Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 19-12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Trần Thanh Nam; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chủ trì hội thảo.
Cùng dự hội thảo có có Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kpă Thuyên, Nguyễn Thị Thanh Lịch. Dự hội thảo còn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Nam
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Nam
Theo ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Hiện nay, tổng diện tích cây cà phê trên cả nước  khoảng 696.000 ha, tập trung chủ yếu tại 5 vùng sản xuất chính, gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; năng suất đạt 27,7 tấn/ha; sản lượng đạt hơn 1,7 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích khoảng 639.000 ha (chiếm 92% so với cả nước), năng suất đạt 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 1,67 triệu tấn (chiếm 95% so với cả nước).
Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Sản lượng cà phê đưa vào chế biến hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 80 quốc gia và chiếm khoảng 20-22% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới. Trong đó, cà phê Robusta Việt Nam chiếm thị phần xuất khẩu lên tới 40%. EU, Mỹ và Nhật Bản là những khách hàng lớn của nước ta…
Nhìn chung, việc sản xuất và tiêu thụ cà phê của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân vùng Tây Nguyên nói riêng hiện đang gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững. Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý. Khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường. Người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Nam
Tại tỉnh Gia Lai, cà phê là 1 trong những cây trồng chủ lực và được trồng ở 10/17 địa phương trong tỉnh, với diện tích 98.395 ha, trong đó có 87.515 ha cà phê kinh doanh. Hiện người trồng cà phê đang phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp liên kết với trên 10 ngàn hộ dân sản xuất 18.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và hơn 2.000 ha cà phê được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance. Công ty TNHH Nestle liên kết với 9 doanh nghiệp trong tỉnh phát triển vùng sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance, với diện tích khoảng 8.500 ha, có 4.781 nông hộ tham gia. Ngoài ra, có khoảng 15.000 ha cà phê của các doanh nghiệp và hộ dân ở các địa phương tự đầu tư liên kết với cơ sở thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Cây cà phê được trồng ở Gia Lai trước năm 1975, phát triển mạnh sau năm 1990 và ngày càng khẳng định vị thế trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh. Chính vì vậy, Gia Lai đang tập trung chỉ đạo phát triển cà phê theo hướng bền vững ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, cà phê chất lượng cao được xem là trụ cột dẫn dắt định hướng thị trường, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo. Sản xuất cà phê theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc; khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; hình thành các hợp tác xã kiểu mẫu trong chuỗi ngành hàng cà phê, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cà phê của tỉnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ảnh: Lê Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ảnh: Lê Nam
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay, ngành hàng cà phê muốn đi xa phải đi cùng nhau, phải có sự liên kết giữa các tỉnh. Đồng thời, kết hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương để tạo thành quy mô lớn hơn, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục triển khai Dự án VnSAT và một số dự án khác để phát triển cà phê bền vững. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ sẽ chọn đặt cơ sở hạ tầng logistics cho ngành cà phê nhằm tạo ra giá trị cà phê cao hơn, có nhiều sản phẩm tinh chế hơn. Từ đó, tạo ra chuỗi ngành hàng để tăng giá trị cho hạt cà phê và tăng thu nhập cho người sản xuất cà phê. 
“Hiệp định EVFTA đã mở ra cho chúng ta cơ hội rất lớn. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ xây dựng đề án riêng về xuất khẩu nông sản sang EU. Đồng thời, có chiến lược để nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững vàng trong hệ thống phân phối lớn tại châu Âu. Cà phê Tây Nguyên muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…”-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
LÊ NAM 

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.