Bài 3: Ký ức những lần gặp Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ là những người con của núi rừng Tây Nguyên có cơ hội ra miền Bắc học tập, công tác. Họ là những người con của miền Bắc, miền Trung nhưng nửa sau cuộc đời lại chọn vùng đất Tây Nguyên nắng gió làm nơi gắn bó. Trong những năm tháng chiến tranh, đất nước bị bom dày đạn xéo, chia cắt hai miền, họ đã may mắn được gặp Bác Hồ và được Người tận tình thăm hỏi, động viên. Trong số họ, có người bây giờ không còn nữa, có người đã cao tuổi, về nghỉ hưu, nhưng mỗi khi nhắc lại, ai cũng cho rằng thời khắc được gặp Bác, dù ngắn ngủi nhưng là những kỷ niệm đẹp và khó quên nhất trong cuộc đời mình.

Kỳ 1: Bác Hồ của chúng ta là thế

 
Ảnh: Tư Liệu
Ảnh: Tư Liệu

“Gần gũi, sâu sắc, giàu tình yêu thương với quân dân nhưng lại cực kỳ giản dị, gương mẫu và kiên quyết... Bác Hồ của chúng ta là như thế đó!”- ông Bùi Minh Hớn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với chúng tôi về Bác bằng một giọng nhẹ nhàng và đầy sự kính trọng. Không riêng gì ông Hớn, tất cả những người may mắn gặp Bác mà chúng tôi có dịp tìm đến cũng đều chung một cảm nhận ấy. Những lời kể của họ chính là một nét vẽ sinh động góp vào bức họa chân dung vị cha già kính yêu của dân tộc Việt.

Trong cuộc đời làm cách mạng, ai cũng có những giờ phút hạnh phúc. Thế nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất mà mọi người đều mong mỏi là được gặp Bác Hồ. Điều đó không chỉ vì Bác là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn vì chất nhân văn toát ra từ tấm lòng yêu nước thương dân của Người. Chúng tôi có thể cảm nhận được sâu sắc niềm mơ ước ấy qua câu nói “được gặp Bác một lần dù sau đó có chết đi cũng thỏa lòng” của ông Bùi Minh Hớn hay lời tuyên bố chắc nịch “điều động tôi đi đâu cũng được, miễn là tôi có cơ hội gặp được Bác Hồ” của ông Ngô Sinh Tùng...  

Ngay khi còn bé, ông Bùi Minh Hớn đã ấp ủ ước mơ được một lần gặp Bác. Năm 1955, mang theo niềm mong mỏi ấy, ông cùng Sư đoàn 324 (Quân khu 5) tập kết ra Bắc. Thế rồi nguyện vọng ấy đã thành hiện thực khi Bác Hồ bất ngờ đến thăm Trung đoàn 190 của ông (đóng tại Thanh Chương-Nghệ An) vào năm 1958. Lúc đó không chỉ riêng ông Hớn mà tất cả mọi người trong đơn vị đều ứa nước mắt vì vui sướng. Ông Hớn bồi hồi nhớ lại: Trước khi ra gặp chúng tôi, Bác đã đi kiểm tra một vòng doanh trại, từ nhà bếp, nhà vệ sinh đến chỗ ngủ, quần áo, giày dép... của cán bộ, chiến sĩ. Bác khen chúng tôi có sáng kiến diệt muỗi hay, Bác hỏi chúng tôi ăn có no không, có ngon không, vệ sinh có tốt không...

Từ trái qua phải: Ông Ngô Xuân Tùng, ông Ka Pa Tơ,
Từ trái qua phải: Ông Ngô Sinh Tùng, ông Ka Ba Tơ, ông Bùi Minh Hớn, ông Y Bhin Mlô, ông Nông Quốc Tuấn. Ảnh: Minh Dưỡng

Bác phê bình công tác dọn vệ sinh của chúng tôi chưa được tốt, phê bình nhà bếp nấu cơm còn để bị cháy nhiều mà lại không có rau. Bác bảo chúng tôi phải biến đồi đá bên cạnh thành đồi rau để có rau mà ăn. Rồi Bác hỏi chúng tôi có nhớ nhà không, sau đó Người phân tích rằng: Các cháu đều là con em của miền Nam, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, do gia đình các cháu và nhân dân miền Nam nuôi dưỡng, bởi chiến tranh, đất nước bị chia cắt thành 2 miền nên các cháu mới phải ra ngoài Bắc, làm sao mà không nhớ được. Gia đình các cháu và nhân dân miền Nam đang chịu ách thống trị, sự kèm kẹp của gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Nó lê máy chém đi chặt đầu nhân dân ta, trong đó có gia đình các cháu. Nói đến đó Bác khóc, anh em chúng tôi ở bên dưới cũng không cầm được nước mắt. Lau nước mắt, Bác động viên chúng tôi phải ra sức học tập, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, rèn luyện lập trường, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để quay về giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà... Nói xong Bác xuống bắt tay từng người, tôi khi đó là Tiểu đội trưởng nên vinh dự được cầm tay Bác.

Tiếp xúc với Bác chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, nhưng với ông Bùi Minh Hớn, lần gặp đó làm ông nhớ nhất, dù sau đó ông được may mắn gặp Bác thêm 2 lần nữa. “Bác về rồi, cái đồi đá cao khoảng 300 mét, cả trung đoàn bắt tay vào đào giếng, gánh đất đổ lên đá, biến nó thành đồi rau xanh. Sau đó, Tổng cục Hậu cần gửi vô cho mỗi người 1 đôi giày, 1 bộ quần áo. Đến Tết Bác lại gửi cho mỗi người 2 điếu thuốc, 2 hào rưỡi tiền để mua tô phở, mấy xu để mua xà phòng và bàn chải đánh răng. Bác viết văn bản kèm theo, giải thích rằng tiền là của Bác, của nhân dân thế giới ủng hộ Bác, Bác để dành cho mọi người chứ không hề lấy tiền của công để cho”-ông Hớn lại cho chúng tôi biết thêm về tấm lòng của Bác dành cho những người con miền Nam.

Chậm rãi nhớ lại từng dòng ký ức, ông Nông Quốc Tuấn (136 buôn Tia, thôn 8, xã Nam Dong, huyện Chư Jut, tỉnh Đak Nông) chia sẻ với chúng tôi về khoảng thời gian ông phục vụ Bác Hồ tại Pác Bó-Cao Bằng. Ở cái tuổi 87, sức khỏe đã yếu dần, tai cũng không còn nghe rõ nữa, nhưng những kỷ niệm về Bác trong ông vẫn còn nguyên vẹn. Ngày ấy (1941), cậu bé Nông Văn Sỹ (sau này được Bác Hồ đổi lại tên thành Nông Đình Tuấn, rồi Nông Quốc Tuấn) chủ yếu ở cạnh Bác để nấu cơm, giặt quần áo và làm liên lạc. Cơm nấu không ít lần bị khê, nhưng Bác vẫn cứ khen ngon, chưa bao giờ la mắng nặng lời.  

Nhớ nhất với ông Tuấn có lẽ là cái lần ông được ngủ chung với Bác Hồ: “Một đêm tháng 12, trời lạnh lắm, hai Bác cháu ngủ trên núi đá, 1 cái chăn trải ở dưới, 3 cái chăn đắp ở trên. Đêm đó Bác không ngủ được vì bị tôi gác suốt. Lần đầu gác trên đùi, Bác nhấc xuống. Lần thứ 2 trên bụng, Bác lại nhấc xuống. Đến lần thứ 3 gác lên tới trên cổ bị Bác gõ vào chân... Tối tiếp theo, tôi không chịu ngủ vì sợ lại gác Bác nữa nhưng Bác vẫn bắt ngủ cùng. Lúc đó, tôi phải dùng một cái chăn quấn chặt người mình lại để khỏi gác lên người Bác, khi đó Bác mới ngủ được”.

Theo lời ông Tuấn kể, Bác Hồ là một người sống giản dị nhưng cực kỳ nghiêm túc trong công việc. Sáng nào, Bác cũng dậy thật sớm tập thể dục, lấy nước từ máng tre để tắm. Thay quần áo xong là Bác ngồi vào bàn đá và viết suốt 4 tiếng đồng hồ. “Mình làm xong bao nhiêu việc rồi mà quay sang vẫn thấy Bác ngồi đó, Bác viết miệt mài lắm nhưng tôi không dám hỏi Bác viết gì”-ông Tuấn chia sẻ. Nghe đến đây, chúng tôi bỗng nhớ lại và tìm được câu trả lời trong bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Người năm nào: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.  

Về Kon Tum, chúng tôi tìm đến hai người may mắn được gặp Bác. Đó là ông Ka Ba Tơ-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum và ông Ngô Sinh Tùng-hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vinh Quang, TP. Kon Tum.

Kỷ niệm về Bác mà ông Ka Ba Tơ nhớ nhất là lúc được Bác Hồ cho kẹo trong ngày Tết Thiếu nhi năm 1956 và niềm vinh dự, tự hào khi được cầm lá phiếu bầu Bác Hồ vào Quốc hội khóa III năm 1964. Hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc trong trí nhớ của ông là một người đôn hậu, giàu tình yêu thương và rất giản dị: Khi thì bộ quần áo kaki sờn cũ, khi thì bộ bà ba nâu sòng, đầu đội mũ cối, chân mang đôi dép cao su và tay thì kẹp điếu thuốc.

Còn với ông Ngô Sinh Tùng, trong cảm nhận ngày ấy của mình, ông nghĩ “gặp Bác Hồ khó như gặp vua, dù muốn lắm nhưng chắc sẽ chẳng bao giờ gặp được”. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đóng quân ở Thanh Hóa rồi sau đó được điều động về bộ phận nội chính, bảo vệ nội bộ của Trung đoàn 94, Sư đoàn 350-là đơn vị bảo vệ các cơ quan Trung ương tại Hà Nội.

Kỳ họp Quốc hội năm 1955 về việc thực hiện cải cách ruộng đất, ông Tùng tham gia trong đoàn bảo vệ và đó cũng là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. “Tết năm ấy, anh em miền Nam đón cái Tết buồn vì thực dân Pháp phá vỡ Hiệp định Giơ-ne-vơ. Hay tin, Bác Hồ đã đến thăm và động viên mọi người đừng bi quan, phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi vui lắm, thấy Bác gần gũi và thân thiết như ông cháu vậy, tự dưng mến ngay, trong lòng tôi không còn cảm giác sợ Bác như sợ vua giống như ý nghĩ trước đây nữa”-nói đến đây, gương mặt ông Tùng bỗng rạng rỡ hẳn.

Ông Y Bhin Mlô (người dân tộc Ê Đê tại buôn Năng, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak) cũng là một trong số ít người con của buôn làng Tây Nguyên vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Với ông những lần được gặp Bác là niềm vinh hạnh lớn lao. Khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng ấy, ánh mắt ông như bừng sáng hẳn lên. Trong ba lần được gặp Bác Hồ, ông Y Bhin Mlô nhớ nhất là lần gặp thứ hai vào năm 1960. Lúc ấy ông là lính Sư đoàn 305 đóng quân ở Phú Thọ. Khi đơn vị tham gia lao động tại công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải thì Bác Hồ đến thăm. “Nghe Bác hỏi ở đây có ai người đồng bào dân tộc Tây Nguyên không, mình chạy ùa vào ngay. Bác muốn bắt tay, tôi cũng muốn bắt tay Bác lắm nhưng nhìn xuống thấy tay mình toàn bùn đất nên không dám nữa, liền rụt tay lại. Bác thấy thế vẫn nắm lấy cánh tay tôi, rồi chúc tôi sức khỏe, động viên tôi cố gắng học tập, rèn luyện cho tốt để sau này về làm hậu thuẫn cho đồng bào Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”-ông Y Bhin Mlô xúc động nhớ lại.

Chính những lần gặp Bác Hồ-được nghe Bác nói-được Bác ân cần nhắc nhở-được thấy những cử chỉ dù nhỏ nhất của Bác-chính là kim chỉ nam trong cả cuộc đời hoạt động của họ-những người con Tây Nguyên, dù ở bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào. Họ đã, đang và mãi mãi là những tấm gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho các thế hệ noi theo và làm theo!

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi
 

Bài 3 (kỳ 2): Lời căn dặn, động viên của Người chính là nguồn sức mạnh tinh thần bất diệt để các ông-những người con của núi rừng Tây Nguyên đã vinh dự có lần gặp Bác, tiếp tục hoàn thiện bản thân và lập nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu bài viết “Thực hiện ý nguyện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của Nhân dân" của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND (bìa phải) tặng quà cho gia đình bà Huỳnh Thị Bốn (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc) là thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh thăm tặng quà gia đình chính sách ở Krông Pa

(GLO)- Sáng 24-7, Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Krông Pa nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà gia đình ông Trần Quang Bảo (thôn Plei Ia Kơ Al, xã Ia Piar). Ảnh: Vũ Chi

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Phú Thiện

(GLO)- Chiều 23-7, đoàn công tác do Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu tại huyện Phú Thiện nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Chư Păh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Chư Păh

(GLO)-Chiều 23-7, đoàn công tác do đồng chí Thái Thanh Bình-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà cho 5 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Chư Păh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).