Bộ Xây dựng góp ý hồ sơ Dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vừa qua, Bộ Xây dựng có Công văn số 1528/BXD-HTKT phúc đáp Bộ Giao thông-Vận tải về việc góp ý nội dung hồ sơ Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” vay vốn Ngân hàng Thế giới (viết tắt là Dự án).

Ảnh
Rà soát, nghiên cứu thống nhất với quy hoạch chung xây dựng thị xã An Khê và TP. Pleiku đã được phê duyệt mặt cắt ngang tuyến đường tránh quốc lộ 19 qua thị xã An Khê và TP. Pleiku.

Nội dung Công văn như sau:

1. Về cơ sở pháp lý: Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ 19 (viết tắt là QL19) đoạn qua tỉnh Bình Định và Gia Lai (trong đó 126 km đường nâng cấp, cải tạo và 27km làm mới tuyến tránh thị xã An Khê, tuyến tránh thị trấn Đắk Đoa và TP. Pleiku) đạt tiêu chuẩn cấp III, 02 làn xe nhằm tăng năng lực thông hành, đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ. Đồng thời sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung nói chung và đảm bảo yêu cầu an ninh - quốc phòng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” vay vốn WB tại Quyết định số 710/QĐ-TTg ngày 25/5/2017.

2. Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được lập cơ bản phù hợp với quy định tại Điều 54 Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đề nghị chủ đầu tư dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện một số nội dung sau:

- Xem xét lại giá trị tổng mức đầu tư giữa Tờ trình thẩm định dự án số 377/TTr-TSPMU ngày 26/5/2017 (153,7 triệu USD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (153,8 triệu USD).

- Rà soát, nghiên cứu thống nhất với quy hoạch chung xây dựng thị xã An Khê và TP. Pleiku đã được phê duyệt mặt cắt ngang tuyến đường tránh quốc lộ 19 qua thị xã An Khê và TP. Pleiku.

- Theo thuyết minh dự án đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế tường chắn đất dạng tường trọng lực và tường bản góc ở tường chắn taluy âm (tải trọng thiết kế H30-XB80) và tường chắn mái taluy dạng trọng lực (kết cấu BTXM đá 2x4 M150 chiều cao tường H=3-6m), tuy nhiên nội dung chưa được tính toán cụ thể trong thiết kế cơ sở Dự án cũng như chưa đưa ra biện pháp thi công phù hợp nhằm đảm bảo tính ổn định nền đường khu vực tuyến đường đi qua.

- Làm rõ hiện trạng sử dụng các loại đất thuộc phạm vi dự án, đồng thời rà soát lại các diện tích đất sử dụng bị thu hồi, qua đó làm cơ sở để đánh giá tác động của dự án cũng như lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung tiến độ thực hiện dự án theo giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2022 để làm căn cứ xác định nhu cầu và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện Dự án, tránh đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Bổ sung giải pháp thiết kế thoát nước tại các nút giao trên tuyến QL19 và phụ lục khối lượng giải phóng mặt bằng của Dự án.

3. Việc xác định giá trị tổng mức đầu tư Dự án cơ bản tuân thủ theo Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10-3-2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tuy nhiên đề nghị đơn vị tư vấn cần lưu ý một số nội dung sau:

- Về cơ cấu Tổng mức đầu tư điều chỉnh:

Tổng mức đầu tư được lập tại thời điểm 4/2017 với các thành phần chi phí: chi phí đền bù; chi phí xây dựng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác; chi phí dự phòng, là phù hợp với các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ và Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng.

Trong đó:

+ Chi phí đền bù: do không có hồ sơ chi tiết nên không đủ cơ sở để cho ý kiến;

+ Chi phí xây dựng: được xác định chủ yếu theo phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án, phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD;

+ Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: được xác định bằng tỷ lệ so với chi phí xây dựng với mức 15%. Theo quy định tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD (phụ lục số 1), thì khi xác định Tổng mức đầu tư ( giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi) các chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác phải được tính toán xác định theo từng khoản mục chi phí cụ thể. Vì vậy đề nghị đơn vị tư vấn xác định các chi phí này cho phù hợp với quy định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo;

+ Chi phí dự phòng: được xác định trong Tổng mức đầu tư bao gồm dự phòng phát sinh khối lượng và dự phòng trượt giá. Tuy nhiên giá trị dự phòng trượt giá không được xác định theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD.

- Về áp dụng đơn giá, định mức dự toán xây dựng:

+ Một số công tác thi công có khối lượng lớn, có thể áp dụng được với biện pháp thi công sử dụng máy móc thiết bị, tuy nhiên trong Tổng mức đầu tư lại sử dụng biện pháp thi công thủ công để xác định định mức, đơn giá là chưa phù hợp vừa làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đồng thời làm tăng chi phí đầu tư xây dựng. Ví dụ như: Công tác bê tông một số bộ phận kết cấu, cấu kiện (cống hộp, tường cửa cống, tường chắn taluy, tấm đan, rãnh, bó vỉa …) là các công tác có khối lượng thi công lớn, có thể tổ chức thi công bằng máy, nhưng đều áp dụng định mức thi công đổ bê tông bằng thủ công;

+ Đơn giá một số vật liệu như đá dăm, cấp phối đá dăm...được xác định theo báo giá thị trường tại một số mỏ đá, có giá cao hơn giá trong công bố giá địa phương, làm chi phí xây dựng tăng lên;

+ Đơn giá tổng hợp khu vực Bình Định của một số công tác do nhầm lẫn về định mức chi phí chung nên có sai số, dẫn đến sai sót trong tính toán chi phí xây dựng.

-Về khối lượng:

Công tác đắp đất trong tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở khối lượng đất tận dụng tạm tính với tỉ lệ 70% là chưa có cơ sở. Trong giai đoạn tiếp theo cần chuẩn xác tỷ lệ này trên cơ sở khảo sát, hoặc qua số liệu thực tế tại một số dự án lân cận đã, đang thực hiện.

4. Một số lưu ý khác:

+ Dự án đã được thẩm tra tại văn bản số 936/VKHCN-KHDA ngày 26/5/2017 của Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải về báo cáo thẩm tra Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, rà soát, tiếp thu chỉnh sửa các nội dung tại mục 5, Kết quả thẩm tra dự án.

+ Để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, trong quá trình triển khai bước tiếp theo của Dự án, đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư dự án. Đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về xây dựng, đầu tư công, các điều khoản đàm phán, Hiệp định với Ngân hàng Thế giới.

5. Về thành phần hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án còn thiếu: Giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Khoản b, Điều 54 Luật Xây dựng năm 2014.

Theo baoxaydung

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.