Thế hệ vận động viên chạy bộ đầu tiên ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chạy bộ là môn thể thao đang phát triển mạnh trong cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng. Tuy nhiên, có những câu chuyện về một thế hệ vận động viên đầu tiên của phố núi Pleiku với bao nỗi gian truân mà có lẽ còn ít người biết đến.

Những người thầy của làng điền kinh

Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Minh-nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh khi ông đã là “tỷ phú thời gian”. Trước khi chuyển công tác sang Liên đoàn Lao động tỉnh, ông Minh nhiều năm liền giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Ít ai biết thời điểm sau giải phóng (năm 1975), ông từng là chân chạy cừ khôi đại diện cho một trong những thế hệ chạy bộ đầu tiên của tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Ông Minh còn được mệnh danh là “người thầy của những người thầy” trong làng điền kinh tỉnh nhà. Đã hơn 40 năm trôi qua, ánh mắt ông vẫn rạng ngời khi hồi tưởng lại những bước chạy đầu tiên trên con đường gồ ghề của Phố núi.

...Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, cậu học trò Nguyễn Ngọc Minh thường thức dậy rất sớm rồi rảo bước qua nhà chúng bạn. Chỉ bằng những tiếng huýt sáo, chẳng mấy chốc nhóm bạn đã tụ tập trên những cung đường với tiếng nói cười rộn rã.

Người chân đất, người giày bata song tất cả đều hứng khởi chạy giữa cái lạnh tê tái khi phố phường được bao phủ bởi màn sương mờ. Ngay cả những ngày mưa, nhóm bạn của ông vẫn miệt mài chạy bộ trước khi trở về nhà cắp sách tới trường.

Những ngày được gọi lên đội tuyển của trường, cậu học trò Nguyễn Ngọc Minh còn tập chạy giữa những buổi trưa oi ả. Vì luôn nằm trong tốp đầu ở các cuộc thi chạy của thị xã và tỉnh, ông được chọn vào đội tuyển của tỉnh tranh tài tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 1982. Tại đây, ông đã giành được tấm huy chương bạc danh giá ở cự ly 1.500 m. Ông chỉ về sau một bước chân vận động viên (VĐV) đến từ đơn vị Hà Nội một cách tiếc nuối.

Nhờ tài năng ở môn chạy bộ, ông Minh đã thi đậu vào Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Điền kinh. “Khi vào TP. Hồ Chí Minh, tôi thường tập chạy sau những chiếc xích lô. Nhiều đơn vị cũng thuê tôi về chạy, thù lao không đáng là bao mà chủ yếu vì đam mê, niềm hạnh phúc khi được chạy, được thi đấu với những VĐV khác. Khi ấy, khoản thù lao chủ yếu là được một bữa ăn ngon, đôi giày bata hay bộ đồ chứ không có tiền thưởng như bây giờ”-ông Minh thổ lộ.

Ông Ngô Gia Hùng (bìa trái) là huấn luyện viên lão làng của điền kinh Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Ngô Gia Hùng (bìa trái) là huấn luyện viên lão làng của điền kinh Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Ra trường, ông trở về công tác tại Ty Thể dục thể thao Gia Lai-Kon Tum và trở thành người thầy của những VĐV điền kinh nổi tiếng như: Trương Văn Tín, Nguyễn Văn Ý, Ngô Gia Hùng… Trong đó, ông Ngô Gia Hùng (SN 1967) hiện giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh kiêm huấn luyện viên lão làng của điền kinh Gia Lai.

Học trò của ông Hùng là những người đã thành danh trong nước và đấu trường khu vực như: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Mỹ Liên, Nguyễn Thị Phương Trinh… hay gần đây nhất là các tài năng trẻ Nguyễn Thành Đạt, Hà Quang Thắng…

Ông Hùng đến với chạy bộ một cách khá tình cờ khi còn là cậu học trò lớp 8 của Trường THCS Hoa Lư. Ngoài giờ học, ông thường xuyên phải đi bộ 4-5 km đến mảnh vườn của gia đình để trồng lúa, trồng rau. Với thể lực sẵn có, ông nhập cuộc môn chạy bộ khá nhanh với những buổi chạy 10-20 km vòng quanh thị xã và trở thành VĐV của trường, thị xã và tỉnh.

Ông Hùng bộc bạch: “Thời bao cấp khó khăn vô cùng, thường xuyên phải ăn cơm độn, thực phẩm cũng không có gì, chủ yếu là cá khô. Thế nên, mỗi lần được lên đội tuyển để chuẩn bị thi đấu ai cũng mừng vì khẩu phần có thêm miếng thịt. Trước ngày thi đấu thì được ăn trứng khuấy soda để tăng thể lực chứ đâu được chế độ dinh dưỡng như hiện nay. Chạy bộ là phải khổ luyện ghê gớm, thử thách về ý chí, nếu không kiên trì và vượt qua những giới hạn bản thân thì không thể nào theo được”.

Không có sải chân dài, song ông Hùng lại có thế mạnh ở cự ly ngắn 800 m và 1.500 m. Nhiều năm liền, ông thống trị vị trí số 1 ở 2 cự ly này trong tỉnh. Ông từng được công nhận là kiện tướng quốc gia ở cự ly 800 m.

U60 vẫn chạy tốt

Trong làng chạy bộ ở Pleiku, có một chân chạy lão làng ở độ tuổi U60 song vẫn thường xuyên có mặt trên bục nhận giải. Sinh năm 1966, ông Võ Đình Hòa được xem như chiếc gạch nối giữa thế hệ chạy bộ thời trước với các chân chạy đương đại.

Ông Hòa bắt đầu chạy bộ từ năm 1984 và tham gia không ít giải của thị xã cũng như của tỉnh. Nhà không có điều kiện, ông thường xuyên phải chạy bằng chân đất hoặc có khi được bạn bè tặng lại đôi giày bata “second hand”.

Ông Võ Đình Hòa (trước) là chân chạy hàng đầu Gia Lai ở lứa tuổi trên 40. Ảnh: L.V.N

Ông Võ Đình Hòa (trước) là chân chạy hàng đầu Gia Lai ở lứa tuổi trên 40. Ảnh: L.V.N

Ông Hòa chia sẻ: “Thời điểm đó thiếu thốn vô cùng, cơm không đủ ăn nhưng cũng rất nhiều người mê chạy bộ. Đã không chạy thì thôi chứ chạy rồi là bị “nghiện”. Học sinh chúng tôi có một nhóm chủ yếu chạy ở các tuyến đường chính của thị xã, có khi chạy ra Biển Hồ rồi chạy về. Trong các cuộc thi chỉ có cự ly 7 km hoặc dài nữa là 10 km chứ không có 21 km hay 42 km như các giải đấu hiện đại”.

Không như một số chân chạy tài năng khác, ông Hòa không có duyên với con đường thể thao. Học xong chương trình phổ thông, ông lao vào cuộc sống mưu sinh để đỡ đần cha mẹ. Vật lộn với cơm áo gạo tiền khiến ông rời xa chạy bộ trong hàng chục năm trời.

Những tưởng niềm đam mê đã nguội lạnh thì nó bỗng trở lại mạnh mẽ vào năm 2020, khi ông thấy cơ thể của mình có phần “yếu ớt” vì mắc các bệnh huyết áp cao, suy thận… Thế rồi nhớ lại cảm giác hoàn thành một cự ly chạy bộ ở thời trai trẻ, ông quyết định tập chạy trở lại.

Hơn 30 năm mới lại xỏ giày ra đường, song ông vẫn có cảm giác hừng hực khí thế như những ngày đầu dù đôi chân đã ì theo thời gian. Ông bị môn chạy bộ mê hoặc để rồi lao vào tập luyện hăng say. Chẳng mấy chốc, ông trở thành chân chạy marathon số 1 Gia Lai ở độ tuổi trên 40 và thường xuyên đạt thành tích cao tại các giải đấu. Ở tuổi 58, ông Hòa chạy cự ly full marathon 42 km chỉ với 3 giờ 20 phút-một con số mà ngay cả những thanh niên cũng hằng ao ước.

Riêng năm 2023, ông đã giành giải nhì lứa tuổi trên 40 ở Giải Marathon “Vì an toàn giao thông” tại Sa Thầy; giải nhất lứa tuổi trên 40 tại VnExpress Marathon ở TP. Huế; giải nhì lứa tuổi trên 40 tại VnExpress Marathon ở TP. Nha Trang. Tại Giải Gia Lai City Trail cuối năm 2023 vừa qua, ông đã giành giải nhất lứa tuổi trên 45 và đứng thứ 7 chung cuộc.

“Chạy bộ giúp tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, đặc biệt là được sống hết mình với đam mê như thời trai trẻ. Nó còn giúp tôi rèn luyện ý chí khi trong các cuộc luyện tập và thi đấu phải trải qua rất nhiều những cột mốc mà nếu không nỗ lực hết sức mình thì không thể nào vượt qua được. Tôi tự tin mình vẫn còn chạy được trong nhiều năm nữa”-ông Hòa hồ hởi nói.

Có thể bạn quan tâm

Tennis là một trong những môn thể thao bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phát triển của pickleball. Ảnh: L.V.N

Pickleball “lấn sân” tennis

(GLO)- Pickleball đang có sự phát triển mạnh mẽ trong cả nước và Gia Lai cũng không ngoài cuộc. Môn thể thao mới này thậm chí còn “lấn sân” những môn thể thao truyền thống, đặc biệt là tennis.

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.