An Trung nỗ lực về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay, An Trung (huyện Kông Chro) đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Xã An Trung có 2 thôn và 8 làng với 1.311 hộ, 5.310 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51,8%. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đinh Liêng cho hay: Trên địa bàn xã có dân tộc Bahnar, Kinh, Tày, Mường đoàn kết sinh sống thuận hòa. Bà con luôn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Cùng với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các thôn, làng xây dựng hương ước, quy ước gắn với nội dung các cuộc vận động xây dựng làng, xã NTM. Những năm gần đây, thông qua tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Gia đình anh Đinh Thuyn (làng Ó) có hơn 6 ha đất trồng mì, lúa rẫy. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh Thuyn đã chủ động chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng mía, bắp và bí đỏ. Anh cũng nuôi thêm 6 con bò lai và 7 con dê. Hàng năm, gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để đời sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, gia đình cũng tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM”-anh Thuyn bộc bạch. 
Diện mạo xã An Trung ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh
Diện mạo xã An Trung ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh
Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, dân làng Brò đã tự nguyện hiến khoảng 1.500 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công và gần 5 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn; tích cực tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Trưởng thôn Đinh Hrech chia sẻ: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nhiệt tình hưởng ứng của dân làng, các công trình giao thông, nhà văn hóa, khu thể dục thể thao được xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, làng chỉ còn 4 hộ nghèo, không còn nhà tạm bợ, dột nát”.
Những năm qua, người dân An Trung đã đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, xã chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả; khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng; toàn xã chỉ còn 43 hộ nghèo, chiếm 3,3%.
Xã An Trung, huyện Kông Chro tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng mức hưởng thụ trực tiếp của người dân. Ảnh: Ngọc Minh
Xã An Trung (huyện Kông Chro) tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Ngọc Minh
Đến nay, xã An Trung đã đạt 15/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng-an ninh. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Phượng cho hay: Đối với các tiêu chí chưa hoàn thành, xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình dựa trên điều kiện thực tế để triển khai thực hiện. Theo đó, xã chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng khu thể thao với kinh phí 2,2 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 60,62%. Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ mua bảo hiểm y tế tự nguyện; đôn đốc các thành viên Ban chỉ đạo xã, đoàn thể chủ động liên hệ, hướng dẫn thủ tục giúp người dân tham gia thuận tiện nhất. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, xã yêu cầu cơ quan quân sự tham mưu cấp ủy xây dựng nghị quyết, triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, xây dựng thế trận quốc phòng và khu vực phòng thủ vững chắc, gắn với phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, thường xuyên phối hợp cùng Công an tăng cường công tác tuần tra nhằm đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
Riêng về tiêu chí môi trường, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Xã đã xây dựng quy chế phối hợp nhằm tạo điều kiện để cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tăng cường phối hợp thành lập các tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, làng để tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia thực hiện. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom, xử lý nước, rác thải, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.