"Buộc" vải chín sớm để được giá cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc để vải chín sớm, bán được giá cao hơn vải chính vụ nên nhiều nông dân ở xã Tú An (thị xã An Khê) có thu nhập cao, có hộ lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Năm nay, gần 400 gốc vải giống u hồng và u trứng của gia đình ông Phạm Văn Thông (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) cho sản lượng trên 12 tấn quả. Với giá bán cho thương lái là 35 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công hái, công chăm sóc, gia đình ông Thông lãi trên 370 triệu đồng.

 

Ông Phạm Văn Thông bên vườn vải trĩu quả. Ảnh: N.M
Ông Phạm Văn Thông bên vườn vải trĩu quả. Ảnh: N.M

Ông Thông kể: “Năm 2002, tôi ra Bắc mua gần 400 gốc vải giống u hồng, u trứng. Đây là loại vải ăn có vị ngọt mát, cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Biết cây vải hợp với đất phù sa, tôi đào bỏ lớp đất nguyên thổ cát sỏi bạc màu rồi thay thế bằng lớp đất mới màu mỡ. Vì vậy, cây vải phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Sau 5 năm, vườn cây đã ra hoa, kết trái. Tuy nhiên, do thu hoạch trùng với mùa vải ngoài Bắc nên giá rất rẻ, lại còn khó bán”.

Để giải quyết khó khăn đó, 5 năm nay, ông Thông đã tìm cách cho vải ra trái sớm, chín trước thời điểm thu hoạch vải ở miền Bắc. Hàng năm, cứ vào giữa tháng 10, ông khoanh một lớp vỏ ở dưới gốc cây vải để hạn chế nước và dinh dưỡng lên nuôi lá, nuôi đọt, kích cây tạo nụ, trổ hoa và kết trái. “Đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 là vườn vải của gia đình tôi được thu hoạch, sớm hơn mùa vải ngoài Bắc gần một tháng”-ông Thông cho biết.

Để vườn vải phát triển tốt, cho năng suất cao, ông Thông còn áp dụng quy trình chăm sóc khoa học từ bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh đến tạo tán, tỉa nhánh. Trong đó, khâu bón phân được ông quan tâm nhất bởi nó quyết định năng suất. Vào các thời điểm: sau khi thu hái xong, lúc vải đậu trái và trước khi thu khoảng 1 tháng, ông bón khoảng 5-7 kg phân NPK và 10-15 kg phân chuồng hoai mục cho mỗi cây. Ngoài ra, ông lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để vừa tiết kiệm nước, vừa đỡ tốn công tưới.

Cũng được áp dụng kỹ thuật khoanh vỏ và quy trình chăm sóc khoa học, 300 gốc vải giống u hồng trồng năm thứ 3 của gia đình ông Võ Minh Hải (thôn Tú Thủy 2) đã cho sản lượng gần 2 tấn quả. Ông Hải vui vẻ cho hay: “Thường thì vải trồng 4-5 năm mới cho trái. Sợ cây đuối sức, tôi chỉ để vài cành chính nuôi quả, vậy mà cũng thu hơn 80 triệu đồng. Năm sau, cây lớn sẽ cho thu nhập cao hơn”.

Tương tự, hộ ông Võ Hồng Sơn (thôn Tú Thủy 2) cũng vừa có một mùa vải bội thu. Ông Sơn chia sẻ: “600 gốc vải giống u hồng tôi mới trồng năm thứ 3 nhưng đã cho hơn 3 tấn quả, bán được gần 100 triệu đồng. Trừ chi phí các loại, tôi còn lãi trên 50 triệu đồng”.

Theo ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An, hiện nay, trên địa bàn xã có một số hộ trồng vải áp dụng kỹ thuật cho trái chín sớm, bán được giá cao hơn so với vải chính vụ. Thời gian tới, xã khuyến khích các hộ trồng vải nên chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để tăng sản lượng, nâng cao thu nhập; đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp nhằm tạo ra sản phẩm sạch thu hút người tiêu dùng.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.