An Khê khẩn trương gieo trồng vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khắc phục tình hình nắng hạn, thị xã An Khê (Gia Lai) đang tích cực hướng dẫn và đôn đốc nông dân các xã, phường tập trung sản xuất vụ Đông Xuân đạt hiệu quả.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đông Xuân được xem là mùa vụ chính trong năm, có vai trò quyết định đến tổng sản lượng lương thực của địa phương. Do đó, từ cuối vụ mùa năm trước, thị xã An Khê đã tích cực chỉ đạo các xã, phường tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019. Ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho hay: Năm nay, mưa khá muộn với lượng nước không đáng kể nên tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn thị xã chậm hơn gần 1 tháng so với năm ngoái. Trước đó, ngành Nông nghiệp thị xã đã đề nghị các xã, phường huy động người dân nạo vét kênh mương, gia cố và nâng cấp các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới. Hiện trên địa bàn thị xã có tổng số 170 công trình thủy lợi, trong đó có 5 công trình lớn gồm: đập Bến Tuyết (phường An Phú), đập Hòn Cỏ (xã Song An), đập Lớn Bầu Dồn (xã Thành An), đập Lớn Sình (xã Cửu An) và đập Pnang (xã Tú An). Tổng chiều dài kênh mương nội đồng của thị xã là 35,68 km với 21,37 km đã được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ nước tưới cho lúa và một số loại cây trồng ngắn ngày khác.
 Người dân đang chăm sóc hoa màu, hy vọng vào một mùa vụ bội thu. Ảnh: H.T
Người dân đang chăm sóc hoa màu, hy vọng vào một mùa vụ bội thu. Ảnh: H.T
Cùng với đó, UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương định hướng sản xuất cho người dân và hướng dẫn công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ Đông Xuân. Cụ thể là tổ chức thông tin, hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống một số cây trồng chính trong sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn; theo dõi tình hình khô hạn, thiếu hụt nguồn nước ở từng khu vực và cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan cho các địa phương để có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả; phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật về quản lý, điều tiết, sử dụng hợp lý nguồn nước cho từng cánh đồng.
Ngoài ra, UBND các xã, phường cũng đã khẩn trương rà soát kế hoạch diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 trên cơ sở cân đối nguồn nước và khả năng khai thác các nguồn tưới bổ sung; chủ động khoanh vùng sản xuất lúa, vùng chuyển đổi cây trồng để khuyến cáo nông dân chuyển đổi một số diện tích lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây khác cần ít nước hơn. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao; khuyến cáo nông dân không gieo sạ với mật độ quá dày làm hạn chế khả năng sinh trưởng, phát triển của cây và dễ phát sinh sâu bệnh; hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón hỗn hợp hữu cơ, phân khoáng NPK, tăng cường bón lót phân chuồng, lân và phân vi sinh để cải tạo đất…
Khẩn trương  gieo trồng
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2018-2019, thị xã An Khê gieo trồng 4.325 ha cây trồng các loại. Đến nay, người dân đã xuống giống được 1.980 ha, đạt 45,78%. Trong đó, lúa nước 2 vụ gieo sạ được 387/487 ha (đạt 79,47%); bắp 95/195 ha (đạt 48,72%); mì 820/1.650 ha (đạt 49,7%); đậu các loại 50/64 ha (đạt 78,13%); rau các loại 320/955 ha (đạt 33,51%); mía trồng mới 110/500 ha (đạt 22%); đậu phộng 5/15 ha (đạt 33,33%); cây hàng năm khác 175/290 ha (đạt 60,34%); cây ăn quả, cây dược liệu 18/151 ha (đạt 11,92%).
Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 ở thị xã An Khê chậm hơn 1 tháng so với mọi năm. Ảnh: Hồng Thi
Tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 ở thị xã An Khê chậm hơn 1 tháng so với mọi năm. Ảnh: Hồng Thi
Xã Cửu An là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng lúa nước lớn của thị xã. Theo kế hoạch vụ Đông Xuân năm nay, xã sẽ gieo trồng 513 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa nước 145 ha, còn lại là các loại cây trồng khác như: bắp, mì, rau xanh, mía, cây ăn quả… Ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho biết: Thực hiện kế hoạch được giao, UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động nguồn nước tưới để sản xuất vụ Đông Xuân. Riêng cây lúa, vào cuối tháng 10 Âm lịch, bà con bắt đầu gieo sạ đợt 1. Thời điểm sau đó mưa kéo dài khiến khoảng 10 ha lúa bị thối hoặc trôi giống nên người dân phải sạ lại. Giữa tháng 11 Âm lịch, thời tiết ổn định trở lại, nông dân mới sạ đại trà và đến nay đã hoàn thành 100% kế hoạch.
Đang cặm cụi dặm gốc từng cây mạ non trên ruộng lúa mới sạ, bà Nguyễn Thị Bích Sơn (tổ dân phố 2, phường An Phú) chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 sào đất ruộng tại cánh đồng Công Điền thuộc phường An Tân. Vụ mùa vừa rồi hạn quá, lúa cháy hết, không thu hoạch được. Năm nay ai cũng sản xuất muộn hơn mọi năm gần 1 tháng vì phải chờ trời mưa mới có nước gieo sạ. Sau 20 ngày, lúa đã bén rễ nên tôi tách mạ dặm lại mấy chỗ gieo thưa. Mùa này, tôi trồng thử nghiệm 2 giống lúa Thơm rằn và Đài thơm, hy vọng mưa thuận gió hòa để lúa đạt năng suất cao”. Ngoài trồng lúa, gia đình bà Sơn cũng vừa xuống giống các loại rau quả như: đậu cô ve, dưa leo, khổ qua, bắp cải… để chuẩn bị bán Tết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải (tổ dân phố 6, phường An Bình) cũng đang chăm chút tưới nước, bón phân cho những luống rau ngò mới trồng. Gần 15 năm gắn bó với cây rau, ông Hải cho rằng dù giá cả đang rất khả quan nhưng thời tiết vụ Đông Xuân lại khá bất lợi để rau phát triển. Nếu mấy cơn mưa muộn gần đây giúp cây lúa, mì, mía… sinh trưởng tốt thì lại khiến phần lớn rau màu bị ngập, úng rễ. Mặt khác, mưa cũng làm cho đất ngậm nước, không thể xuống giống. “Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng sản xuất, lựa chọn những giống cây ưa nước để trồng, tạo nguồn thu nhập cho gia đình”-ông Hải nói.
 Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.