Ông từ cứu sống cây đa cổ thụ ở An Khê đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vô tình bị lửa “thiêu”, cây đa cổ thụ phía sau An Khê đình (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, phường An Khê) suy yếu dần, có nguy cơ bị chết. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Ngô Văn Đường-Câu đình (người trông giữ, hương khói đình làng) đã cứu sống cây đa này.

Cây đa cổ thụ đứng trên gò đất cao vững chãi, xòe tán rộng che bóng mát cho ngôi đình cổ. Theo các bậc cao niên, cây đa có từ thời tạo dựng đình An Lũy (An Khê đình) vào những năm cuối thế kỷ XVIII.

img-6867.jpg
Cây đa cổ thụ ngay sau An Khê đình trong khu di tích Tây Sơn Thượng đạo được cứu sống, phát triển xanh tốt. Ảnh: Ngọc Minh

Hàng trăm năm qua, cây đa gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển ngôi đình cổ và trở thành hình ảnh quen thuộc trong lòng người dân cũng như bao thế hệ người trông nom, bảo vệ đình làng.

Ông Ngô Văn Đường (SN 1963) cho biết: Từ nhỏ, ông thường theo ông nội vào hương khói đình làng đã thấy “cụ đa” có thân hình xù xì to lớn hơn chục người ôm và hàng trăm tua rễ dài nứt từ thân, nhánh rũ xuống như bộ râu dài chắc, khỏe.

Trải qua tháng năm, dẫu có bao lần bị dông lốc, gió mạnh bẻ gãy cành, đứt ngọn, nấm mối tấn công làm thân mục ruỗng nhưng cành lá vẫn sum suê xanh tốt, lặng lẽ dõi theo những biến thiên của thời cuộc.

Trước đây, một vài người thắp nhang và lén lút vứt bỏ trang thờ, tượng thần tài thổ địa xung quanh gốc cây làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu di tích. “Tôi và các cụ trong ban nghi lễ đã nhiều lần nhắc nhở, đồng thời dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ nhưng tình trạng vứt bỏ đồ thờ, thắp nhang dưới gốc đa vẫn diễn ra”-ông Đường bức xúc nói.

img-6878.jpg
Vụ hỏa hoạn khiến 2/3 gốc đa cổ thụ bị cháy đen. Ảnh: Ngọc Minh

Chiều tối 29 Tết Nhâm Dần-2022, khi nhà nhà, người người tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón giao thừa thì tại gốc đa già bỗng ngọn lửa bốc cháy dữ dội. Người dân quanh đình gọi điện cho lực lượng chức năng và Ban nghi lễ đình An Khê.

Ông Trần Quang Khánh-Phó Trưởng ban Nghi lễ đình An Khê-nhớ lại: Nghe tin cây đa bị cháy, ông bỏ việc nhà, tức tốc chạy tới cùng với các thành viên kéo ống phun nước dập lửa. Chỉ ít phút sau, Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực An Khê đã điều động 2 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường khống chế đám cháy, không để cháy lan ảnh hưởng đến ngôi đình cổ.

Cũng theo ông Khánh, sau nhiều năm, cành lá khô đã kết thành lớp mùn dày đặc, cộng với khối lượng gỗ mục trong gốc đa lớn nên khi gặp lửa đã bùng cháy dữ dội, đồng thời tạo ra than củi cháy âm ỉ phía dưới. Vì thế, đến mùng 4 Tết, lửa lại bốc cháy nghi ngút, mọi người phải nhờ lực lượng phòng cháy chữa cháy đến mới dập tắt được đám cháy.

“Không để ngọn lửa bùng phát trở lại, chúng tôi đã kéo ống, bơm tưới vào gốc cây hàng chục khối nước để dập tắt hoàn toàn đám cháy”-ông Khánh chia sẻ.

img-6858.jpg
Ảnh hưởng từ vụ cháy, nhiều rễ đa bị thối mục. Ảnh: Ngọc Minh

Vụ hỏa hoạn khiến 2/3 gốc cây bị cháy đen ám khói, thân rễ bong, héo, cây đa già rơi vào trạng thái suy kiệt, từng chiếc lá héo úa rơi rụng, cánh nhánh tả tơi, trơ trụi. Lo lắng “cụ đa” bị chết, ông Đường đã cuốc đất đắp thành bờ bao quanh phía gốc đa không bị cháy để giữ nước tăng độ ẩm mát cho cây.

Vào mùa nắng nóng, ông tưới nước 2 lần/ngày. Không chỉ tưới nước vào thân cây, ông còn tưới vào bộ rễ nhỏ buông thõng trên cành cao sót lại sau trận hỏa hoạn. Ông cũng bỏ tiền mua thuốc kích thích mọc rễ, mua phân bón, tưới tắm bổ sung chất dinh dưỡng cho cây mau bình phục. Gần 1 năm sau, trên lớp vỏ nâu xù xì, từng chồi non nhú ra, cây đa cổ thụ được hồi sinh.

"Thấy cây phát triển, tôi mừng lắm. Tôi tiếp tục chăm nom, phát dọn cỏ cho cây. Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ sự tự nguyện, tinh thần trách nhiệm của người câu đình và tiếp nối truyền thống cha ông chăm nom đình làng thật tốt”-ông Đường bộc bạch.

img-6888.jpg
Ông Trần Ngọc Hỷ-Trưởng ban Nghi lễ đình An Khê trồng cây sanh vào hốc đa sau vụ cháy. Ảnh: Ngọc Minh

Dưới cội đa sừng sững, uy nghi tỏa bóng mát, ông Trần Ngọc Hỷ-Trưởng ban Nghi lễ đình An Khê-cho hay: Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, các thành viên Ban Nghi lễ đình đều có tình thần trách nhiệm cao trong việc trông nom, gìn giữ công trình, thiết chế văn hóa, tín ngưỡng tại khu di tích. Không chỉ có công cứu sống cây đa cổ thụ, bao năm qua, ông Đường đã chăm nom hương khói đình làng và tự nguyện ươm trồng nhiều cây xanh.

“Chúng tôi mang một số chậu hoa, cây cảnh của gia đình trồng vào phần gốc đa bị cháy và trưng bày không gian đình làng thêm xanh, rực rỡ sắc màu. Dưới sự chăm sóc tận tình của ông Đường cũng như các thành viên, chỉ vài năm nữa, cội đa sẽ phát triển mạnh mẽ”-ông Hỷ phấn chấn thông tin.

img-6894.jpg
Cây đa cổ thụ tiếp tục che bóng mát cho đình làng. Ảnh: Ngọc Minh

Từ xa, ngọn đa vươn cao hòa cùng màu xanh của cây cối, hàng cau, giàn trầu, tạo không gian trang nghiêm, tĩnh mịch, cổ kính cho ngôi đình cổ và khu di tích.

Có thể bạn quan tâm

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null