Bảo tồn và khai thác di sản đô thị Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Di sản đô thị được hiểu là những công trình kiến trúc tạo thành một chỉnh thể hoặc một không gian thống nhất mang dấu ấn, phong cách của từng giai đoạn.

Kể từ khi hình thành (năm 1929) đến nay, những yếu tố cấu thành di sản đô thị Pleiku giúp cho chúng ta nhìn nhận dáng dấp, đặc trưng của di sản đô thị phố núi trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Hệ thống di sản đô thị ở Pleiku khá đa dạng với những yếu tố nội sinh và ngoại sinh thể hiện quá trình giao thoa sinh động giữa các vùng miền, tộc người và những nền văn hóa khác nhau qua các giai đoạn lịch sử. Mỗi loại hình di sản đều chứa đựng những giá trị riêng trong tổng hòa di sản văn hóa ở đô thị. Sự kết hợp các yếu tố môi trường, cảnh quan tự nhiên từ lâu vốn định hình nên không gian đô thị Pleiku như: núi Hàm Rồng, Biển Hồ, Công viên Diên Hồng, Quảng trường Đại Đoàn Kết… tạo nên những điểm nhấn quan trọng và tham gia đóng góp giá trị vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Nói đến Pleiku là nói đến đô thị của những con đường trập trùng sương giăng, những hàng cây trăm tuổi rợp bóng gắn liền với bao thế hệ. Khi viết về Pleiku, nhà thơ Vũ Hữu Định đã phác họa bằng những câu thơ trữ tình, thể hiện bản sắc riêng: “Phố núi cao phố núi đầy sương/Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Điều đó càng khẳng định di sản đô thị không chỉ chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, mà những yếu tố về môi trường, cảnh quan tự nhiên góp phần không nhỏ trong việc hình thành đặc trưng đô thị Pleiku.

Thắng cảnh Biển Hồ là một trong những di sản của đô thị Pleiku. Ảnh: Phạm Quý

Thắng cảnh Biển Hồ là một trong những di sản của đô thị Pleiku. Ảnh: Phạm Quý

Cách đây hàng ngàn năm, vùng đất Pleiku là nơi cư trú của lớp cư dân cổ xưa. Kết quả từ những cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ từ sau năm 1975 đến nay đã phát hiện nhiều di tích khảo cổ thời tiền sử, định danh nên nền văn hóa khảo cổ Biển Hồ thuộc thời đại hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí cách ngày nay khoảng 3.500-4.000 năm. Đến thế kỷ IX, Pleiku là vùng đất tập trung nhiều cư dân sinh sống, thực hành tín ngưỡng, trao đổi hàng hóa. Những dấu vết kiến trúc, di vật được phát hiện trong thời gian qua tại di tích An Phú là minh chứng cụ thể.

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng, di tích An Phú bên cạnh chức năng phục vụ tín ngưỡng, còn có thể là nơi trao đổi giao thương giữa cư dân miền xuôi với miền ngược. Nguồn tư liệu từ công tác khai quật khảo cổ học sẽ giúp cho các nhà quy hoạch, nhà bảo tồn học nghiên cứu, vận dụng và đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong không gian đô thị.

Pleiku là không gian sinh sống lâu đời của 2 dân tộc Bahnar và Jrai với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Những đặc điểm về lối sống sinh hoạt, tín ngưỡng, luật tục, nhà sàn, nhà rông hay không gian văn hóa cồng chiêng với điệu xoang nhịp nhàng trong những đêm lễ hội, những bộ trang phục, trang sức truyền thống... đã góp phần tô điểm cho di sản đô thị ở Pleiku mang màu sắc riêng. Bên cạnh đó, người Kinh và một số cộng đồng cư dân ít người cũng đã bổ sung cho kho tàng di sản đô thị Pleiku thêm phong phú và đa sắc màu.

Ngày nay, quá trình đô thị hóa, áp lực phát triển kinh tế làm cho những giá trị vốn có của đô thị dần mai một. Những công trình kiến trúc, những biểu tượng như: ki lô mét số 0 (cột mốc Pleiku 0 km), lò Ba-toa, nhà đèn, tòa Công sứ và nhiều công trình kiến trúc khác mang dáng dấp của một Pleiku xưa vì một lý do nào đó đã bị biến mất hoặc được cải biến công năng.

Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa hiện chưa đề cập đến khái niệm về di sản đô thị. Do đó, loại hình di sản này chưa được bảo vệ bởi hành lang pháp lý, dễ bị biến dạng hoặc thậm chí biến mất nếu chúng ta không nhận diện và có những ứng xử phù hợp. Cùng với đó, nhận thức về vấn đề bảo tồn di sản đô thị chưa đồng bộ trong cộng đồng; hoạt động quy hoạch và nhận diện di sản đô thị chưa thực hiện tốt, dẫn đến việc một số di sản bị xuống cấp, không kịp phục dựng hoặc đôi lúc bị phá bỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

Dẫu rằng, sự phát triển, hiện đại hóa là mục tiêu hàng đầu của phát triển đô thị. Nhưng thiết nghĩ rất cần có những chính sách, hoạt động mang tính tương hỗ giữa bảo tồn và khai thác di sản đô thị một cách bền vững, đừng để di sản tồn tại mà tạo ra rào cản cho việc phát triển kinh tế và ngược lại không vì phát triển kinh tế mà phá bỏ di sản.

Nhận thức cụ thể bảo tồn di sản là để phát triển bền vững hơn, chứ không phải đập đi xây lại mới mang đến lợi ích kinh tế. Việc quy hoạch và quản lý đô thị cũng cần chú trọng bản sắc văn hóa, an sinh xã hội nhằm tạo ra những không gian, những công trình kiến trúc mang màu sắc riêng của phố núi Pleiku.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.