Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ Dmitry Polyansky. Ảnh: UN |
Cuộc họp có sự tham dự của các ngoại trưởng và Đại sứ tại LHQ của 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - là các quốc gia có vũ khí hạt nhân và 10 quốc gia thành viên không thường trực khác.
Nhật Bản với vai trò là chủ tịch luân phiên tháng 3, chủ trì phiên tranh luận công khai của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cuộc họp này đã chứng kiến sự mâu thuẫn sâu sắc trong quan điểm giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Bà Thomas-Greenfield nói: “Hiện Mỹ muốn tham gia các cuộc thảo luận song phương về kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc - không có điều kiện tiên quyết. Tất cả những gì các ngài phải làm là nói đồng ý và ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí”.
Bình luận về sự kiện này, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, các tác giả “rõ ràng không thèm làm quen” với nội dung thông điệp liên bang mà Tổng thống Vladimir Putin đọc trước Quốc hội Liên bang Nga ngày 29/2.
Trong đó, theo ông Putin, Nga nhận thấy các quốc gia phương Tây một mặt đang hô hào đánh bại Nga về chiến lược, mặt khác muốn đàm phán với Moscow về sự ổn định chiến lược, và điều này là không thể.
Nhật Bản bày tỏ lo ngại kho dự trữ hạt nhân ngày càng tăng của một số quốc gia thành viên (nói rõ Trung Quốc, Triều Tiên, Nga). Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho rằng, đây là những nước đang theo đuổi chiến lược “đi ngược lại mục tiêu của một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Bà Greenfield cũng cáo buộc: “Kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, Nga tiếp tục đưa ra các tuyên bố hạt nhân nguy hiểm và từ bỏ nghĩa vụ kiểm soát vũ khí hạt nhân một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó, Trung Quốc đã tích lũy và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình một cách nhanh chóng và đầy mờ ám".
Bày tỏ thái độ phản đối, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân cho rằng: “Những tuyên bố của Mỹ là hoàn toàn vô căn cứ”, đồng thời lập luận Mỹ đang là quốc gia sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn, nên Mỹ cần thúc đẩy tiến trình giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.