(GLO)- Nhiều năm nay, tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội CTĐ cũng như ý nghĩa của hoạt động xã hội nhân đạo.
Hình Chữ thập màu đỏ trên nền trắng là biểu tượng có hiệu lực pháp lý để bảo vệ lực lượng quân y, những người cứu trợ tình nguyện, các cơ quan của Hội CTĐ quốc gia làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Thời chiến, nơi nào xuất hiện biểu tượng này, nơi đó được coi là khu vực đình chiến, an toàn. Thời bình, nó được sử dụng khi tiến hành hoạt động CTĐ tại cơ sở hoặc gắn trên phương tiện, hiện vật của Hội CTĐ, là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí. Thế nhưng nhiều năm nay, biểu tượng CTĐ đang bị vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện một cách vô tình hoặc cố ý.
Tại Gia Lai, tình trạng vi phạm bản quyền biểu tượng CTĐ diễn ra khá phổ biến. Điển hình, biểu tượng này được sử dụng tràn lan tại các bệnh viện, trạm y tế, phòng cấp cứu, trên bảng hiệu phòng khám, hiệu thuốc, xe cứu thương, cửa hàng bán bảo hộ lao động, thậm chí trên sản phẩm vệ sinh, môi trường…
|
Biểu tượng Chữ thập đỏ đang được sử dụng tràn lan tại các phòng khám, trạm y tế, xe cứu thương, nhà thuốc… trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.T |
Khi được hỏi vì sao không dùng biểu tượng của ngành Y tế mà lại sử dụng biểu tượng CTĐ để in trên bảng hiệu của nhà thuốc, chủ một hiệu thuốc Tây trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku) cho hay: “Thực ra mình cũng biết biểu tượng của ngành Y tế là con rắn quấn quanh cây gậy và ngành Dược là con rắn quấn quanh chén thuốc. Thế nhưng, từ trước đến nay, biểu tượng CTĐ đã quá quen thuộc ở những nơi có các hoạt động của ngành Y tế nên mình nghĩ dùng nó cũng không sao, hơn nữa in bảng hiệu có biểu tượng CTĐ để người mua dễ dàng nhận biết”. Tại các nhà thuốc, thậm chí các sản phẩm như: nước rửa vệ sinh, khăn ướt, bông băng, thực phẩm chức năng… cũng được nhà sản xuất in biểu tượng CTĐ hoặc có biến tấu ít nhiều. Phỏng vấn một số người dân đang khám-chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Biểu tượng CTĐ là tín hiệu chỉ dẫn những nơi có các hoạt động cấp cứu, khám-chữa bệnh và bán thuốc… (?!).
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh-cho biết: Các đơn vị sử dụng biểu tượng CTĐ phần lớn không biết đây là biểu tượng của Hội CTĐ hoặc biết nhưng vẫn cố tình sử dụng vì mục đích riêng. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ biểu tượng của Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 1958, ngành Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc sử dụng biểu tượng CTĐ đúng theo tinh thần Công ước Genève. Năm 2009, Luật Hoạt động CTĐ có hiệu lực, theo đó điều 14 quy định: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật. Khi có Luật Hoạt động CTĐ, gần như 100% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết không đồng ý cho bất cứ ngành nào, đặc biệt là ngành Y tế, sử dụng biểu tượng CTĐ. Nhận thức được tầm quan trọng của biểu tượng CTĐ, các cấp Hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, hội viên, các tình nguyện viên CTĐ và người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng vi phạm biểu tượng CTĐ vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo ông Diện, CTĐ là biểu tượng nhận diện những giá trị nhân đạo và đã được thế giới khẳng định. Việc sử dụng sai kéo dài, thiếu chấn chỉnh đã làm mất đi giá trị nhân đạo trong sáng, bản chất tốt đẹp vốn có của biểu tượng. Có nhiều trường hợp lợi dụng biểu tượng CTĐ để giả mạo là người của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đi bán hàng từ thiện, quyên góp tiền từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và hoạt động của tổ chức Hội, dẫn đến hệ lụy là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ chân chính bị từ chối khi đi vận động.
Chữ thập đỏ là đại diện của lòng nhân ái, là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí. Để biểu tượng được sử dụng đúng mục đích, thiết nghĩ việc tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của cán bộ ngành Y tế, doanh nghiệp, người dân về bản chất, ý nghĩa của biểu tượng CTĐ là rất cần thiết. Đồng thời, cần sớm có chế tài cụ thể trong việc xử lý các hành vi vi phạm để biểu tượng CTĐ trên nền trắng ngày càng trở nên gần gũi, tin cậy đối với xã hội và người dân, đặc biệt là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh…
Ngày 29-10-2009, Bộ Y tế ban hành Công văn số 7464/BYT-KCB về việc thực hiện quy định về sử dụng biểu tượng CTĐ, trong đó nêu rõ: Các cơ sở y tế chỉ sử dụng biểu tượng CTĐ khi tham gia các hoạt động CTĐ theo quy định tại Điều 2 của Luật Hoạt động CTĐ; tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động CTĐ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng CTĐ. Ngày 30-11-2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BYT quy định về trang phục y tế. Tại khoản 3, Điều 3 của Thông tư chỉ rõ: “Trang phục y tế không được có biểu tượng CTĐ trái quy định của pháp luật về hoạt động CTĐ”. |
PHƯƠNG THÚY