(GLO)- Giữa rừng sâu, núi thẳm, “vàng tặc” đã lập lên một công trường chằng chịt những đường hầm, đường hào để khai thác vàng. Thế nhưng, khi giấc mộng đổi đời vẫn còn mờ mịt thì hàng chục sinh mạng đang đối mặt với hiểm nguy.
Khu vực đãi vàng. Ảnh: Văn Ngọc |
Hành trình vào lán trại
Đó là hành trình vất vả nhất mà tôi từng trải qua. Từ quốc lộ 25 (đoạn qua xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa), chúng tôi men theo con đường đất cát nhắm thẳng hướng ngọn núi cao chót vót thẫm màu xanh đen mà tiến. Đến mỗi ngã rẽ, chúng tôi lại hỏi đường đến bãi vàng thì ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Bãi vàng xa lắm, phía sau mấy ngọn núi này này, đi nhanh thì hơn 3 tiếng là tới. Mà xe này đi làm sao được, gầm thấp, đi lên đèo rồi gặp núi đá là bể lốc máy ngay, phải chạy xe độ chuyên đi rừng thì mới tới được”.
Chiếc xe hiệu Jupiter của tôi vốn chỉ quen với phố phường nay lại phải oằn mình vượt những con dốc dựng đứng, những cái đèo lởm chởm đá. Chiếc xe khổ sở xuyên rừng, băng rẫy của dân làng cứ “bò” mãi thế theo con đường mòn, qua con suối lớn, hướng thẳng ngọn Chư Jú. Nhiều đoạn, bánh xe cứ quay tròn, máy bốc mùi khét lẹt giữa cái nắng bỏng rát khiến tôi cùng anh bạn đồng nghiệp hốt hoảng. Nếu chiếc xe “có chuyện” giữa đường thì sẽ ra sao, thực tình hai chúng tôi cũng không dám nghĩ đến.
Lán trại của “vàng tặc”. Ảnh: Văn Ngọc |
Đi mãi, sau 4 tiếng hành xác giữa rừng cũng tới lúc con “ngựa chiến” không thể vượt qua con dốc dài nữa. May thay, đó cũng là con dốc dẫn lên bãi vàng. Cuốc bộ chừng 30 phút, “công trường” bắt đầu hiện ra. Ngay sát con đường đất mà người dân vẫn thường dùng để đi về huyện Ea Hleo của tỉnh Đak Lak là một lán trại. Cạnh lán là một chiếc hầm như một cái giếng sâu chừng 15 mét, vết đất vẫn còn mới toanh. Trong lán, có 3 người đàn ông đang nằm ngủ say sưa. Nghi đó là những người đào vàng nên chúng tôi không đánh động mà tiếp tục thăm dò vào bên trong. Tại đây, có rất nhiều chiếc hầm như giao thông hào thời chiến. Máy móc, đường ống nước nằm ngổn ngang. Nhưng đó mới chỉ là lán trại bị cô lập, tiến vào sâu bên trong, chúng tôi mới thực sự thấy choáng ngợp bởi quy mô của bãi chính.
Tan giấc mộng “vàng”
Nằm thoai thoải trên sườn núi là 7-8 lán trại. Mỗi lán trại là của một ông chủ khác nhau. Theo đó là hàng chục đường hầm, đường hào, hố sâu bị đào xới khiến cả vùng trở nên hoang tàn. Đất, đá bị đào lên chất thành từng đống nham nhở. Các lán đều có ba lô quần áo, xoong nồi, màn, chiếu, đồ dùng sinh hoạt… Một số lán còn nuôi chó để cảnh báo khi có người lạ. Trong mỗi lán có 5-6 người đàn ông đang tất bật chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Mượn cớ người đi rừng vào xin nước, tôi mới có dịp lân la hỏi chuyện trực tiếp với những “vàng tặc”, mới biết thêm những câu chuyện buồn của kẻ mưu sinh nơi rừng thiêng nước độc.
Máy móc dùng để khai thác vàng. Ảnh: Văn Ngọc |
Một người đàn ông cho chúng tôi biết, các ông chủ của bãi đa số là người ở huyện Kbang và huyện Ea Hleo (Đak Lak). Những ông chủ này bỏ tiền mua máy móc rồi “tuyển quân” ở ngay chính địa phương của mình để lên làm thuê theo ngày công tại bãi vàng. Anh H.-một người tham gia đào vàng chia sẻ: “Ở bãi này đa số đều là anh em người Tày ở Kbang đi qua huyện Ea Hleo để lên đây làm vàng, ông chủ cũng là người ở Kbang luôn. Ông ấy rủ lên làm vàng trả công mỗi người 130 ngàn đồng/ngày, nếu trúng vàng thì sẽ được nhiều hơn. Bãi làm từ lâu lắm rồi, mình thì lên đây cũng được khoảng một tháng nhưng gần cả trăm người đây chưa thấy ai đào được vàng cả”.
Nghe chúng tôi nói chuyện, một người khác than thở: “Tôi cũng người Tày ở xã Tơ Tung (huyện Kbang), nhà không có đất như người ta mà vợ con thì hay đau ốm nên phải đi làm kiếm tiền. Tưởng may mắn đào được vàng chia nhau thì có tiền về sửa lại căn nhà nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu, chắc anh em chuẩn bị kéo nhau về làng thôi chứ nhớ vợ, nhớ con lắm rồi”. Nói rồi, mỗi người lại tỏa về các đường hầm bắt đầu công việc. Hàng chục người nông dân vốn chân lấm tay bùn lại vùi mình vào những chiếc hầm sâu hàng chục mét tối như hũ nút. Mùa mưa xuống, đất mềm, không ai dám chắc rằng chiếc hầm ấy sẽ không sập xuống đầu những người không có gì để bảo hộ. Dù tử thần có thể tìm đến bất thình lình, nhưng người vẫn hì hục đào, người đưa đất lên, người lại sàng lọc. Không ai nói ai, chỉ có tiếng máy nổ rền vang cả một khoảng rừng.
Khó truy quét
Một số hầm cũ đã bị sập. Ảnh: Văn Ngọc |
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Tâm-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa cho biết: “Khu vực khai thác vàng này nằm ở tiểu khu 1288 thuộc lâm phần của xã Ia Rbol. Trong thời gian qua, Phòng đã phối hợp với Công an thị xã, Cơ quan Quân sự thị xã, UBND xã… tổ chức nhiều đợt truy quét. Đợt truy quét gần nhất vào ngày 20-1-2015, chúng tôi đã phát hiện 9 hầm cũ, 10 hầm mới, 5 lán trại bằng gỗ, 1 cối xay, 1 máy thổi khí oxy, máy nổ nhỏ và 100 mét ống nước. Chúng tôi đã tiến hành tháo gỡ và tiêu hủy theo quy định”.
Cũng về vấn đề này, Thượng tá Vũ Gia Long-Phó Trưởng Công an thị xã Ayun Pa nói: “Đây là địa bàn giáp ranh với huyện Ea Hleo của Đak Lak nên đường đi vào rất khó khăn. Mỗi lần truy quét, chúng tôi phải cử trinh sát theo dõi tình hình trước đó 1-2 ngày. Sau đó mới huy động lực lượng lên rừng 2-3 ngày để truy quét nhưng lên đến nơi thì các đối tượng khai thác vàng đều đã bỏ trốn bỏ lại các phương tiện. Công an thị xã cũng đã đề xuất với Cơ quan Quân sự thị xã dùng thuốc nổ đánh sập các hầm đào vàng nhưng vẫn chưa triển khai được vì phải xin ý kiến của Quân khu. Và vì không xác định được các đối tượng đào vàng nên không thể cung cấp thông tin chính xác cho Công an huyện Ea Hleo phối hợp xử lý”.
Lê Văn Ngọc