Những cán bộ trẻ ở phố núi Pleiku dám nghĩ, dám làm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiều cán bộ trẻ ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã và đang góp phần biến khát vọng xây dựng “Đô thị thông minh, thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe” trở thành hiện thực.

1. Chị Tống Thị Lan (SN 1984)-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 7 (phường Diên Hồng) vinh dự được kết nạp vào Đảng từ khi còn là sinh viên. Năm 2015, khi về sinh sống tại địa phương, chị đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội, đoàn thể với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố. Năm 2017, chị Lan được bà con trong tổ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố. Năm 2022, chị tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 7.

Chị Tống Thị Lan đạt giải cuộc thi tìm hiểu 40 năm lịch sử Đảng bộ phường Diên Hồng. Ảnh: T.H

Chị Tống Thị Lan đạt giải cuộc thi tìm hiểu 40 năm lịch sử Đảng bộ phường Diên Hồng. Ảnh: T.H

Trở thành “thủ lĩnh” khu dân cư ở tuổi 38, chị Lan ý thức trọng trách của mình phải làm sao để lãnh đạo cán bộ, người dân cùng đoàn kết xây dựng tổ dân phố ngày càng phát triển. Để hoàn thành song song 2 nhiệm vụ, với sức trẻ và trình độ năng lực bản thân, chị quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo Chi bộ, các hội, đoàn thể, quân dân chính thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, chị luôn quan tâm đến đời sống bà con bằng tình cảm chân thành, không ngại gian khó. Trong tổ có ai ốm đau hay gặp chuyện buồn phiền, chị đều kịp thời động viên, thăm hỏi. Gia đình nào gây gổ bất hòa, chị cùng với thành viên tổ hòa giải đến trò chuyện, hóa giải.

Đặc biệt, chị luôn nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thông tin, tuyên truyền đến toàn thể đảng viên và người dân một cách chính xác và nhanh nhất, giúp bà con hiểu được quyền, nghĩa vụ và nghiêm túc thực hiện.

Bằng sự tận tâm, năng động và nhạy bén, chị Lan đã lãnh đạo Chi bộ và tổ dân phố 7 đi đầu trong các phong trào hành động của địa phương. Năm 2021, tổ hoàn thành công tác tổng điều tra kinh tế với 150 cơ sở kinh doanh tại khu dân cư. Chị cũng hoàn thành công tác dẫn đơn vị thi công đi tới từng hộ gia đình và triển khai đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tổ. Không chỉ vậy, hàng năm, chị còn làm tốt công tác động viên tuyển quân, vận động thanh niên khám tuyển, tình nguyện lên đường nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu.

Với những nỗ lực của chị Lan, người dân trong tổ tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Đặc biệt, chị Lan đã vận động người dân đóng góp 1,026 tỷ đồng làm 5 tuyến đường hẻm với chiều dài 1.038 m.

Bà Trần Thị Hồng Nguyệt-Bí thư Đảng ủy phường Diên Hồng-nhận xét: “Đồng chí Tống Thị Lan là cán bộ có năng lực và trình độ, nhạy bén trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương về chỉnh trang đô thị, làm đường hẻm, vệ sinh môi trường... tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại. Do vậy, năm nào tổ cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao. Trên 99% số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, nhiều năm liền tổ dân phố 7 đạt danh hiệu tổ văn hóa”.

2. Nhiệt tình, chịu khó, ham học hỏi là nhận xét của dân làng Ia Lang (phường Chi Lăng) khi nhắc đến chị H'Tinh (SN 1990)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Vừa có tri thức lại sinh ra từ làng nên chị rất được bà con tin tưởng.

Chị H'Tinh (bìa trái) tại hội thi sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe-không khói thuốc”. Ảnh: T.H

Chị H'Tinh (bìa trái) tại hội thi sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe-không khói thuốc”. Ảnh: T.H

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, chị H'Tinh được phân công làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng. Năm 2022, chị được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn Ia Lang khi vừa 32 tuổi. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn, song với những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường và thông thạo song song cả tiếng Kinh và Jrai nên dần bắt nhịp rất nhanh. Với tinh thần ham học hỏi, chị thi vào Khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) và tốt nghiệp vào tháng 11-2023.

Làng Ia Lang có 315 hộ với 1.670 khẩu, trong đó, trên 80% người Jrai. Xác định phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho bà con là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, chị H'Tinh đã tìm tòi học hỏi những kiến thức về khoa học-công nghệ. Cộng với kinh nghiệp 8 năm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường, chị đã hướng dẫn dân làng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là đối với cây lúa, cà phê và chăn nuôi.

Nói được làm được, chị gương mẫu đi đầu, thực hiện tái canh cà phê, trồng lúa theo chương trình “ba giảm, ba tăng”, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi bò sinh sản. Hiện gia đình chị có 3 sào cà phê, 2 sào lúa, 2 sào rau màu và chăn nuôi 7 con bò sinh sản. Mỗi năm, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nghe theo chị H'Tinh, bà con làng Ia Lang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chị phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ phường tín chấp cho bà con vay vốn phát triển sản xuất; cùng với Chi hội Phụ nữ làng vận động thành lập “Tổ tiết kiệm xoay vòng” với 20 chị tham gia, góp 500 ngàn đồng/hộ/tháng để có thêm vốn phát triển sản xuất, giải quyết khó khăn trước mắt.

Mặt khác, chị H'Tinh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con. Năm 2023, chị đã hòa giải thành công 3 vụ việc mâu thuẫn, không để khiếu kiện lên phường.

Nữ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng học hỏi, tìm tòi về khoa học công nghệ để hướng dẫn cho bà con trong sản xuất; thường xuyên cập nhật và nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên để kịp thời tuyên truyền, giúp cho bà con hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đưa làng mình phát triển, không còn ai phải đói nghèo”.

Nhận xét về chị H'Tinh, ông Cao Xuân Hiền-Phó Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng-cho hay: “Đồng chí H'Tinh là cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ và chuyên môn; gương mẫu, nhiệt huyết và có trách nhiệm với công việc. Đồng chí là người đi đầu trong việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đưa những kiến thức pháp luật về với buôn làng”.

3. Chia tay H'Tinh, chúng tôi đến gặp anh Rơ Chăm Thót (SN 1982)-Bí thư Chi bộ làng Ốp (phường Hoa Lư). Anh Thót sinh ra và lớn lên tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh. Anh tốt nghiệp trung cấp luật. Năm 2007, anh lập gia đình và về sinh sống tại làng Ốp. Anh tích cực tham gia công tác ở địa phương trong vai trò Chi hội phó rồi Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng. Năm 2011, anh vinh dự được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng và được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Đến năm 2020 thì được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Anh Rơ Chăm Thót (bìa trái) dự Đại hội Đoàn phường Hoa Lư. Ảnh: T.H

Anh Rơ Chăm Thót (bìa trái) dự Đại hội Đoàn phường Hoa Lư. Ảnh: T.H

Làng Ốp có 230 hộ với 660 nhân khẩu. Trong quá trình hoạt động, anh Thót nhận thấy bà con trong làng vẫn còn giữ những tập tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục nối dây và tư tưởng sinh nhiều con để có nhiều lao động. Vận dụng những kiến thức đã được học, anh Thót suy nghĩ phải quyết liệt nhưng cũng phải mềm dẻo trong việc tuyên truyền bà con xóa bỏ các hủ tục ấy.

Vì vậy, anh luôn gần gũi với bà con, nhất là những đối tượng cá biệt, những hộ vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con nhận thấy tác hại của những tập tục ấy, hiểu rõ hơn về Luật Hôn nhân và gia đình.

Hiện trong làng không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đời sống người dân ổn định và được nâng cao. Làng không còn hộ nghèo, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa”, làng đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa nhiều năm liên tục.

Bên cạnh xóa bỏ các tập tục lạc hậu, anh Thót còn quan tâm tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy các tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện làng có 2 đội cồng chiêng với gần 50 người, 1 đội xoang và duy trì Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm...

Bà Lê Thị Phương Thủy-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hoa Lư-cho biết: “Đồng chí Rơ Chăm Thót là người có tri thức và đã vận dụng sáng tạo các tri thức được học phục vụ công tác ở địa phương. Đồng chí là người rất quyết liệt nhưng cũng linh hoạt trong tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu và giữ gìn văn hóa truyền thống, xây dựng làng văn hóa du lịch”.

Có thể nói, những tri thức trẻ nói trên chính là “cánh tay đắc lực nối dài” của Đảng và chính quyền tại cơ sở, góp phần biến khát vọng xây dựng “Đô thị thông minh, thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe” trở thành hiện thực mà Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Pleiku lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.