Người dân bức xúc vì bãi rác xã Ia Yok gây ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm nay, người dân thôn Hợp Nhất (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thường xuyên bị “tra tấn” bởi mùi hôi và khói từ bãi rác, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt.

Bà T.T.L. cho hay: Nhà bà ở cách bãi rác khoảng 100 m nên quanh năm phải chịu mùi hôi và ruồi muỗi gây ảnh hưởng tới sinh hoạt. Đó là chưa kể nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm. Đáng chú ý, vào mùa khô thường xảy ra đốt rác gây khói độc và ảnh hưởng tới sự phát triển của hơn 100 cây cà phê trong vườn. Gia đình bà đã bỏ ra 30 triệu đồng để xây bờ tường nhằm ngăn cản bớt mùi hôi, khói bụi nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương quan tâm di dời bãi rác đi nơi khác hoặc có giải pháp quản lý, xử lý rác thải tốt hơn để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân”-bà L. nói.

Ông N.H.P. trao đổi với phóng viên về tình trạng rác tại bãi rác hay bị đốt vào mùa khô. Ảnh: Nhật Hào

Ông N.H.P. trao đổi với phóng viên về tình trạng rác tại bãi rác hay bị đốt vào mùa khô. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, ông T.V.S. cho hay: Gia đình ông và một số hộ dân vào đây sinh sống từ trước năm 1990, còn bãi rác được quy hoạch sau này. Khi quy hoạch bãi rác, nhiều hộ dân đã kiến nghị không làm tại đây nhưng địa phương vẫn thực hiện. Từ đó đến nay, lượng rác đổ về ngày một nhiều. Bãi rác thường âm ỉ cháy suốt mùa khô và vụ cháy ngày 1-2 vừa qua là lớn nhất từ trước đến nay. “Nếu chúng tôi không kịp thời phát hiện và tham gia dập tắt thì đám cháy đã lan rộng và hậu quả khôn lường. Vì vậy, chúng tôi mong xã, huyện di dời bãi rác ra xa, trong trường hợp không thể di dời thì cần phải quy định rõ trách nhiệm của người quản lý bãi rác và làm chặt chẽ hơn để không xảy ra các sự cố. Đồng thời, thực hiện tốt hơn việc phun chế phẩm, san gạt để hạn chế mùi hôi”-ông S. kiến nghị.

Bãi rác thường âm ỉ cháy suốt mùa khô, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Mai Quý Sênh-Trưởng thôn Hợp Nhất: Trước đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trực tiếp quản lý, thực hiện phun chế phẩm, san gạt rác tại bãi rác Ia Yok. Đến cuối năm 2021, việc trông coi, phun phế phẩm, thuốc diệt ruồi được giao cho xã và thôn thực hiện. Thôn cũng đã thành lập tổ quản lý gồm 3 người thay phiên nhau trực trông coi, hướng dẫn các xe đổ rác và bơm chế phẩm. Khoảng vài ba tháng thì Phòng TN-MT cho xe xuống san gạt. Từ đó đến nay, tình trạng ruồi nhặng và mùi hôi vào mùa mưa giảm hẳn. Riêng việc đốt rác thì đầu mùa khô năm nay làm chặt chẽ hơn nên chỉ xảy ra 1 vụ cháy vào trưa 1-2. “Hiện nay, có khoảng hơn 40 hộ sinh sống xung quanh bãi rác xã Ia Yok. Vấn đề ô nhiễm từ bãi rác ảnh hưởng đến người dân những năm gần đây chủ yếu là do việc đốt rác vào mùa khô. Nguyện vọng của người dân về việc di dời bãi rác là chính đáng. Theo tôi, nếu di dời được bãi rác là tốt nhất, còn nếu không di dời được thì ngành chức năng cần quan tâm hơn đến công tác xử lý để làm sao đảm bảo về môi trường và không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, cần bố trí kinh phí sửa chữa cổng vào bãi rác để tránh tình trạng người dân ra vào tự do thu gom rác thải tái chế hoặc đốt rác lấy tro bán”-ông Sênh nói.

Ông Lê Trường Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yok-cho hay: Năm 2006, khi xã Ia Yok được chia tách từ xã Ia Sao thì đã có bãi rác này. Đây là nơi tập trung rác thải của 2 xã. Trong quá trình quy hoạch và mở rộng, đến nay, bãi rác được đầu tư xây dựng cửa, tường rào bao quanh với tổng diện tích 2 ha. Trên cơ sở kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm được Phòng TN-MT cấp, UBND xã đã giao cho thôn trực tiếp quản lý, hướng dẫn các nhà thu gom rác để đưa xe tập kết rác đúng vị trí, tránh trường hợp rác bay vương vãi; phát hiện cảnh báo sớm các vấn đề xung quanh bãi rác như hỏa hoạn, rác đổ không đúng quy định. Đồng thời, UBND xã cũng quán triệt việc không đốt rác tại bãi rác.

Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, một số trường hợp từ địa phương khác đến đốt rác để lấy tro bán. Ngay khi phát hiện, UBND xã đã chỉ đạo thôn xử lý quyết liệt. Đối với trường hợp bãi rác bị cháy vào ngày 1-2 mới đây, hiện nay đã giao Công an xã và Tổ quản lý của thôn xác định nguyên nhân để có hướng giải quyết. Riêng đối với việc bãi rác gây mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì xã sẽ tiếp tục cùng với thôn hướng dẫn việc phun chế phẩm, vận chuyển, đổ rác đúng quy định; vận động người dân sinh sống xung quanh bãi rác cùng với Tổ quản lý phát dọn thực bì khu vực rẫy giáp ranh với bãi rác; đề xuất với Phòng TN-MT tăng kinh phí cho Tổ quản lý, chuyển giao tiền san lấp, kinh phí mua sinh phẩm cho xã để thực hiệp kịp thời việc xử lý rác thải; xây dựng đường ống dẫn nước nhằm hỗ trợ cho việc quản lý bãi rác được chặt chẽ hơn.

Trao đổi với P.V, ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Ia Grai-khẳng định: Quy trình xử lý rác thải tại bãi rác chỉ phun chế phẩm và chôn lấp chứ không đốt. Việc xảy ra đốt rác tại bãi rác là do một số hộ dân cố tình vào đốt để lấy tro bán. Phòng TN-MT đang phối hợp cùng UBND xã tìm nguyên nhân xảy ra vụ cháy, kiểm tra các công trình tại bãi rác để có kế hoạch tu sửa sau sự cố; chủ động tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí về UBND xã để quản lý, vận hành bãi chôn lấp rác kịp thời, không bị gián đoạn và nghiên cứu đề xuất kinh phí xây dựng các hệ thống trang-thiết bị đảm bảo an toàn trong công tác xử lý rác thải cũng như đề phòng các sự cố xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.