Hội quán bonsai Gia Lai: Nơi hội tụ và nuôi dưỡng đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với tiêu chí “Giao lưu-đoàn kết-phát triển”, Hội quán bonsai Gia Lai không chỉ kết nối những người có chung niềm đam mê cây cảnh mà còn là nơi hội tụ nhiều tác phẩm đặc sắc để mọi người cùng thưởng lãm.

Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, Hội quán bonsai Gia Lai đã trở thành sân chơi ý nghĩa, không chỉ thu hút nhiều người chơi bonsai đến giao lưu, chia sẻ tác phẩm mà còn trở thành điểm thưởng lãm nghệ thuật dành cho những ai yêu cái đẹp.

Xu hướng chơi bonsai cây lá kim được nhiều người ưa chuộng bởi có thể tạo ra những dáng, thế độc đáo. Ảnh: S.C

Xu hướng chơi bonsai cây lá kim được nhiều người ưa chuộng bởi có thể tạo ra những dáng, thế độc đáo. Ảnh: S.C

Là một người chơi bonsai nhiều năm, ông Võ Văn Hiền-Chủ quán cà phê Vườn Mai-chia sẻ: “Hội quán được xây dựng với tinh thần tự nguyện, bình đẳng. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần tại quán cà phê Vườn Mai (hẻm 230 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku). Tại buổi sinh hoạt, ai có cây dù là phôi, bán thành phẩm hay thành phẩm đều có thể đem tới để trưng bày hoặc tham khảo ý kiến mọi người về phương pháp nuôi trồng hay định hình cho tác phẩm của mình trong tương lai”. Thông qua hoạt động bình chọn tác phẩm, cây của thành viên nào có nhiều phiếu nhất sẽ giành được giải nhất tuần. Cuối năm sẽ có vòng chung kết đối với những cây đã đạt giải tuần, phần thưởng là hiện vật mang tính tượng trưng lưu niệm.

Những năm trước, người chơi bonsai tại TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung đa phần ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên. Hiện nay, thú chơi này đã thu hút được giới trẻ tham gia. Không chỉ phát triển về số lượng người chơi, mức độ đầu tư, quy mô bộ sưu tập mà chất lượng nghệ thuật bonsai ngày càng được đầu tư nâng cao, tiệm cận với xu hướng chung. Nghệ thuật bonsai hiện đại không chỉ đi theo phong cách truyền thống mà còn có thể kết hợp, đặt để trong nhiều môi trường, vật liệu như kết hợp cùng với gỗ, đá, hồ cá để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật.

Ông Trần Ngọc Sơn-Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bonsai Pleiku Phố-cho biết: “Tại TP. Pleiku có rất nhiều người đam mê chơi bonsai, sở hữu bộ sưu tập giá trị về nghệ thuật lẫn kinh tế. Tuy nhiên, phong trào chơi bonsai vẫn thiên về tính độc lập cá nhân. Do đó, khi Hội quán bonsai Gia Lai ra mắt đã nhanh chóng trở thành nơi hội tụ những người có chung sở thích. Ước tính có khoảng 30% anh em chơi bonsai tham gia sinh hoạt định kỳ tại đây hàng tuần”.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật bonsai là sự kết hợp từ các yếu tố cổ, kỳ, mỹ. Ảnh: S.C

Mỗi tác phẩm nghệ thuật bonsai là sự kết hợp từ các yếu tố cổ, kỳ, mỹ. Ảnh: S.C

Thông qua các buổi sinh hoạt, những người chơi bonsai không chỉ cập nhật thông tin, xu hướng nghệ thuật mà còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, tạo dáng để tác phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Trong số các dòng cây bonsai hiện nay, xu hướng chơi bonsai cây lá kim được nhiều người ưa chuộng bởi ý nghĩa phong thủy, mang lợi ích cho sức khỏe, tốt cho môi trường, dễ tạo hình, tạo dáng. Ông Lê Tự Dũng (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi chơi bonsai hơn 10 năm nay, đa phần tác phẩm thuộc dòng cây lá kim. Như cây thông đen Nhật Bản, tôi nuôi từ hồi nó là một cành nhỏ yếu ớt, không có nhiều không gian trưng bày nên tôi cho nó vào chậu nhỏ. Để có được hình dáng như bây giờ, tôi mất gần 10 năm chăm sóc. Bộ môn nghệ thuật này càng đi sâu càng thấy giá trị, đặc biệt là về mặt tinh thần, giúp tôi thư giãn, kiên nhẫn hơn. Nếu tâm trí không tập trung, không kiên nhẫn thì rất khó tạo ra một tác phẩm bonsai hội đủ các yếu tố về dáng, thế, có chiều sâu được”.

Mặc dù là người chơi bonsai trẻ tuổi, song anh Chu Đức Thành (tổ 5, phường Hội Phú, TP. Pleiku) không ngại nghiên cứu, học hỏi và đầu tư để có nhiều tác phẩm bonsai đặc sắc. Anh Thành chia sẻ: “Tôi đam mê cây cảnh từ nhỏ nhưng thực sự bước vào sân chơi này khoảng 7 năm nay. Tôi nhận thấy tại Pleiku có rất nhiều người đam mê chơi bonsai, chịu đầu tư công sức, tiền của để sở hữu những cây có giá trị độc đáo. Khi có Hội quán bonsai Gia Lai, những người chung niềm đam mê có một nơi để tập trung sinh hoạt hàng tuần đầy ý nghĩa. Không chỉ ngắm bonsai thư giãn tinh thần, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm để cùng hoàn thiện tác phẩm, góp phần thúc đẩy phong trào chơi bonsai ở Pleiku và Gia Lai ngày càng phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt.