nay câu chuyện dường như vẫn như cũ. Theo đại biểu, mấu chốt của vấn đề tồn tại trên là gì?

Đại biểu Cao Thị Xuân: Theo dõi 5 năm thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 nêu trên cho thấy thực tế công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh đã có chuyển biến. Tuy nhiên, mức độ chuyển biến vẫn còn chậm. Theo báo cáo của Chính phủ thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí đo đạc, cắm mốc thực địa…

Thực tế cũng cho thấy tại nhiều địa phương, con số diện tích đất mà các công ty nông lâm trường trả về địa phương để bàn giao cho dân là có ở trên giấy, nhưng thực tế người dân cũng chưa nhận được hoặc chưa được đo vẽ, xác định cụ thể.

Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần phải ưu tiên, dành nguồn lực để đo đạc, để cắm mốc thì mới bàn giao đất về cho dân sử dụng được. Tất nhiên, nguồn lực này phải từ ngân sách trung ương, bởi câu chuyện thiếu đất sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn là các tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thậm chí có tỉnh còn rất nghèo.

Đặc biệt, khi đã bàn giao thì phải bàn giao diện tích mà dân sản xuất được. Còn nếu bàn giao đất ở xa, người dân không thể sản xuất thì “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

- Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 25/7, đại biểu đã đề cập tới Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, trong đó có nhắc tới “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.” Vậy để đề án này đi vào cuộc sống hiệu quả, theo đại biểu, Chính phủ cần vào cuộc thế nào?

Đại biểu Cao Thị Xuân: Tôi cho rằng Nghị quyết số 88/2019/QH14 là Nghị quyết mang tính lịch sử và có ý nghĩa rất sâu sắc. Vì thế, để Nghị quyết số 88 đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến rõ nét, tránh tình trạng chính sách không đi liền với ngân sách thì Chính phủ cần phải bố trí đủ nguồn lực cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội thông qua.

Hiện nay, hộ nghèo chủ yếu sống ở nông thôn và vùng miền núi. Do đó, nếu cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà không bố trí đủ nguồn lực thì tất yếu cũng sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ là đói nghèo hiện nay. Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ cần phải ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội là phải bố trí đủ vốn, nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Đối với các bộ, ngành chủ quan và chính quyền địa phương, đại biểu có kiến nghị gì để công tác quản lý đất đai nông lâm trường hiệu quả và có trách nhiệm hơn?

Đại biểu Cao Thị Xuân: Tôi cho rằng cần phải phân rạch, phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và đặc biệt là chính quyền địa phương. Địa phương không thể đứng ngoài câu chuyện này và phải chịu trách nhiệm chính để bố trí, dành phần đất thỏa đáng cho người dân có nguồn tư liệu sản xuất, đảm bảo về lâu dài.

Vì thế, tôi đề nghị Chính phủ bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nội dung đến năm 2025 Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết căn bản các vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết dứt điểm tình trạng về quản lý, sử dụng đất đai, tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn sai mục đích đang còn tồn đọng trong các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng.

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

Theo Nhóm PV (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).