(GLO)- Dư luận đang “nổi sóng” với ý tưởng cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy-học phổ thông). PGS.TS Bùi Hiển đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt theo một kiểu quá lạ khiến gần như ai cũng bị sốc. Kiểu viết “giáo dục” thành “záo zụk”, “tiếng Việt” thành “tiếq Việt”, “nhà nước” thành “n'à nướk” khiến người ta ngỡ ngàng.
Đề xuất này của PGS.TS Bùi Hiền được nêu trong bài Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế thuộc cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam-Hội nhập và phát triển, tập 1, dày 2.200 trang, do Nhà Xuất bản Dân trí phát hành nhân Hội thảo Ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Đại học Quy Nhơn tháng 9-2017.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, đa số ý kiến phản đối, thậm chí phản đối dữ dội. Chưa thấy ý kiến nào đồng tình.
Thực ra, có thể nói, người đi tiên phong về “cải cách” chữ viết theo kiểu gần như thế này, chính là… Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hãy tìm lại các văn bản viết tay của Người, chúng ta sẽ thấy điều này. Không đâu xa, bút tích phổ biến rộng rãi nhất là bản thảo di chúc của Người, ai cũng tìm đọc được.
Ngay dòng đầu tiên, viết về quốc hiệu, Bác đã viết:
“Việt Nam zân chủ cộng hòa
Độc lập, tự zo, hạnh fúc”
Bác cũng đã tận dụng những ký tự có thể giúp viết nhanh, hoặc là tận dụng ký tự thay thế để loại bớt sự rườm rà. Cụ thể, Bác đã dùng chữ Z thay thế hoàn toàn cho hai chữ D và Gi, mà cụ thể là Bác đã viết “dân” là “zân”, và “giao phó” thành “zao phó”.
Tuy nhiên, có một điều là, Bác viết tay trong các bản thảo của mình là như vậy, nhưng khi thư ký đánh máy, vẫn đánh theo nguyên tắc tiếng Việt phổ biến, tức vẫn đánh “dân chủ”, “tự do”, “hạnh phúc”.
Có nghĩa, Bác Hồ đã tự sáng tạo ra cách viết cho cá nhân mình. Còn khi phát hành văn bản chính thức, Bác vẫn tuân thủ quy tắc tiếng Việt. Người hoàn toàn không có ý định thay đổi, cải tiến hoàn toàn nguyên tắc viết tiếng Việt cho mọi người và đưa vào ngành Giáo dục.
Chuyện cải cách trong giáo dục ở nước ta từ sau năm 1975 hoàn toàn không mới và đến nay người ta vẫn còn loay hoay cải cách. Cái tổn hại ở tầm sâu xa hãy cứ để cho các nhà nghiên cứu, giáo dục học, nhà kinh tế phân tích, ở đây chỉ xin nêu ra một cuộc cải cách hồi những năm 80 của thế kỷ trước, để rồi cái thì “mèo vẫn hoàn mèo”, cái thì hệ lụy làm rối tung nguyên tắc chữ viết.
Chữ viết tiếng Việt, với những nét móc, nét đá, nét hất kết nối các con chữ với nhau rất thuận lợi khiến người viết có thể đặt bút là đi liền một mạch xong một từ đơn mới nhấc bút lên. Đó là sự thuận lợi vô kể. Chưa kể, các chữ viết hoa với những nét cong uốn lượn hoa mỹ, trông rất đẹp mắt. Nhưng có một thời, người ta “chặt chân” toàn bộ. Con chữ từ uốn lượn mềm mại trở nên cứng đơ, vô hồn. Cứ viết xong một ký tự là phải nhấc bút lên rồi đặt bút xuống viết ký tự khác, vô cùng bất tiện và chậm chạp. Cuối cùng, người ta đành phải quay về chữ viết cũ. Không biết thiệt hại bao nhiêu bởi thiết bị, máy móc in ấn phải 2 lần thay đổi, mua sắm lại.
Rồi cũng có những cải cách được duy trì đến nay, nhưng khốn nỗi nó không những không giải quyết được vấn đề gì, mà trái lại còn gây ra sự xáo trộn đến “loạn cào cào”. Ấy là công cuộc cải cách buộc toàn bộ phải viết chữ “i” ở cuối, khiến bây giờ “nước Mĩ” với “nước Mỹ”, “tỉ đồng” với “tỷ đồng”, “chiến sĩ” với “chiến sỹ”, “hi sinh” với “hy sinh” vô cùng lộn xộn, mỗi nơi mỗi phách. Mới đây cũng có một cuộc “cải cách nhỏ”, là với những âm như “oa”, “oe”, thì dấu thanh đặt ở ký tự đứng sau, khiến hiện nay “ổ khóa” với “ổ khoá”, “sức khỏe” với “sức khoẻ” cũng rối rắm không kém.
Ấy vậy nhưng người ta vẫn không ngừng ý muốn cải cách. Đã có thời, người ta đã đòi đưa chữ “e lên đứng vị trí đầu tiên trong bảng chữ cái, trước chữ “a”. Không ai hiểu tư duy cải cách này thuộc nguyên tắc nào.
40 năm qua là một chuỗi dài các thế hệ học sinh Việt Nam gồng lưng “làm chuột bạch” để rồi cuối cùng sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn không đến đâu cả. Còn cải cách chữ viết tiếng Việt, đã xáo trộn lắm rồi, đừng làm xáo trộn thêm nữa!
Đặng Vỹ