Bấy giờ, từ xã Đăk Rong đến Kon Pne chưa có đường ô tô. Không những vậy, trận mưa lớn cách đó mấy ngày đã cuốn trôi mất cây cầu, chúng tôi đành phải lội bộ xuyên rừng bằng con đường vòng. Chẳng biết lơ đễnh thế nào, người dẫn đường lại đưa chúng tôi... đi lạc.
Mưa tầm tã. Trời đã nhập nhoạng tối mà cả đoàn vẫn loay hoay giữa rừng. Đói, mệt và hơn cả là khát. Cổ họng rát khô, lưỡi dẻo quánh, ai cũng nghểnh cổ ngóng xem có dấu hiệu nào của tiếng suối chảy hay không…
Đang cố lê từng bước một, tôi chợt nghe tiếng ai reo to: “Anh em ơi, có cam giải khát đây rồi!”. Cố mở cặp mắt như đang phủ màn sương mỏng ra nhìn, quả là người dẫn đường đang cầm trong tay 1 quả cam thật. Tôi hăm hở đón lấy một múi từ tay anh cho vào miệng. Một vị chua tái tê đầu chót lưỡi khiến tôi bất chợt rùng mình. Người dẫn đường cười nói: “Cam vừa hái trong rừng. Cam của nhà Tây Sơn trồng đấy. Tôi nghe đồng bào nói vậy”.
Lại có người quả quyết rằng, từng có một vườn cam Tây Sơn cạnh suối Tơ Tung (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Ảnh minh họa: Ngọc Minh |
Óc bừng sáng bởi sự tò mò, tôi rẽ cây bước theo hướng tay anh chỉ. Cách lối đi một quãng ngắn, những quả cam rừng chín rụng vàng ối dưới đất. Ngước mắt nhìn lên, phải khó khăn lắm tôi mới định dạng được mấy chùm lá gầy gò đan trong những tán lá cây rừng. Nhìn những gốc cam to như cây cột nhà, rêu bám đen kịn, tôi đoán đây chỉ có thể là “cháu chắt” mọc lên từ hạt của những cây “cam tổ” ngày xưa.
Nhiều tài liệu lịch sử đã ghi nhận: Để chuẩn bị khởi nghĩa, ba anh em nhà Tây Sơn đã chọn vùng đất An Khê-Kbang ngày nay để luyện binh, sản xuất lương thực. Di tích Cánh đồng Cô Hầu (làng Quao, xã Nghĩa An, huyện Kbang) là một minh chứng. Và không chỉ sản xuất lương thực, nghĩa quân Tây Sơn còn trồng nhiều cây ăn quả như chuối, cam, mít.
Ngoài vườn mít ở cánh đồng Cô Hầu, người ta còn nói đến vườn cam. Có tài liệu gọi là “Vườn cam Bùi Thị Xuân”; có tài liệu thì ghi là “Vườn cam Nguyễn Huệ”. Vườn mít Cô Hầu ở xã Nghĩa An thì còn đậm đặc chứng tích, được công nhận là di tích lịch sử. Vậy vườn cam liệu có thật hay chỉ là giai thoại lịch sử và vị trí của chúng ở đâu?
Để trả lời câu hỏi này, một số nhà nghiên cứu đã tiến hành điền dã để xác thực. Tuy nhiên, ngoài vườn cam mang tên Nguyễn Huệ ở làng K2 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) còn chứng tích và được công nhận di tích lịch sử từ năm 1995 thì ở khu vực Tây Sơn Thượng đạo, vườn cam Tây Sơn chỉ còn trong tâm tưởng. Đồng thời, vị trí của nó cũng có thể nghe thấy ở nhiều nơi.
Chẳng hạn, đồng bào Bahnar ở xã Nghĩa An cho rằng từng có một vườn cam của bok Nhạc (Nguyễn Nhạc) trồng, cách vườn mít Cô Hầu không xa; cho đến tận những ngày sau năm 1975 hãy còn dấu tích. Lại có người quả quyết rằng, từng có một vườn cam Tây Sơn cạnh suối Tơ Tung (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Những năm chống Mỹ, nhiều người từng qua nơi này hái cam ăn. Một số cựu chiến binh Đoàn 332 cũng kể rằng: Trong những chuyến khảo sát, họ nhiều lần bắt gặp những cây cam rừng và nghĩ đó là cam của nhà Tây Sơn.
Những “tư liệu truyền khẩu” này cho thấy, những vườn cam Tây Sơn ở Thượng đạo là có thật. Tuy nhiên, chúng không trồng tại một địa điểm như vườn mít Cô Hầu mà rải rác ở nhiều nơi. Và như vậy, ta cũng có thể phỏng đoán rằng quy mô của vườn không lớn. Điều này cũng dễ hiểu bởi cam không phải là thức dùng để thay thế lương thực, thực phẩm mà chỉ là thứ quả để bồi dưỡng, giải khát. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của chúng ở một địa bàn rộng như vậy đã cho thấy quy mô sản xuất của nghĩa quân Tây Sơn ở Thượng đạo. Đó không chỉ là một vùng nhỏ hẹp 20 ha của cánh đồng Cô Hầu mà phạm vi có thể đến tận các xã Đăk Rong, Sơn Lang hiện nay.
Theo 2 tác giả Quách Tấn và Quách Giao trong cuốn “Nhà Tây Sơn” thì để chuẩn bị cho khởi binh, việc sản xuất lương thực đã được Nguyễn Nhạc rất chú trọng. Riêng khu vực cánh đồng Cô Hầu đã có hàng ngàn mẫu. Chỉ cần suy luận đơn giản rằng hàng vạn con người, nếu chỉ với một cánh đồng vài chục mẫu thì làm sao đủ ăn, chưa nói đến yêu cầu tích trữ…
Từ nhu cầu quân lương cho một cuộc nổi dậy, Tây Sơn đã mang lên vùng đất này cả thành tựu kỹ thuật trồng trọt của người Việt cùng tất cả giống cây trồng, công cụ sản xuất, vật dụng đời sống cho đồng bào Bahnar như ta thấy ngày nay.
Đã gần 30 năm trôi qua sau chuyến đi đáng nhớ ấy. Tuy nhiên, dường như vẫn còn vị chua trong tâm tưởng của tôi với một niềm tin đích thực rằng mình đã được nếm những quả cam của người Anh hùng áo vải cờ đào.