Điều đáng nói là một số vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng khiến nhiều người lo lắng. Do đó, dẹp nạn bạo hành để y-bác sĩ yên tâm công tác là vấn đề cần được lưu tâm.
Nỗi lo bạo hành
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhân viên y tế có nguy cơ bị bạo hành cao hơn các ngành nghề khác. Khoảng 8-38% nhân viên y tế bị bạo hành thể xác tại một số thời điểm trong sự nghiệp của họ.
Còn theo số liệu từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong những vụ điển hình về mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám-chữa bệnh gần đây, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện; trong đó, xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh chiếm tới 60% và 30% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, thân nhân người bệnh.
Đối tượng gây mất an ninh, bạo hành nhân viên y tế tương đối phức tạp, bao gồm người bệnh, thân nhân người bệnh bị kích động hoặc bức xúc do không thông cảm và chưa hiểu hết quá trình thăm khám, điều trị của nhân viên y tế.

Công tác tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ điều dưỡng viên Bùi Thị Phương Thảo lại lo lắng nạn bạo hành nhân viên y tế như hiện tại.
“Các vụ bạo hành nhân viên y tế gia tăng khiến những người công tác tại Khoa Cấp cứu như tôi rất lo lắng. Thường thì sự việc đột ngột phát sinh và xảy ra rất nhanh khiến mọi người không kịp trở tay. Dù Bệnh viện có lực lượng bảo vệ, song nhiều lúc cũng không kịp can ngăn. Chúng tôi mong muốn được tăng cường bảo vệ nhiều hơn để có thể yên tâm công tác”-chị Thảo chia sẻ.
Khoa Cấp cứu là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến cấp cứu ban đầu và cũng là nơi mà vụ việc hành hung, bạo hành nhân viên y tế dễ xảy ra. Bởi lẽ, nhiều người đưa người thân đến cấp cứu đều trong tâm trạng lo lắng, dễ bị kích động; chưa kể, nhiều người còn uống rượu, bia, không làm chủ được hành vi của mình.
Bên cạnh đó, do không hiểu hết về chuyên môn nên khi thấy người nhà mình đến trước nhưng chưa được thăm khám, trong khi người đến sau lại được cấp cứu trước nên dễ xảy ra bức xức, gây hấn và thậm chí dẫn đến hành hung nhân viên y tế.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu, trong trường hợp nhiều người đến cấp cứu cùng lúc thì đội ngũ y-bác sĩ sẽ ưu tiên cấp cứu theo trình tự. Trong đó, ưu tiên cho những người bệnh ngưng thở, ngưng tim; người bệnh khó thở, suy hô hấp; hôn mê, sốc… Do vậy, nhiều trường hợp chưa được thăm khám ngay khiến người nhà lo lắng và dễ xảy ra tranh chấp.
“Trách nhiệm của người thầy thuốc là ưu tiên cứu chữa cho người bệnh, giải thích thỏa đáng cho người nhà để họ hiểu rõ vấn đề và hợp tác với y-bác sĩ. Chúng tôi lo nhất là các trường hợp có uống rượu, bia, không hợp tác, gây khó khăn cho các y-bác sĩ”-bác sĩ Thuấn cho biết.
Còn bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Oanh-Phụ trách Khoa Nội-Nhi-Nhiễm-Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) cho hay: Vấn đề hành hung nhân viên y tế dù ít ghi nhận tại Trung tâm nhưng vẫn có xảy ra. Để tránh các vụ việc xích mích, chúng tôi quán triệt y-bác sĩ nâng cao tinh thần tiếp đón, phục vụ người bệnh. Đặc biệt, tại khu vực cấp cứu, chúng tôi hạn chế người ra vào để tránh xảy ra những xung đột không đáng có.
Đảm bảo an toàn để y-bác sĩ yên tâm công tác
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quốc Tuấn-Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-bày tỏ: Với tư cách là một bác sĩ, người quản lý công tác chất lượng bệnh viện, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng và trăn trở trước tình trạng bạo hành ngày càng gia tăng tại các cơ sở y tế hiện nay. Ngày càng nhiều vụ việc y-bác sĩ bị hành hung khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Thực trạng này không chỉ gây tổn thương về thể chất và tinh thần, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám-chữa bệnh, làm giảm sút niềm tin giữa thầy thuốc và người bệnh.
“Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được đẩy lùi là do các vụ việc bạo hành chưa được xử lý một cách nghiêm minh, triệt để. Nhiều trường hợp, người hành hung chỉ bị xử lý hành chính hoặc cho qua vì “tính chất xã hội phức tạp” hoặc chỉ cần công khai xin lỗi là xong. Điều này tạo ra tiền lệ xấu, khiến những đối tượng có ý định manh động không cảm thấy e ngại”-bác sĩ Tuấn nhìn nhận.

Theo đó, để đội ngũ y-bác sĩ được làm việc trong môi trường an toàn và tôn trọng, bác sĩ Tuấn cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi bạo hành nhân viên y tế, coi đó là hành vi chống người thi hành công vụ như bao lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế quan tâm tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp trong bệnh viện, đặc biệt ở các khoa dễ xảy ra xung đột như cấp cứu, ngoại trú... Lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát toàn diện để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi có dấu hiệu bạo lực. Đẩy mạnh truyền thông, sự thông hiểu của cộng đồng, giúp người dân nhận định được y-bác sĩ là người đồng hành chứ không phải đối tượng để trút giận khi bức xúc.
Ngoài ra, các bệnh viện cần tạo cơ chế phản hồi-khiếu nại rõ ràng, minh bạch và đa dạng để người bệnh có thể nêu ý kiến một cách văn minh, từ đó nắm bắt tình hình, chấn chỉnh, xử lý nghiêm nếu cán bộ y tế vi phạm thay vì để người bệnh bức xúc dẫn đến hành vi cực đoan. Với việc tạo dựng một môi trường y tế tôn trọng-an toàn-nhân văn sẽ giúp các y-bác sĩ an tâm cống hiến và người bệnh được chăm sóc một cách toàn diện, tử tế.
Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo môi trường an toàn, giúp y-bác sĩ yên tâm công tác. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Bảo-Giám đốc Bệnh viện-thông tin: Thời gian gần đây, tình hình nhân viên y tế bị bạo hành đang có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nguy hiểm.
Trên địa bàn tỉnh và tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ việc bạo hành nhân viên y tế. Bác sĩ Bảo nhấn mạnh: Bạo hành đối với nhân viên y tế là điều không thể chấp nhận. Nó không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý và thể chất của nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ. Hành vi này cần bị xã hội lên án và pháp luật xử lý nghiêm minh.
Theo bác sĩ Bảo, trước vấn nạn bạo hành nhân viên y tế, gây rối an ninh trật tự bệnh viện, Ban Giám đốc Bệnh viện đã triển khai phối hợp với lực lượng Công an các cấp để đảm bảo an ninh trật tự tại Bệnh viện; thiết lập đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan Công an gần nhất để hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống mất an ninh trật tự.
Bệnh viện cũng phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại Bệnh viện; đồng thời, lắp đặt camera, hệ thống báo động khẩn cấp tại các khoa...
Ngoài ra, quy trình “Phản ứng nhanh sự cố an ninh trật tự tại bệnh viện” cũng được xây dựng nhằm mục đích xử lý các tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự xảy ra; trước mắt thành lập “Đội an ninh phản ứng nhanh” thành thạo kỹ năng đối phó với các sự cố bất thường, phối hợp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả với các lực lượng chức năng; tạo lập cơ chế thông tin nhanh chóng nhằm giải quyết các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Bệnh viện.
Song song với đó, đơn vị còn chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền cho nhân viên y tế về kỹ năng giao tiếp ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Xử lý nghiêm nạn bạo hành nhân viên y tế
