Bài cuối: "Giỏi thời chiến, đảm thời bình"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai ngôi làng mà chúng tôi tìm đến là nơi một thời sắt son với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng đất nước. Không những thế, khi đất nước hòa bình, những vùng đất ấy lại tiếp tục nỗ lực trong khó khăn, vươn lên không ngừng.

Làng Bạc anh hùng
 

Một góc làng Bạc 1 hôm nay. Ảnh Hồng Thi
Một góc làng Bạc 1 hôm nay. Ảnh Hồng Thi

Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại làng Bạc 1 (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Sau 2 năm, cảnh vật nơi đây đã có nhiều đổi khác. Từng phiến lá, ngọn cây hai bên đường như căng tràn sức sống sau khi được gột sạch màu bụi đỏ bởi cơn mưa đêm. Trục đường chính dẫn vào làng giờ đã được bê tông hóa sạch đẹp. Những nếp nhà cũng khang trang và mới mẻ hơn.

Cùng đi với chúng tôi có Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn-Kpă Geo, cũng là một người con của làng Bạc. Kpă Geo kể: Năm 1979, chúng tôi rời làng cũ trên ngọn đồi Chư Mê Yah về đây theo chương trình định canh định cư của Nhà nước. Lúc ấy, dân làng chủ yếu sống nhờ vào cây đậu phộng và lúa rẫy. Năm 1982, cán bộ huyện về làng, hướng dẫn cho bà con chuyển cây lúa rẫy sang sản xuất lúa nước 2 vụ nhưng mãi đến năm 1995, việc chuyển đổi này mới được hoàn thiện trên quy mô cả làng. Cùng thời điểm ấy, dân làng cũng học người Kinh cách trồng cây cà phê. Hiện nay, cả làng có khoảng 70 ha lúa nước, hơn 100 ha cà phê, 1.000 trụ tiêu.

Một nhân tố nữa cũng góp phần quan trọng giúp người dân làng Bạc 1 từng bước cải thiện đời sống, đó là dự án phát triển cây cà phê của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. Cách đây hơn 15 năm, dự án này đã thu hút nhiều người vào làm công nhân cho nông trường. Tính đến thời điểm hiện tại, làng có 80 hộ đang nhận khoán chăm sóc cà phê cho Công ty với trung bình 1 ha/hộ. Hàng năm, mỗi hộ cũng thu về khoảng 30-40 triệu đồng.

 

Anh hùng Kpă H'Ó ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội. Ảnh Minh Triều
Anh hùng Kpă H'Ó ôn lại kỷ niệm cùng đồng đội. Ảnh Minh Triều

Không những thế, 10 hộ dân khác của làng còn đi làm công nhân cao su cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, mức lương mỗi tháng 2-5 triệu đồng. Nhiều gia đình không còn nghèo, có nhà cửa khang trang, con cháu được đến lớp. Các hộ Kpă Thuyn, Kpă Kip... mỗi năm thu nhập 60-100 triệu đồng.

Niềm vui no đủ trong thời bình là thế, song quá khứ cũng luôn là một niềm tự hào khôn tả đối với dân làng. Dù chiến tranh gian khổ, bị giặc đàn áp dã man, dân làng Bạc vẫn một lòng sắt son với Đảng, Bác Hồ. Chính tinh thần ấy đã tạo nên những người anh hùng sinh ra từ làng, trong đó có bà Kpă H’Ó. Năm 1966, H’Ó tham gia du kích xã, giữ chức vụ Tiểu đội trưởng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà đã lập nhiều chiến công xuất sắc như: gài mìn diệt xe tăng địch; bắn rơi máy bay trực thăng; nhất là vận động dân làng đấu tranh phá ấp giành dân, đưa bà con trở về buôn làng. Bà H’Ó nhớ lại: “Sau khi bộ đội ta phá ấp đưa dân về lại làng cũ, bọn giặc tiếp tục quay trở lại bắt bớ, càn quét. Bà con không ai chịu theo chúng về ấp, khăng khăng trụ lại làng, thế là bị chúng đánh đập dã man, xả súng bắn giết, chỉ có một vài người theo bộ đội ở trên rừng hoặc đi rẫy sớm là may mắn thoát chết”. Nói đến đây, giọng bà nghẹn lại. Già Kpă Sinh-người từng chiến đấu cùng bà H’Ó-ngồi cạnh bên tiếp lời: “Những người sống sót ấy bây giờ nhập chung với dân làng Bạc 1 thành làng Bạc 1 như bây giờ, còn làng Bạc 2 hiện nay toàn những người nơi khác đến sau giải phóng”. Già Sinh còn cho chúng tôi biết thêm nhiều điều về chuyện thanh niên làng rủ nhau đi đánh giặc hay chuyện bà con giã gạo, hái rau rồi ngay trong đêm lén mang lên rừng cho bộ đội… Với già và bà H’Ó, đó là những hồi ức chẳng thể nào quên.

“Làng có 4 chủ tịch”

 

Dân làng Tel Yố luôn tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước. Ảnh: Minh Triều
Dân làng Tel Yố luôn tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước. Ảnh: Minh Triều

Đó là cách gọi vui nhưng rất thực tế mà người dân địa phương dành cho làng Tel Yố (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Bởi lẽ, ngôi làng có đến 4 người hiện đang giữ các chức Chủ tịch ở xã Ia Hlốp, gồm: Kpuih Par-Chủ tịch HĐND, Kpuih Lan-Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Kpuih H’Hạnh-Chủ tịch Hội Phụ nữ và Kpuih Gần-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

Tel Yố chính là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpuih Thu. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tên tuổi người Xã đội trưởng Kpuih Thu quả cảm, mưu trí, gắn với những trận đánh du kích ở xã Ia Hlốp, Ia Ko đã vang dội khắp chiến trường Tây Nguyên. Ông thường đóng khố, cởi trần, tay cầm con dao nhỏ, cổ chân buộc sợi dây thừng kéo lê khẩu súng di chuyển trên những tuyến đường có nhiều địch, đợi thời cơ thuận lợi là bắn phá, tiêu diệt lính và xe quân sự của chúng. Bên cạnh đó, ông còn hướng dẫn và chỉ huy du kích xã liên tục bám đường đánh địch hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều lính Mỹ-Ngụy, bắn rơi máy bay và phá hủy nhiều phương tiện quân sự của địch khiến kẻ thù bao phen kinh sợ. Ngày 5-5-1965, Kpuih Thu trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Kpuih Thu lại bắt tay cùng bà con dân làng phát triển kinh tế và xây dựng đời sống mới. Người dân làng Tel Yố, ai cũng trầm trồ khen ông chẳng những đánh giặc giỏi mà làm kinh tế cũng giỏi. Ấy là cái thời cách đây chừng chục năm, còn giờ đây, khi chúng tôi đến thăm, sức ông đã yếu dần, trí nhớ kém, tay run, chân mỏi. Đôi mắt, đôi tai cũng chẳng còn được tinh anh nữa.

 

Anh hùng Kpuih Thu. Ảnh Minh Triều
Anh hùng Kpuih Thu. Ảnh Minh Triều

Già làng Kpuih Par nói: “Trước còn minh mẫn, Kpuih Thu vẫn hay kể chuyện đánh giặc cho dân làng nghe, giờ thì chịu thôi, tai Thu không nghe được, đầu óc cũng lẫn lộn hết cả rồi mà!”. Nói đoạn, già chuyển sang kể cho chúng tôi nghe về làng Tel Yố của già. Trước giải phóng, làng nghèo lắm. Mãi đến năm 1993, khi Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê tuyển công nhân vào làm việc tại Nông trường Cao su Ia Hlốp, bà con trong làng mới dần cải thiện đời sống với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 1997, làng chuyển về vị trí sát đường nhựa chính dẫn vào trung tâm huyện như bây giờ. Cũng từ đó, dân làng bắt đầu chăm lo làm ăn, chuyển lúa rẫy sang sản xuất lúa nước 2 vụ, trồng thêm cà phê, tiêu và một số loại hoa màu khác. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất của toàn làng là 60 ha, trong đó có 20 ha lúa nước, gần 40 ha tiêu và cà phê.

Ngoài 4 vị Chủ tịch kể trên, già Par còn liệt kê cho chúng tôi thêm 3 cái tên đã thành đạt nữa của làng Tel Yố. Đó là: Siu Nuyn-Trung tá Công an huyện Chư Pưh, Siu Vít-Thiếu tá Công an huyện Chư Pưh và Siu Lim-cán bộ Bưu điện xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Họ đều là hậu duệ của Anh hùng Kpuih Thu, đang kế thừa và tiếp nối tấm gương sáng của cha mình trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.