Ia Pa: Khởi sắc từ chương trình nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng cao.
Nông thôn "khoác áo mới"
Về Ia Ma Rơn hôm nay, đi trên những con đường liên thôn, liên xã được mở rộng, bê tông hóa mới cảm nhận rõ nét sự tươi mới, đổi thay của một xã vừa “cán đích” NTM. Với xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nổi bật là kinh tế địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, sản xuất nông nghiệp dần theo hướng hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa.
Người dân thôn Bi Gia hăng say sản xuất. Ảnh: Vũ Chi
Người dân xã Pờ Tó phơi lúa sau vụ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi
Ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Hiện nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Ngay từ khi triển khai thực hiện, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền người dân hiểu đúng, hiểu đủ về chương trình xây dựng NTM để chung sức, đồng lòng cùng chính quyền hoàn thành các tiêu chí, không thụ động trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Xác định tiêu chí nào thuận lợi, xã cho triển khai thực hiện trước, tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường”.
Hiểu rõ được giá trị của xây dựng NTM, người dân đã góp sức xây dựng làng quê, nhất là chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu là sự ra đời của Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn) với 10 thành viên. Anh Nguyễn Tấn Minh-hội viên tổ hội-cho hay: “Gia đình tôi có 3 sào trồng nấm, mỗi ngày thu hoạch khoảng 50 kg nấm. Nếu trừ chi phí thì tôi có lời hơn 100 triệu đồng/năm. Tôi tham gia tổ hội để học hỏi thêm kinh nghiệm và hướng đến xây dựng thương hiệu nấm sạch”.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Ia Ma Rơn đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như: mô hình “3 tăng, 3 giảm’; mô hình nuôi heo địa phương; mô hình trồng lúa lai; mô hình trồng đậu xanh Đx208; mô hình trồng mì giống cao sản KM419. Ngoài ra, các mô hình trồng mì, trồng lúa quy mô cánh đồng lớn do Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa thực hiện và các mô hình của Chương trình giảm nghèo khu vực Tây Nguyên thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Là một trong số hơn 200 hộ tham gia cánh đồng lúa lớn một giống trong vụ mùa vừa qua, anh Siu Be (trú  tại thôn H’Lin, xã Ia Ma Rơn) vui mừng chia sẻ: “Khi biết xã liên kết với Công ty Giống cây trồng Thành Lợi (tỉnh Bình Định) để cung ứng giống lúa MT10 cho bà con triển trồng hơn 80 ha, mình đã đăng ký 5 sào. Với năng suất bình quân trên 8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, gia đình mình lãi khoảng 15 triệu đồng/ha”.
 Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật gieo cây giống trong nhà màng. Ảnh: Vũ Chi
Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trồng rau trong nhà màng. Ảnh: Vũ Chi
Đi đôi với phát triển kinh tế, xã Ia Ma Rơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường, bởi đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất tại các xã vùng sâu. Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên xuống các thôn, làng vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đoàn Thanh niên duy trì hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” phát quang bụi rậm, vệ sinh đường làng ngõ xóm… Nhờ vậy, 70% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch. 86,3% số hộ di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở. Các điểm nóng về rác thải trên địa bàn không còn, thay vào đó là các con đường hoa, hàng rào xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
Trong năm 2020, chính quyền xã Ia Ma Rơn đã tranh thủ các nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 13 hộ nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 4,06%. Chị Nay H’Tuy (buôn Ma Rin 2) thuộc diện hộ nghèo của xã Ia Ma Rơn. Chồng bỏ đi, một mình chị gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, lại đau ốm liên miên nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Tháng 7-2020, chị được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng căn nhà mới khang trang. “Có nhà mới để ở rồi, mẹ con mình mừng lắm. Cuối năm nay, mình đã xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ cho người khác”-chị H’Tuy vui mừng cho hay.
Vui mừng trước sự đổi thay của buôn làng từ chương trình xây dựng NTM, anh Rah Lan Luik (thôn H’Lin) phấn khởi: “Buôn làng giờ đây khang trang hơn trước rất nhiều. Các tuyến đường đều được bê tông hóa, đi lại sạch sẽ. Người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn nữa nên vệ sinh được đảm bảo. Bà con ai cũng vui mừng phấn khởi, tăng gia sản xuất”.
Đẩy mạnh xây dựng NTM trên toàn huyện
Tính đến cuối năm 2020, huyện Ia Pa có xã Ia Tul và xã Ia Ma Rơn đạt 19/19 tiêu chí NTM; xã Kim Tân, Chư Răng đạt 14 tiêu chí; xã Chư Mố, Ia Broăi và Pờ Tó đạt 13 tiêu chí; xã Ia Trok và Ia Kdăm đạt 12 tiêu chí. Riêng 8 thôn, làng đăng ký xây dựng NTM thì có thôn Bi Giông (xã Pờ Tó) đạt 17/19 tiêu chí; thôn Pleidu (xã Chư Răng) đạt 14/19 tiêu chí; thôn Blôm (xã Kim Tân) đạt 15/19 tiêu chí; thôn Ma Rin 3 (xã Ia Ma Rơn) đạt 19/19 tiêu chí; buôn Tham (xã Ia Trok) đạt 12/19 tiêu chí; buôn Ia Rniu (xã Ia Broăi) đạt 14/19 tiêu chí; buôn Plei Apa Ama H’Lăk (xã Chư Mố) đạt 15/19 tiêu chí; buôn Plei Toan (xã Ia Kdăm) đạt 11/19 tiêu chí.
Khu tái định cư thôn Blôm (xã Kim Tân) với diện mạo mới khang trang. Ảnh: Vũ Chi
Khu tái định cư thôn Blôm (xã Kim Tân) với diện mạo mới khang trang. Ảnh: Vũ Chi
Theo ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thì tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện năm 2020 là hơn 61, 2 tỷ đồng. “Hiệu quả từ chương trình xây dựng NTM thể hiện rõ nhất ở sự đồng thuận của người dân, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nâng cao năng suất lao động. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Các tiêu chí xây dựng NTM đang dần hoàn thiện. Diện mạo NTM các xã có sự chuyển biến rõ rệt”-ông Tuấn cho biết.
Dấu ấn từ chương trình xây dựng NTM có thể kể đến thành công trong việc xây dựng khu tái định cư cho 54 hộ tại thôn Bi Gia (xã Pờ Tó) và 133 hộ tại thôn Blôm (xã Kim Tân). Nhằm giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, mỗi hộ dân ở thôn Bi Gia được cấp 450 m2, ở thôn Blôm là 300 m2 gồm đất ở và đất vườn để canh tác. Hiện nay, tất cả các tuyến đường nội thôn tại 2 khu tái định cư đều đã được bê tông hóa, hệ thống cấp nước tập trung và đường điện thắp sáng cũng đang dần hoàn thành. Riêng trục đường chính qua thôn Blôm được trải nhựa, tạo nên bộ mặt mới khang trang.
Anh Đinh Sar (thôn Bi Gia) bộc bạch: “Trước đây, cả gia đình mình sống trên núi. Giờ được chính quyền địa phương hỗ trợ về nơi ở mới, có điện, nước đầy đủ, bà con quây quần, mình mừng lắm. Gia đình mình cũng được hỗ trợ 2 con dê giống trị giá 4 triệu đồng để tăng gia sản xuất. Vợ chống mình cùng bảo ban nhau cố gắng làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.
Còn chị Rmah H’Liêm (thôn Blôm) cũng phấn khởi nói: “Cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho gia đình mình về nơi ở mới rộng rãi, thoáng đãng. Giờ có nhà cửa khang trang rồi, vợ chồng mình sẽ tập trung phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái”.
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây, con chủ lực theo hướng chuyển từ lượng sang chất, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Quy hoạch các vùng sản xuất các loại cây trồng để kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện ước đạt 35 triệu đồng/năm. 3/9 xã đạt tiêu chí về thu nhập gồm Pờ Tó, Ia Tul và Ia Ma Rơn. Hiện xã Ia Tul đã được công nhân xã đạt chuẩn NTM, xã Ia Ma Rơn đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ để các cấp công nhận. Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện hoàn thành NTM tại 3 xã Kim Tân, Ia Trok, Chư Mố và phấn đấu thêm xã Chư Răng đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong thời gian tới, các thành viên Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện, các phòng ban, đơn vị được phân công phụ trách tiêu chí, phụ trách xã chủ động, tích cực đi cơ sở kiểm tra, giám sát, có biện pháp chỉ đạo, giúp cơ sở khắc phục những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn và đa dạng hóa viêc huy động nguồn lực, nhất là trong nhân dân, nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn. Đảm bảo tính công khai, minh bạch, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra”.
THIÊN DI-VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.