
Ông Trần Ngọc Phận-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho biết: Với đặc thù là xã biên giới giáp Campuchia, Ia Dom không phải thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, khối lượng công việc nhiều nên để triển khai chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu quả ngay từ đầu, Đảng ủy xã đã khẩn trương họp bàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, nhằm bảo đảm bộ máy vận hành trôi chảy.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước cùng tinh thần hết lòng vì nhiệm vụ, các cán bộ của xã đã thực hiện tốt công việc, không để bị gián đoạn. Ông Siu Thin (làng Mook Đen 1) chia sẻ: “Tôi đến làm thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất. Tại đây, tôi được các cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo. Thời gian làm thủ tục cũng khá nhanh, không phải đi lại nhiều lần như trước, rất thuận tiện cho người dân”.

Theo ông Phận, Ia Dom là xã biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. Xã sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khi có tuyến quốc lộ 19 và quốc lộ 14C đi qua, là điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, dịch vụ.
Dân cư sinh sống tập trung ở khu trung tâm xã, dọc các trục đường liên thôn thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị của xã luôn ổn định, không có các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan và khiếu kiện đông người. Bà con nhân dân có truyền thống cách mạng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đất đai màu mỡ cũng là một lợi thế để xã Ia Dom phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Hiện tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã gần 11.120 ha; trong đó, đất trồng cây cao su, điều, cà phê, các loại cây ăn quả… khoảng 10.830 ha.

Đặc biệt, xã có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2045 với định hướng đầu tư, xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
Trong đó, khu phi thuế quan gồm các khu gia công, sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bày-triển lãm, giới thiệu sản phẩm; khu thuế quan bao gồm các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm logistics, tiếp vận…
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giữ vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa, du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây nối Việt Nam với Campuchia.
Ông Phận cho hay, xã đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa dữ liệu hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Xã Ia Dom có diện tích tự nhiên 14.562 ha và có 16,2 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri của Vương quốc Campuchia. Toàn xã hiện có 2.200 hộ dân với 8.686 nhân khẩu; trong đó, người dân tộc thiểu số là 691 hộ với 3.072 nhân khẩu, chia thành 7 thôn, làng. Đến cuối năm 2024, xã có 6/7 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau khi chính quyền 2 cấp đi vào ổn định, xã tiếp tục triển khai một số giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tập trung rà soát các hộ kinh doanh đủ điều kiện, đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp; phối hợp cơ quan thuế cơ sở rà soát các hộ kinh doanh thực hiện xuất hóa đơn điện tử khi bán hàng để chống thất thu thuế…
“Đặc biệt, xã chú trọng đúng mức trong việc phát huy lợi thế Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; đồng thời, đề nghị tỉnh sớm bàn giao diện tích đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng (khoảng 1.320 ha) để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế đất đai, chúng tôi sẽ tích cực kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, đưa các giống cây trồng năng suất cao thay diện tích cây trồng kém hiệu quả, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, tăng giá trị cây trồng”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom nhấn mạnh.