Bức xúc vì mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hơn 2 tháng nay, hàng trăm hộ dân ở xã Ia Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải sống trong cảnh khốn khổ vì mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn.

Qua thông tin cung cấp của người dân xã Ia Piơr, chiều 19-4, phóng viên Báo Gia Lai đã trực tiếp đến thôn Đoàn Kết, thôn Yên Hưng và làng Phung.

Theo ghi nhận của P.V, từ lúc 17 giờ trở đi đã có mùi hôi, nhất là khi có gió thổi, mùi hôi càng nồng nặc, khó chịu. Người dân nơi đây cho biết, mùi hôi tỏa ra từ các trang trại: Nguyên Bảo, Thuận Duyên 2 và Ia Piơ Tân. Chị Đặng Mùi Liều (thôn Đoàn Kết) chia sẻ: Nhà tôi cách các trang trại chăn nuôi heo khoảng gần 2 km nhưng vẫn nghe mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Càng về khuya, mùi hôi càng nồng nặc, nhất là khoảng 22-23 giờ. Nhiều hôm, mọi người phải đeo khẩu trang mới ngủ được. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Còn ông Sùng Văng Giàng (thôn Đoàn Kết) thì than thở: "Nhà tôi cách các trang trại chăn nuôi khoảng 2 km. Hiện tại, có thêm 1 trang trại mới xây dựng cách nhà 1 km. Nếu trang trại này đi vào hoạt động thì mùi hôi sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn. Chúng tôi mong chủ các trang trại quan tâm xử lý chất thải để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân".

Tương tự, anh Hoàng Văn Niên (thôn Đoàn Kết) cũng bức xúc cho biết: Nhiều hôm, gia đình anh và nhiều hộ trong thôn không thể ngủ được vì mùi hôi thối. Nhiều gia đình đã bắt đầu rao bán nhà để di chuyển đi nơi khác. “Ngoài 3 trang trại đi vào hoạt động thì tại địa bàn xã còn có rất nhiều dự án đang trong giai đoạn xây dựng. Nếu sau này, các trang trại đồng loạt đi vào hoạt động thì chúng tôi mong rằng chủ các trang trại phải có phương án xử lý chất thải chăn nuôi như thế nào để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”-anh Niên kiến nghị.

Hình ảnh chụp từ Flycam về 3 dự án đã đi vào hoạt động, gây mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Ia Piơr. Ảnh: Nhật Hào

Hình ảnh chụp từ Flycam về 3 dự án đã đi vào hoạt động, gây mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Ia Piơr. Ảnh: Nhật Hào

Ông Ngô Văn Tuyến-Trưởng thôn Phung-cho hay: Hơn 2 tháng qua, kể từ khi một số trang trại chăn nuôi heo đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân đều bị ảnh hưởng vì mùi hôi thối, trong đó, trang trại Nguyên Bảo là có khoảng cách gần nhất với khu dân cư khoảng 1,5 km. Thôn kiến nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc kiểm tra việc xử lý chất thải của các trang trại để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Hồng Thắm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho hay: Trên địa bàn xã có 14 dự án trang trại chăn nuôi heo đăng ký xây dựng. 3 trang trại đã đi vào hoạt động gồm: trang trại Nguyên Bảo có diện tích 20 ha, chăn nuôi 24.000 con heo thịt, đi vào hoạt động đã được 3 tháng; trang trại Thuận Duyên 2 có diện tích 21,3 ha, chăn nuôi 1.200 con heo nái, đi vào hoạt động được 1,5 tháng; trang trại Ia Piơr Tân có diện tích 11,5 ha, chăn nuôi 2.205 con heo nái, hoạt động được 4 tháng. Ngày 2-4-2023, Đảng ủy, UBND xã và công chức địa chính-xây dựng đã đi kiểm tra thực tế 3 trang trại này. Qua kiểm tra, các trang trại không xả, rò rỉ chất thải ra môi trường xung quanh nhưng có để bốc mùi hôi thối ra ngoài môi trường và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân ở các thôn: Đoàn Kết, Yên Hưng và làng Phung, đặc biệt là vào khoảng thời gian từ 17 giờ đến 23 giờ.

Người dân thôn Đoàn kết chỉ về phía các Dự án đã đi vào hoạt động gây mùi hôi. Ảnh: Nhật Hào

Người dân thôn Đoàn kết chỉ về phía các Dự án đã đi vào hoạt động gây mùi hôi. Ảnh: Nhật Hào

Ngày 6-4, UBND xã đã mời đại diện 3 doanh nghiệp đến làm việc. Theo đó, 3 doanh nghiệp đều khẳng định có mùi hôi xuất phát từ trang trại chăn nuôi của họ. Nguyên nhân là do trang trại mới đi vào hoạt động và đang trong thời gian nuôi thử nghiệm, một số hạng mục chưa đảm bảo.

Đặc biệt, đối với trang trại Thuận Duyên 2 thì hạng mục hầm chứa bioga chưa được hoàn thiện. Ủy ban nhân dân xã đã yêu cầu các trang trại trên sớm có biện pháp khắc phục mùi hôi thối, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để không làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân. Đại diện các doanh nghiệp cũng đã hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất và đến nay cũng đã có động thái mời các đơn vị lắp đặt về kiểm tra, sửa chữa.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã, mới đây, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh), Công an huyện Chư Prông cũng đã phối hợp với Đảng ủy, UBND xã kiểm tra thực tế mùi hôi từ 3 trang trại nêu trên. “Cả 14 trang trại này đều nằm trên địa bàn thôn Đoàn Kết, Yên Hưng và làng Phung. Trong đó, mật độ chăn nuôi tại thôn Đoàn Kết là khá dày. Do đó, xã đề nghị chủ các dự án trước khi đi vào hoạt động cần phải mời cơ quan quản lý nhà nước đến kiểm tra, đánh giá, thẩm định đảm bảo đủ các điều kiện mới được tiến hành chăn nuôi, nhất là vấn đề hệ thống xử lý chất thải; quá trình hoạt động chăn nuôi phải báo cáo thường xuyên để chính quyền địa phương biết; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng chức năng, nhất là chính quyền địa phương thường xuyên vào kiểm tra quá trình hoạt động chăn nuôi”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin.

Tương tự, nhiều năm qua, 15 hộ dân thôn 4 (xã Thăng Hưng) cũng khổ sở khi hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi từ các cơ sở chăn nuôi heo của hộ ông Huỳnh Thái.

Ông N.V.C. bức xúc: Gia đình ông Thái nuôi heo gần 10 năm nay. Thời điểm có mùi hôi nhiều nhất là khoảng 9 giờ và hơn 15 giờ khi hộ ông Thái cho heo ăn và rửa chuồng. “Cơ sở chăn nuôi heo của ông Thái nằm ngay trong khu dân cư, sát vách với nhiều hộ nên nhiều người còn lo ngại sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, chúng tôi mong ông Thái di dời cơ sở nuôi heo ra nơi khác để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sinh hoạt, sức khoẻ của các hộ xung quanh”-ông C. cho hay.

Nước thải từ cơ sở chăn nuôi heo (cơ sở 2) của hộ ông Thái không được xử lý mà xả trực tiếp ra hố đào sau vườn cà phê. Ảnh: Nhật Hào

Nước thải từ cơ sở chăn nuôi heo (cơ sở 2) của hộ ông Thái không được xử lý mà xả trực tiếp ra hố đào sau vườn cà phê. Ảnh: Nhật Hào

Ông Nguyễn Thanh Hải-Chủ tịch UBND xã Thăng Hưng-cho biết: Tháng 10-2022, qua tiếp xúc cử tri, xã cũng đã nhận được phản ánh về việc hộ ông Thái chăn nuôi heo gây phát sinh mùi hôi.

Tuy nhiên, khi đi kiểm tra, cơ sở nuôi heo của ông Thái chỉ có 50 con, có hầm bioga xử lý chất thải nên đã hướng dẫn ông Thái áp dụng thêm một số biện pháp để đảm bảo môi trường và duy trì nuôi đủ số lượng theo quy định.

Mới đây, ngày 21-4, xã nhận được đơn kiến nghị 15 hộ dân thôn 4 phản ánh về tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi heo của ông Thái. Sau khi nhận đơn, ngày 24-4, UBND xã đã phối hợp với Ban nhân dân thôn 4 trực tiếp xuống kiểm tra cơ sở chăn nuôi heo của ông Thái. Theo đó, ông Thái có 2 cơ sở chăn nuôi heo. Trong đó, cơ sở 1 nằm ngay trong khu dân cư, đang nuôi 100 con heo nái và heo thịt, có hầm bioga, không có nước phân chảy tràn ra môi trường; cơ sở 2 cách hộ dân gần nhất là 50 m, có 200 con heo thịt, không có hệ thống xử lý chất thải, không có hầm bioga, nước thải được xả trực tiếp ra vườn cà phê.

Do đó, sáng 25-4, xã đã mời ông Thái lên làm việc, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu ông Thái khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, dừng việc chăn nuôi heo và trong 10 ngày phải di dời cả 2 cơ sở trên đến vị trí khác phù hợp, cách xa khu dân cư theo đúng quy định. Xã cũng đã gửi báo cáo về UBND huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Theo thông tin từ Phòng TN-MT, trên địa bàn huyện có 59 dự án chăn nuôi heo đăng ký xây dựng, trong đó, có 22 dự án được tỉnh cấp chủ trương đầu tư, tập trung chủ yếu tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Ga, Ia Me. Đến nay, có 3 dự án tại xã Ia Piơr đi vào hoạt động thử nghiệm gồm: Nguyên Bảo, Thuận Duyên 2 và Ia Piơr Tân. Ngoài ra, toàn huyện có 6 cơ sở chăn nuôi heo được UBND huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ khác. 2 năm trở lại đây, UBND huyện không xử lý vi phạm đơn vị chăn nuôi nào, việc xử lý vi phạm chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do cấp xã thực hiện.

Riêng đối với các dự án chăn nuôi heo thì mới đây, huyện nhận được phản ánh của người dân ở xã Ia Piơr về mùi hôi phát sinh từ 3 dự án đã đi vào hoạt động nói trên. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã đi kiểm tra và làm việc với chủ các dự án; Phòng TN-MT cũng đã mời chủ các dự án tới làm việc.

Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông: "Thực tế, cả 3 dự án tại xã Ia Piơr đều đang làm thủ tục cấp giấy phép môi trường nhưng đã đi vào hoạt động. Phòng đã mời chủ các dự án đến tới làm việc và yêu cầu phải hoàn thiện giấy phép; đồng thời, chú trọng áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải nhằm hạn chế thấp nhất mùi hôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nếu doanh nghiệp nào không khắc phục được vấn đề mùi hôi và để người dân tiếp tục kiến nghị thì huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp; đồng thời báo cáo về Sở TN-MTđề xuất phối hợp kiểm tra, xử lý".

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.