Cần sớm gỡ “nút thắt” pháp lý cho xe điện du lịch 4 bánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định hiện hành, xe điện 4 bánh phục vụ du lịch chỉ được lưu thông trên các tuyến đường có biển báo tốc độ tối đa 30 km/h. 

Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường trung tâm tại các phường trên địa bàn tỉnh không có loại biển báo như vậy, khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này lúng túng.

Xe điện trước nguy cơ dừng hoạt động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có gần 120 xe điện 4 bánh, đa phần là loại 9 chỗ ngồi, của 3 DN tham gia phục vụ đưa đón khách tham quan, du lịch, chủ yếu hoạt động tại các phường Quy Nhơn và Quy Nhơn Nam. Trong đó Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Thịnh Hùng tại Gia Lai có 62 xe; Chi nhánh Công ty CP Sun Taxi tại Gia Lai có 30 xe và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng địa ốc Thái Bình có 25 xe. Đây là các đơn vị tham gia Đề án thí điểm đưa xe điện 4 bánh phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định (cũ) do UBND tỉnh triển khai trong năm 2019 và năm 2023.

93.jpg
Xe điện 4 bánh chờ đón khách trước Khách sạn Hải Âu. Ảnh: N.C

Sau nhiều năm triển khai, dịch vụ xe điện 4 bánh được đánh giá đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại, tham quan của du khách và người dân; góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quy Nhơn xanh, sạch, hiện đại. Phương tiện này được ưa chuộng bởi tính thân thiện với môi trường, phù hợp với nhóm khách lớn và giá cả hợp lý. Đặc biệt, trong mùa cao điểm du lịch, các xe điện gần như hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, các phương tiện này hiện chỉ được hoạt động tạm thời và có nguy cơ phải ngừng nếu áp dụng nghiêm các nghị định mới vừa có hiệu lực. Cụ thể, ngày 26.12.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2024/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định, kể từ ngày 15.2.2025, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường có biển báo tốc độ tối đa 30 km/h.

Bên cạnh đó, tại khoản 9 Điều 76 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP (quy định về hoạt động vận tải đường bộ), các đơn vị, hộ kinh doanh đang sử dụng xe 4 bánh có gắn động cơ tham gia hoạt động thí điểm trước ngày Nghị định có hiệu lực sẽ được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30.6.2025. Từ ngày 1.7.2025, các đơn vị này phải đáp ứng đầy đủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ.

Cần giải pháp phù hợp, lâu dài

Ông Hồ Thanh Khiết, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng địa ốc Thái Bình, cho rằng quy định trên có nhiều điểm bất cập, không phù hợp với thực tế. Cụ thể, tất cả các xe điện 4 bánh chở người hiện nay đều được thiết kế với vận tốc tối đa không quá 30 km/h. Tuy nhiên, hiện không có tuyến đường nào ở khu vực trung tâm được lắp đặt biển báo tốc độ tối đa 30 km/h. Ông Khiết lo ngại nếu buộc phải dừng hoạt động sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN và làm giảm sức hút du lịch của địa phương.

91.jpg
Du khách trải nghiệm dịch vụ xe điện trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (phường Quy Nhơn). Ảnh: N.C

Tương tự, lãnh đạo và nhân viên Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Thịnh Hùng cũng đang lo lắng về nguy cơ phải ngừng hoạt động, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh duy nhất của Chi nhánh tại Gia Lai. “Dịch vụ xe điện hiện có đội ngũ tài xế gồm 70 người, cùng với nhiều nhân viên thuộc các bộ phận khác. Đằng sau đội xe điện của Công ty là cuộc sống của rất nhiều con người”, bà Nguyễn Thị An Thảo, quản lý Chi nhánh, bày tỏ.

Tháng 2.2025, ba DN đã có văn bản kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP. Các DN này cũng nhiều lần gửi đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan chức năng và UBND TP Quy Nhơn (cũ) xin được tiếp tục hoạt động tạm thời, nhất là trong mùa du lịch.

Ngày 25.6.2025, UBND TP Quy Nhơn (cũ) đã ban hành phương án tổ chức giao thông theo khung giờ tại một số trục đường trung tâm. Theo đó, sẽ lắp hệ thống biển báo tốc độ tối đa 30 km/h trên một số tuyến đường trong khung thời gian phù hợp. Đặc biệt, quy định này sẽ được áp dụng toàn thời gian (24/24) trên toàn tuyến An Dương Vương và Xuân Diệu. Tuy phương án này chưa được triển khai, nhưng một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Luật gia Huỳnh Văn Chưa (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, quy định liên quan đến xe điện 4 bánh chở khách không chỉ khiến Gia Lai mà nhiều địa phương khác cũng gặp lúng túng, còn DN thì rơi vào khó khăn. Nguyên nhân là do quy định chưa bám sát thực tiễn. “Vì vậy, khi tổ chức giao thông, địa phương cũng cần đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Ví dụ, đường An Dương Vương là đường đôi, theo quy định cho phép các phương tiện chạy tối đa 60 km/h. Nếu giới hạn tốc độ còn 30 km/h, liệu có gây ra bất cập, làm đảo lộn giao thông hay không, nhất là khi lượng phương tiện tăng cao sau sáp nhập? Cần tính toán kỹ lưỡng để tránh việc khắc phục bất cập này lại dẫn đến bất cập khác”, luật gia Huỳnh Văn Chưa nêu ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Xe đưa đón cán bộ công chức xuống Quy Nhơn làm việc

Nhu cầu đi lại tuyến Pleiku-Quy Nhơn tăng đột biến sau khi sáp nhập tỉnh

(GLO)- Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai đặt trụ sở hành chính tại phường Quy Nhơn. Nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ tỉnh Gia Lai (cũ) đến nơi làm việc mới cũng tăng mạnh, kéo theo hoạt động vận tải hành khách tuyến Pleiku-Quy Nhơn và ngược lại cũng tăng đột biến.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

null