Bộ Công an dự thảo quy trình xác nhận số CMND 9 số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dự thảo thông tư của Bộ Công an, số chứng minh nhân dân (CMND) 9 số được mã hóa, tích hợp trong mã QR code trên thẻ căn cước. Cơ quan, tổ chức khi có yêu cầu khai thác thì quét mã và truy xuất thông tin.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Căn cước. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1.7 tới đây.

Theo quy định tại luật Căn cước, CMND sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12.2024

Theo quy định tại luật Căn cước, CMND sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12.2024

Số CMND được tích hợp vào mã QR code

Theo đề xuất của Bộ Công an, mỗi thẻ căn cước (thay thế cho thẻ căn cước công dân hiện hành) sẽ có một mã QR code. Mã này gồm các thông tin: họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).

Bộ Công an nêu rõ, thông tin số CMND 9 số được mã hóa, tích hợp trong mã QR code trên thẻ căn cước. Vì vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân quét mã và truy xuất thông tin về số CMND 9 số của công dân khi có yêu cầu khai thác, sử dụng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Trường hợp có nhu cầu xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân hoặc số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại, công dân có thể yêu cầu trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước nơi mình cư trú hoặc gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia (VNeID).

Trường hợp thông tin số CMND 9 số, số định danh cá nhân đã hủy và được xác lập lại được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan quản lý căn cước nơi công dân cư trú có trách nhiệm cấp xác nhận thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số, số định danh cá nhân.

Trường hợp thông tin số CMND 9 số chưa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quản lý căn cước nơi công dân cư trú có trách nhiệm tra cứu, xác minh để cấp xác nhận thông tin về số CMND 9 số, số định danh cá nhân.

"Trường hợp từ chối cấp xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do", dự thảo của Bộ Công an quy định.

Mẫu thẻ căn cước dành cho người từ 6 tuổi trở lên, theo đề xuất của Bộ Công an

Mẫu thẻ căn cước dành cho người từ 6 tuổi trở lên, theo đề xuất của Bộ Công an

Sự thay đổi của thẻ căn cước công dân

Năm 2016, luật Căn cước công dân năm 2014 chính thức có hiệu lực, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp thẻ căn cước công dân gắn mã vạch cho công dân tại 16 tỉnh thành, thay thế cho CMND 12 số và CMND 9 số.

Tại 47 địa phương còn lại, việc cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ. Điều này dẫn tới có 3 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số và căn cước công dân mã vạch.

Năm 2021, Bộ Công an triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho căn cước công dân mã vạch. Đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Điều này cũng dẫn tới có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chip.

Tháng 11.2023, Quốc hội thông qua luật Căn cước để thay thế cho luật Căn cước công dân. Theo đó, thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là thẻ căn cước, đồng thời CMND sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12.2024

Để triển khai quy định trên, Bộ Công an đang xây dựng thông tư, trong đó quy định về mẫu thẻ căn cước, nhằm thay thế thẻ căn cước công dân hiện hành.

Theo dự thảo, kích thước, hình dáng, thẻ căn cước cơ bản giống như thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt thẻ sẽ có thay đổi. Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước". Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an".

Đặc biệt, theo đề xuất của Bộ Công an, trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải. Đồng thời, 2 mục thông tin về "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" sẽ được chuyển sang mặt sau của thẻ căn cước, thay vì mặt trước của thẻ như hiện hành…

Vẫn theo Bộ Công an, hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân đã được cấp tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước thì được cấp thẻ mới.

Có thể bạn quan tâm