Kiến trúc độc đáo
Miếu An Tân được xây dựng trên gò đất cao, giữa khu dân cư đông đúc với đường sá tấp nập người qua lại. Theo hồ sơ khoa học, miếu An Tân là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của vạn (xóm) An Tân, thuộc thôn An Khê xưa. Dựa vào kiến trúc hiện có, các nhà khoa học nhận định miếu được xây dựng kiên cố lần đầu vào khoảng thập niên 1920-1930. Trải qua trăm năm với biết bao thăng trầm lịch sử nhưng miếu An Tân vẫn giữ được kiến trúc truyền thống độc đáo.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết: Tại An Khê nói riêng cũng như Gia Lai nói chung, việc một kiến trúc tín ngưỡng cộng đồng còn giữ được tương đối toàn vẹn gồm nhà ngõ, bình phong, trụ biểu, chánh điện, tường bao như miếu An Tân là rất hiếm.
Từ ngoài đi vào bước qua nhà ngõ sẽ tới sân miếu. Nhà ngõ xây kiên cố, trang trí cổ lầu tinh tế. Đỉnh mái thượng nhà ngõ đắp đôi phượng chầu nguyệt khác với đa số đình, miếu trên địa bàn là lưỡng long tranh châu. Tường bao xây cao hơn 1 m phủ rêu phong cùng nhà ngõ uy nghi bảo vệ càng làm cho miếu cổ thêm tôn kính, trang nghiêm.
Đặc sắc nhất ở miếu An Tân, là bình phong và 2 trụ biểu chất liệu vôi vữa. Bức bình phong đắp phù điêu long mã ở mặt trước và linh quy ở mặt sau, đây cũng là đồ án trang trí khá phổ biến trên bình phong cổ xưa tại An Khê. Đôi trụ biểu kết cấu cột vuông, trên đầu gắn lân chầu, có câu đối bằng mảnh sành cổ, nét chữ thể hiện sự điêu luyện tài hoa của người thợ xưa.

Không gian điện thờ xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Kinh với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” còn gọi là “xà chồng mái chồng”-nhà kép 2 mái trên một nền, nhà trước và nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới có máng thừa lưu nối 2 mái nhà.
“Nhà trước là tiền đường, nhà sau là hậu tẩm, nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy rất rõ đặc điểm kiến trúc này tại miếu. Kiểu kiến trúc này khá hiếm, ngoài miếu An Tân, chúng tôi chỉ còn thấy ở miếu Thanh Minh trên địa bàn phường”-Tiến sĩ Sơn thông tin.
Chung tay bảo tồn miếu cổ
Miếu An Tân được dân gian gọi là miếu Bà và chánh điện được người địa phương gọi là điện Bà. “Bà” ở đây chính là bà Thiên Y A Na. Đây là vị nữ thần gốc Chăm hoặc có thể hiểu rộng hơn là vị thần tượng trưng cho những dân tộc khác đã có công lao khai khẩn mở mang đất đai.
Ngoài ra, miếu còn thờ Thành hoàng, Thần núi, Bạch Mã thái giám, Sơn quân, Chúa Ngung man nương... Hàng năm, tại miếu diễn ra lễ cúng Khai sơn vào mùng 10 tháng Giêng cầu mùa màng tươi tốt bội thu và cúng Quý Xuân 17-2 (âm lịch) cầu quốc thái dân an. Đây là 2 nghi lễ lớn, quan trọng tại miếu.
Ông Tô Văn Hòa-Tư biên (ghi chép sổ sách), Ban nghi lễ miếu An Tân-chia sẻ: Năm 2023, miếu được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2024, ban nghi lễ được hỗ trợ 12 triệu đồng phục vụ các hoạt động của miếu.
“Trước đây, mỗi lần cúng lễ, người dân thường đóng góp kinh phí để mua lễ vật, tạ ơn các vị thần linh đã che chở, bảo vệ xóm làng và hỗ trợ tiền tu sửa nhỏ trong điện thờ, nhà tiền nhơn”-ông Hòa bày tỏ.

Theo ông Đặng Thế Khương-Trưởng ban nghi lễ miếu An Tân, lần gần đây nhất đại trùng tu miếu vào năm 1970. Đến năm 2014, ông vận động các nhà hảo tâm và người dân đóng góp được hơn 100 triệu đồng để ban nghi lễ tiến hành lát gạch men khu vực nhà thờ, thảm bê tông khoảnh sân trước miếu, sửa chữa nhà bếp, nhà tiền nhơn.
Tuy nhiên, riêng khu chánh điện, từ ngày đại trùng tu đến nay đã 55 năm, nhiều rui kèo, đòn tay, cột chống bị mối mọt ăn mục ruỗng. Hệ thống cửa từ trong nhà ra ngoài ngõ đều hư hỏng nặng. Phần mái kết nối giữa nhà tiền đường và hậu tẩm bị thấm nước, mỗi khi mưa gió lại dột ướt khắp nơi, gây thấm nước, ẩm mốc khu thờ cúng, càng làm cho công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng nặng.
“Miếu đã là di tích cấp tỉnh nên chúng tôi không thể tùy tiện sửa chữa, chỉ mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm sớm trùng tu, bảo tồn di tích đáp ứng hoạt động tín ngưỡng của người dân”-ông Khương kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Quyên-Trưởng phòng Văn hoá-Xã hội phường An Khê-cho biết: “Miếu An Tân là di tích lịch sử cấp tỉnh. Trước đây, UBND tỉnh Gia Lai giao thị xã An Khê (cũ) khảo sát, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích. Trên cơ sở đó, phòng sẽ tham mưu UBND phường, khi có kinh phí sẽ phối hợp với cơ quan chuyên trách tiến hành sửa chữa, đảm bảo tính nguyên vẹn của miếu cổ”.