Ayun Pa: Nan giải bài toán trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng phức tạp cùng với những bất cập trong chính sách hỗ trợ khiến công tác trồng rừng tại thị xã Ayun Pa những năm qua gặp nhiều khó khăn.

Thị xã Ayun Pa hiện có hơn 16.906 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 10.443 ha, rừng tự nhiên hơn 10.401 ha, rừng trồng hơn 41 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 36,6%. Mục tiêu của trồng rừng là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng khó. Vì vậy, từ nguồn vốn hỗ trợ của các cấp, thị xã đã tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất lâm nghiệp và đăng ký trồng rừng. Tuy nhiên, do tỷ lệ cây sống thấp, các chính sách hỗ trợ giảm so với trước đây, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn dẫn đến công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, xã Ia Rbol được giao trồng 60 ha rừng nhưng đến nay công tác trồng rừng không thể triển khai. Thực trạng này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã kéo dài nhiều năm nay, xã đã có báo cáo và kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được tháo gỡ.

Bà Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rbol-cho biết: Mặc dù đầu năm có 60 hộ dân tại xã đăng ký trồng rừng nhưng đến nay chưa thể xuống giống mà nguyên nhân chính là do vướng các quy định. Cụ thể, phần lớn diện tích các hộ dân đăng ký trồng rừng nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp nên sẽ không được Nhà nước hỗ trợ khi trồng rừng. Một số diện tích nằm trong quy hoạch nhưng manh mún, rải rác, không đảm bảo diện tích từ 3 sào trở lên theo quy định.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Ayun Pa hướng dẫn người dân trồng rừng. Ảnh: Vũ Chi

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Ayun Pa hướng dẫn người dân trồng rừng. Ảnh: Vũ Chi

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Rbol, chính sách hỗ trợ người trồng rừng hiện nay quá thấp nên không thu hút được người dân trồng rừng. Theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các Công ty nông, lâm nghiệp, khi trồng rừng người dân được hỗ trợ cây giống. Sau khi nghiệm thu, nếu tỷ lệ cây sống đạt trên 50% sẽ được hỗ trợ công trồng và chăm sóc với mức 7 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sau khi Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, từ năm 2021, người dân phải tự bỏ tiền mua cây giống, mức hỗ trợ giảm xuống chỉ còn 2,5 triệu đồng/ha và tỷ lệ cây sống phải đạt 85% trở lên nên người dân không mặn mà với việc trồng rừng.

Ông Siu Sun (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol) chia sẻ: Năm 2017, tôi trồng 3 sào keo lai nhưng do nắng hạn nên tỷ lệ cây sống khoảng 20%. Cây rừng trồng bị chết nhiều nên tôi không được hỗ trợ theo quy định dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Gia đình đành trồng xen cây mì để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm nay, khi gia đình đăng ký trồng lại thì được biết theo quy định mới không chỉ mức hỗ trợ giảm đi mà yêu cầu tỷ lệ sống của cây rừng trồng cao hơn. “Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đất rừng khô cằn, sỏi đá thì tỷ lệ này là không thể đạt được. Hy vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ mới giúp bà con vơi bớt khó khăn, có thể mưu sinh được nhờ trồng rừng”-ông Sun bày tỏ.

Còn ông Lê Hữu Thùy-Bí thư Đảng ủy xã Chư Băh thông tin: Với chỉ tiêu 70 ha rừng trồng mới trong năm 2023, đến nay xã mới triển khai được 29 ha. Khó khăn lớn nhất khiến tỷ lệ trồng rừng đạt thấp là do những bất cập trong quy định của Nhà nước. Với đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì việc phải tự bỏ kinh phí mua cây giống trồng rừng là trở ngại lớn. Thêm vào đó, rừng trồng chỉ có thể khai thác sau 5-7 năm chăm sóc. Chu kỳ quá dài trong khi cây chết nhiều, quá trình vận chuyển gỗ khi thu hoạch, tiêu thụ gặp khó khăn nên hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng rừng không cao. Vì vậy, dù đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhưng công tác trồng rừng tại địa phương không đạt hiệu quả như mong đợi.

Người dân trồng rừng trên diện tích đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân trồng rừng trên diện tích đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ảnh: Vũ Chi

“Chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên tiến hành khảo sát thổ nhưỡng địa phương. Nếu thổ nhưỡng không phù hợp với cây trồng rừng nên chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi trồng thử nghiệm, người dân ở xã đánh giá cây điều rất phù hợp với đất lâm nghiệp nên kiến nghị bổ sung cây điều vào danh mục cây trồng rừng để tạo điều kiện cho người dân vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo diện tích trồng rừng theo quy định”-ông Thùy kiến nghị.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Thạch-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa-cho biết: Năm 2023, thị xã được giao chỉ tiêu trồng 219,9 ha rừng. Đến thời điểm này, các địa phương mới triển khai được 38 ha, trong đó xã Chư Băh 29 ha với 41 hộ tham gia, xã Ia Sao 9 ha với 5 hộ tham gia. Ngoài ra, diện tích người dân tự bỏ vốn trồng cây rừng trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp được 26,64 ha. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến trồng rừng đạt tỷ lệ thấp là thiếu kinh phí, thiếu đất sản xuất và hiệu quả kinh tế thấp.

Từ những khó khăn đó, đơn vị cũng báo cáo, đề xuất, tham mưu HĐND thị xã kiến nghị HĐND tỉnh giảm chỉ tiêu tỷ lệ trồng rừng tại địa phương; hỗ trợ người dân ứng trước kinh phí mua cây giống và nâng mức hỗ trợ cho 1 chu kỳ trồng rừng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng để tạo điều kiện cho người dân vừa có thu nhập cải thiện cuộc sống, vừa đảm bảo tỷ lệ trồng rừng tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.