Cựu Bí thư tỉnh Bình Định Tô Tử Thanh là người đã có nhiều phát ngôn trên báo chí, quyết liệt chỉ ra các sai phạm tại cảng Quy Nhơn.
|
Cảng Quy Nhơn |
Năm 2016, ông Thanh có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương để làm rõ vấn đề cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn. Lần trao đổi mới đây với chúng tôi, ông Tô Tử Thanh cho biết, trước đây, khi chưa cổ phần hóa, hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đã đạt mức gần 7 triệu tấn/năm (hơn cả cảng Đà Nẵng); nhiều hàng hóa như nông sản, thực phẩm… từ Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, hạ Lào kể cả Thái Lan đều qua cảng để đi các tỉnh trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới.
Lúc đó, cảng cũng có nhiều ưu thế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tại khu vực các cửa khẩu ở Tây Nguyên; đảm bảo an sinh xã hội, đảm nhiệm việc xếp dỡ một số mặt hàng thông qua cung ứng dịch vụ cảng biển với giá cước mang tính chất hỗ trợ, phù hợp với điều kiện khó khăn của tỉnh Bình Định, miền Trung, Tây Nguyên. Bây giờ, ưu thế của cảng Quy Nhơn cũng không mất đi, vẫn là một cảng biển mang tính chất chiến lược trọng điểm cả về kinh tế lẫn quốc phòng an ninh. Một cảng biển như vậy mà lại đem bán hết vốn của Nhà nước cho tư nhân là sai trái.
Liên quan đến việc phát triển cảng Quy Nhơn, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với TS Trương Đình Hiển, chuyên gia vật lý hải dương, người được mệnh danh là “cha đẻ” của những cảng biển nước sâu miền Trung.
Ông Hiển nói thẳng: “Chúng ta bỏ cảng Quy Nhơn ra ngoài là một sai lầm chiến lược và đi đến sự bế tắc cho phát triển kinh tế biển của Việt Nam ở vùng trọng điểm kinh tế miền Trung”.
Theo ông Hiển, nói đến cảng Quy Nhơn thì không thể nói mình nó được vì đây là một trong những cảng biển nước sâu có vai trò chiến lược quan trọng trong hệ thống cảng biển của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung; có ý nghĩa hết sức to lớn trong sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam, trong thế kỷ 21. Những cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như: Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn (Nhơn Hội) là cụm cảng biển “xương sống” của miền Trung, là trục kinh tế biển cực kỳ quan trọng của cả nước.
“Cảng Quy Nhơn trấn thủ cửa ngõ về phía Tây của một vùng kinh tế đặc thù, quan trọng của Việt Nam là Tây Nguyên. Từ đây, có thể kết nối, liên kết với vùng tam giác kinh tế Việt-Miên-Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia… Thế nên, cảng Quy Nhơn còn có vai trò quốc tế về chiến lược hành lang kinh tế Đông Tây. Bây giờ, về phía địa phương, cần đẩy mạnh liên kết, phát huy các thế mạnh vốn có của cảng. Nhà nước và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, đầu tư phát triển cảng Quy Nhơn xứng tầm, thúc đẩy trục kinh tế biển miền Trung phát triển mạnh hơn…”, ông Hiển góp ý. |
Từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2015, Vinalines qua 3 lần chuyển nhượng cổ phiếu, toàn bộ 86,23% tỷ lệ vốn sở hữu cảng Quy Nhơn đã “lọt” vào tay Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành. Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận chính thức chỉ ra các sai phạm trong vấn đề cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn.
Qua đó, xác định Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu bộ này phải chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước. Về phía tỉnh Bình Định, trước đó đã có kiến nghị Trung ương cho cơ chế về thẩm quyền, để địa phương này quản lý đối với cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Ngọc Oai (SGGP)