Bảo tồn di tích lịch sử trong dòng chảy hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Di tích lịch sử được xem như “gạch nối” giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi di tích đều mang theo những câu chuyện lịch sử mà thế hệ tiền nhân đã trao truyền để người đời sau gìn giữ.

Chính vì ý nghĩa đó mà TP. Pleiku luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Những chứng tích lịch sử giữa lòng thành phố

Nhiều năm đã trôi qua, song mỗi lần đi ngang qua Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, ký ức về những năm tháng bị giam cầm tại đây lại ùa về trong tâm trí ông Trần Chín (tổ 6, phường Diên Hồng). Ông Chín hồi nhớ: Tháng 5-1969, ông bị địch vây bắt khi đang dạy học. 90 ngày kế tiếp, chúng nhốt ông trong xà lim ở trung tâm thẩm vấn và tra tấn, đánh đập rất dã man. Không khai thác được gì, chúng chuyển ông về giam tại phòng số 5-nơi giam giữ tù chính trị ở Nhà lao Pleiku. Phòng số 5 có 8 xà lim, riêng xà lim số 5 được chia nhỏ nên gọi là buồng chẹt. Bọn cai tù dùng buồng này để giam cầm những chiến sĩ cộng sản chúng cho là nguy hiểm. “Phòng giam thấp, chật hẹp lại bị ngăn làm 2 tầng nên anh em ở tầng dưới luôn trong tình trạng thiếu oxy. Mọi người thay phiên nhau thở qua 1 cái lỗ rất nhỏ nơi vách tường. Để có cái lỗ ấy, nhiều chiến sĩ đã phải đấu tranh rất quyết liệt. Rồi việc tiểu tiện ngay tại phòng giam trong chiếc thùng phuy khiến không khí càng thêm ngột ngạt”-ông Chín kể.

Đại biểu tham gia hội thảo khoa học về Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) chụp ảnh lưu niệm trước bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Ảnh: P.D

Đại biểu tham gia hội thảo khoa học về Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) chụp ảnh lưu niệm trước bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Ảnh: P.D

Suốt nửa thế kỷ tồn tại, Nhà lao Pleiku trở thành “địa ngục trần gian” đối với các tù binh cộng sản. Hôm nay, dẫu không còn nguyên vẹn song nơi đây vẫn lưu giữ nhiều dấu tích minh chứng rõ nét cho tội ác tàn độc của thực dân, đế quốc. Đó là dãy phòng giam chính, từ phòng số 1 đến phòng số 5; vách tường phòng giam nữ; giếng nước dùng để nấu ăn cho tù nhân. Ngoài ra, việc phục dựng một số hạng mục và xây dựng phòng trưng bày các hiện vật đã giúp khách tham quan hiểu hơn về những giá trị của lịch sử.

Ngoài Nhà lao Pleiku được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, trên địa bàn thành phố còn 6 di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng. Đó là Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ (di tích cấp quốc gia) và 5 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú; Di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào); Di tích cấp tỉnh Quảng trường Đại Đoàn Kết; Di tích lịch sử địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946; Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972).

Chia sẻ về việc Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, ông Trần Minh Sơn-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-cho biết: “Việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước, sự đấu tranh kiên trung, bất khuất của ông cha, từ đó hun đúc trong họ niềm tự hào dân tộc. Nơi đây có thời điểm đã giam giữ hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng. Có người bị tra tấn, đánh đập đến chết. Khi khai quật hố chôn tập thể, các lực lượng chuyên trách đã tìm thấy 240 hài cốt, cùng với đó là xích sắt, đinh... mà kẻ thù đã dùng để tra tấn các chiến sĩ cách mạng”.

Di tích giếng nước sinh hoạt của các tù nhân bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku. Ảnh: Phương Linh

Di tích giếng nước sinh hoạt của các tù nhân bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku. Ảnh: Phương Linh

Tương tự, Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú-nơi an nghỉ của hơn 200 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 cũng là “bằng chứng thép” tố cáo tội ác của Mỹ-ngụy. Đền được xây dựng năm 2004 và được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2007. Thay cha tiếp quản việc trông coi di tích từ đầu năm 2024 đến nay, anh Võ Phạm Xuân Nam (tổ 3, phường Hội Phú) bộc bạch: “Bản thân tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi ngày ngày được chăm sóc, quét dọn và thắp nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do”.

Gìn giữ, phát huy giá trị di tích

Quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa là việc mà nhiều năm qua TP. Pleiku luôn chú trọng triển khai thực hiện. Theo đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, có báo cáo kịp thời về tình trạng hoạt động, các sự cố xuống cấp... để có biện pháp xử lý kịp thời. Bà Đặng Thị Thúy Hằng-Cán bộ phụ trách Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku-cho biết: “Chúng tôi thường xuyên quét dọn và chăm sóc cảnh quan môi trường, đảm bảo khuôn viên nhà lao luôn sạch sẽ, thoáng mát. Các hiện vật cũng được lau chùi, bảo quản cẩn thận”. Cũng theo bà Hằng, Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku mở cửa tất cả các ngày trong tuần để phục vụ khách tham quan. Ngoài tham quan, tìm hiểu về di tích, nhiều cơ quan, đơn vị còn chọn nơi đây để tổ chức sinh hoạt chuyên đề; một số trường học còn tổ chức hoạt động ngoại khóa và kết nạp đoàn viên, đội viên.

Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân các liệt sĩ tại Di tích lịch sử Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Phương Dung

Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân các liệt sĩ tại Di tích lịch sử Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú. Ảnh: Phương Dung

Cùng với quản lý, thành phố còn quan tâm trùng tu, bảo dưỡng, thay mới các hạng mục đã xuống cấp tại các khu di tích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của di tích. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí để duy trì, phát huy giá trị các di tích. Cụ thể là tổ chức dâng hoa, dâng hương vào các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Tết Nguyên đán... tại Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, Di tích lịch sử Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú.

Đặc biệt, với việc gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thời gian qua, nhiều di tích lịch sử trên địa bàn thành phố đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghiên cứu. Thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận bằng việc ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá các di tích. Đơn cử, Thành Đoàn Pleiku đã số hóa dữ liệu Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, Di tích lịch sử Đền tưởng niệm mộ liệt sĩ Hội Phú, Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ và đang phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thành phố triển khai số hóa dữ liệu các điểm: Di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào); Di tích lịch sử địa điểm đón thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946; Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972).

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-thông tin: “Cùng với số hóa dữ liệu các di tích, tuổi trẻ thành phố còn tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh nhằm tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại các di tích. Hàng năm, Đoàn Thanh niên tổ chức hành trình về nguồn nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; khơi gợi niềm tự hào dân tộc để các bạn trẻ nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động sản xuất, chung tay xây dựng quê hương”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho rằng: Những di tích trên địa bàn thành phố đều phản ánh các giai đoạn lịch sử nhất định, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng. Những dấu tích, hiện vật, câu chuyện ở mỗi di tích là “bằng chứng sống” minh chứng cho tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các anh hùng, liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng và đồng bào các dân tộc; đồng thời, phản ánh những tội ác mà kẻ thù không thể chối cãi, từ đó góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Chính vì những ý nghĩa ấy, thành phố sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị của di tích trong dòng chảy cuộc sống hôm nay.

Có thể bạn quan tâm

Ia Nueng quyết tâm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng

Ia Nueng quyết tâm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng

(GLO)- Làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch khi ở cạnh thắng cảnh Biển Hồ. Làng còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai, hứa hẹn là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Nhịp sống mới Pleiku

Nhịp sống mới Pleiku

(GLO)- Lần nào đến Pleiku, tôi cũng đều cảm nhận thật rõ nét nhịp sống căng tràn cùng sự đổi thay, phát triển của thành phố cao nguyên này. Có lẽ vì thế mà phố núi Pleiku luôn níu giữ bước chân du khách với những kỷ niệm khó phai, để rồi khi rời xa vẫn mong thêm một lần trở lại.

Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại" năm 2024

Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại" năm 2024

(GLO)- Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người phố núi Pleiku, UBND thành phố phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức Cuộc thi viết về chủ đề “Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại” năm 2024 trên các ấn phẩm của Báo Gia Lai