(GLO)- Một nữ giáo viên tại huyện Chư Prông bỗng dưng bị Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng-Chi nhánh Gia Lai (VPBank Gia Lai) đòi nợ hàng chục triệu đồng dù không hề vay. Thậm chí, công ty thu nợ được VPBank Gia Lai ủy quyền còn đòi nợ theo kiểu “khủng bố” gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nữ giáo viên này.
|
Chị Hằng bức xúc vì bị nhắn tin đòi nợ theo kiểu “khủng bố”. Ảnh: Văn Ngọc |
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai Điện tử, chị Đinh Bích Hằng-giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) cho biết: Ngày 23-8-2018, một người tự xưng là luật sư của VPBank Gia Lai gọi điện yêu cầu chị đến trụ sở ngân hàng này (số 30 đường Trần Phú, TP. Pleiku) để trả khoản vay quá hạn từ năm 2016.
Do chưa bao giờ vay tiền tại ngân hàng này, chị Hằng rất bất ngờ. Ngay sau đó, chị tới trụ sở VPBank Gia Lai tìm hiểu thì được nhân viên ngân hàng cho xem hồ sơ vay tiền gồm hợp đồng đứng tên Đinh Bích Hằng, kèm với đó là hình ảnh chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của gia đình chị, hình ảnh của chị Đinh Hồng Hiến (chị gái của chị Hằng) và một số hình ảnh chụp nhà riêng. Nhân viên này thông báo chị Hằng còn nợ 50,8 triệu đồng, gồm 13 triệu đồng nợ gốc và các khoản tiền lãi phát sinh.
Sau khi xác minh số nợ này, chị Hằng được biết chị Hiến chính là người đã lén dùng chứng minh nhân dân của mình để làm hồ sơ vay tiền dưới cái tên Đinh Bích Hằng. “Năm 2016, tôi và chị gái ở chung nhà, chứng minh nhân dân nhiều khi để trong ví ở nhà cũng không để ý tới. Khi đó, chị Hiến nhặt được tờ rơi quảng cáo dịch vụ CommCredit của VPBank nên đã lén mang chứng minh nhân dân của tôi đi vay tiêu dùng 30 triệu đồng trả góp với số tiền hàng tháng phải đóng là 1.722.000 đồng. Đến giữa năm 2017, chị tôi đau ốm nên không có khả năng trả lãi nữa. Từ đó, ngân hàng cũng không thông báo gì về số nợ này nhưng nay lại bỗng dưng đòi tôi”-chị Hằng cho biết.
Sau đó, chị Hằng đã chứng minh với ngân hàng mình không phải là người vay, đồng thời yêu cầu chị gái hoàn trả số nợ. Tuy vậy, chị Hằng vẫn liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại lạ với lời lẽ xúc phạm. Thậm chí, những người này còn gọi cho hiệu trưởng, các đồng nghiệp nơi chị công tác kể rằng chị Hằng lừa đảo, vay tiền không trả. Chưa dừng lại ở đó, có số điện thoại lạ còn đe dọa sẽ “bán cái” nợ của chị Hằng cho dịch vụ đòi nợ thuê để họ treo băng rôn, phát tờ rơi trước trường về việc này. “Hiệu trưởng nhà trường đã gọi tôi lên nói rằng, bên công ty luật nào đó gửi đơn tố cáo tôi về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tới Công an, Viện Kiểm sát, Phòng Giáo dục và Đào tạo”-chị Hằng nói.
Cũng theo chị Hằng, sau đó, gia đình chị đã thu xếp trả toàn bộ số tiền theo yêu cầu của VPBank Gia Lai. Tuy nhiên, chị rất bức xúc vì vẫn phải nhận những tin nhắn, cuộc điện thoại đòi nợ. Chị Hằng cho biết: “Tôi đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu ngân hàng phải có văn bản xin lỗi tôi”.
Khi P.V đến trụ sở VPBank Gia Lai để liên hệ trao đổi về vấn đề này thì được giới thiệu tới Phòng Tín dụng tiểu thương (CommCredit). Tại đây, một nhân viên cho biết việc chị Hằng bỗng dưng bị mang nợ không phải do lỗi của VPBank mà có thể là do chị Hằng và chị gái cố tình gian dối. Do hết hạn nhưng chị Hằng không trả nợ nên VPBank Gia Lai đã ủy quyền cho công ty thu nợ. “Công ty thu nợ có lời lẽ như thế nào đối với bà Hằng thì phía VPBank không liên quan”-nhân viên này cho biết.
Luật sư Lê Văn Thành (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai): Trong trường hợp này, ngân hàng đã không thực hiện đúng quy trình kiểm soát, thẩm tra và xác minh đối với khách hàng vay tiền. Lẽ ra khi nhận được khiếu nại của chị Hằng, ngân hàng phải kiểm tra và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Nhưng VPBank vẫn tiến hành đòi nợ với người không vay tiền của mình là trái pháp luật. Đây là cách làm tắc trách, thiếu trách nhiệm và thiếu chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. |
Lê Văn Ngọc