An Khê dồn sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền đề ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng NTM nâng cao.

 Làm đường giao thông nông thôn ở thị xã An Khê. Ảnh: Gia Hưng
Làm đường giao thông nông thôn ở thị xã An Khê. Ảnh: Gia Hưng

Cuối năm 2016, xã Cửu An được công nhận đạt chuẩn NTM. Đầu năm 2020, xã Cửu An tiếp tục đăng ký triển khai xây dựng NTM nâng cao. Qua rà soát, địa phương còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: môi trường và an toàn thực phẩm; trường học; tỷ lệ lao động qua đào tạo; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; nhà ở dân cư.

Ông Đinh Trạm-Trưởng thôn An Bình (xã Cửu An) cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của UBND xã, Ban Nhân dân thôn đã vận động người dân đóng góp kinh phí làm được 1,2 km đường giao thông nội đồng (Nhà nước hỗ trợ 570 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 64 triệu đồng). Ngoài ra, chúng tôi đã vận động người dân đóng góp 40 triệu đồng để lắp hệ thống điện chiếu sáng và tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm và làm con đường hoa để tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.

Theo bà Nguyễn Thị Phúc-quyền Chủ tịch UBND xã Cửu An: Xã tập trung giữ vững các tiêu chí đã đạt và xây dựng kế hoạch cụ thể từng phần việc để nâng cao các tiêu chí. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vận động các hộ dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước đối với các diện tích rau màu, cây ăn quả và đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Đồng thời, xã triển khai dự án “Xây dựng mô hình liên kết trồng và tiêu thụ bưởi da xanh” với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ 4 con bò giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; sửa chữa 2 nhà ở, xây dựng mới 2 căn nhà cho hộ nghèo. “Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, xã mới đạt được 18/19 tiêu chí NTM nâng cao. Do đó, chúng tôi phấn đấu năm 2021 sẽ hoàn thành tiêu chí còn lại”-bà Phúc thông tin.

Tương tự, xã Thành An cũng đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2020. Đến nay còn tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật chưa đạt. Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh-quyền Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Đối với những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư, chúng tôi huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao được thu nhập để huy động sự đóng góp của người dân trong xây dựng NTM. Do đó, trong năm 2020, UBND xã định hướng cho người dân chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng, cây ăn quả, ớt và liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm”.

Người dân thị xã An Khê thu hoạch rau. Ảnh: Gia Hưng
Người dân thị xã An Khê thu hoạch rau. Ảnh: Gia Hưng


Ngoài 2 xã nói trên, năm 2021, thị xã An Khê tiếp tục đăng ký và phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đó là Song An và Xuân An. Đến nay, 2 xã này đã đạt được 14/19 tiêu chí. Ông Khưu Doãn Huân-Chủ tịch UBND xã Song An-cho hay: Trong năm 2021, xã tập trung khai thác các nguồn lực sẵn có và huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi và đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng.

“Xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã liên kết với người dân trong sản xuất. Đồng thời, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, vận động Nhân dân thu gom rác thải, sử dụng nước máy và hướng dẫn các hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường; hộ gia đình xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng của cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã”-ông Huân nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Năm 2021, mục tiêu phấn đấu có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là nhiệm vụ khá nặng nề. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND thị xã yêu cầu các xã tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phát huy sự chủ động của Nhân dân trong xây dựng NTM. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển sản xuất. Phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm đối với Ban Chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

 

GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 8 doanh nghiệp tham gia Vietnam Foodexpo 2024

Gia Lai có 8 doanh nghiệp tham gia Vietnam Foodexpo 2024

(GLO)- Nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Gia Lai) đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2024 (Vietnam Foodexpo 2024).

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

Gia Lai: Lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

(GLO)- Sở Tài chính tỉnh Gia Lai vừa có văn bản về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định quy định mức nộp tiền khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam nhập khẩu 143.084 xe ô tô trong 10 tháng

Việt Nam nhập khẩu 143.084 xe ô tô trong 10 tháng

(GLO)- Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10-2024, Việt Nam đã nhập khẩu 18.101 xe ô tô các loại, trị giá 374 triệu USD (tăng 88,3% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.