Emagazine

E-magazine Làng trong phố - “Báu vật” của Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Có lẽ câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Pleiku đã không còn xa lạ với người dân Phố núi. Nhìn lại thuở sơ khai qua sử liệu cùng lời kể của các già làng thì khu vực trung tâm Pleiku xưa kia chỉ có ngôi làng đồng bào dân tộc Jrai mang tên Pleiku; sau này mới dần tách ra lập thành các làng: Ốp (hay Ơp), Kring Dêr, Blo, Ngo... Trong đó, làng Ốp nằm ở đầu đường Phan Đình Phùng gần ngã ba Hoa Lư, làng King Dêr ở đường Hoàng Hoa Thám, làng Blo ở đường Wừu, còn làng Ngo ở khu vực Sân vận động Pleiku ngày nay.

Pleiku khi ấy được bao bọc bởi rừng rậm, cây cối xanh tốt, muông thú nhiều vô kể. Dân làng chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, hái lượm từ rừng và trồng trỉa một ít lúa rẫy để có thêm lương thực. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua cho tới khi thực dân Pháp xâm lược kéo đến chiếm Pleiku và đuổi dân các làng ra vùng ven sinh sống. Mãi tới những năm đầu thế kỷ XX, mảnh đất Pleiku mới bắt đầu ghi dấu sự có mặt của các nhóm người Kinh từ đồng bằng lên định cư.

Tương tự, đến tận bây giờ, người dân làng Ốp (phường Hoa Lư) vẫn neo giữ ký ức về thuở lập làng như một dấu ấn đáng nhớ của ngôi làng trong phố. Già làng Siu Núi nhắc nhớ: “Ông nội tôi kể rằng, hồi đó, làng gốc Pleiku có 7 cái nhà rông to. Sau này tách ra thì mỗi làng tự làm nhà rông mới. Dân làng chúng tôi khi dời về vị trí này vào năm 1927 cũng bắt đầu chung tay dựng nhà rông, giọt nước. Những nghi lễ, tín ngưỡng văn hóa truyền thống như: cúng mừng nhà rông mới, cúng giọt nước, lễ bỏ mả, cúng mừng lúa mới hay nghề đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm… vẫn được bà con duy trì”.

Là một trong những cư dân đời sau của làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ), ông Puih Alik (hiện đang sinh sống cùng gia đình vợ tại làng Ốp) cũng xác nhận câu chuyện tương tự về lịch sử lập làng mà ông từng được nghe kể lại. Điều đó một lần nữa khẳng định về những ngôi làng cổ xưa ở đô thị Pleiku đã cùng đồng hành với Phố núi đi qua những thăng trầm trong suốt gần 1 thế kỷ; góp phần tạo nên bản sắc cho thành phố năng động ở khu vực Bắc Tây Nguyên.

Quá trình đô thị hóa cũng khiến những ngôi làng dân tộc thiểu số ở phố núi Pleiku chịu nhiều tác động mạnh mẽ. Minh chứng rõ nét nhất là sự hiện hữu của những dãy nhà xây san sát và sự thưa vắng dần của mái nhà rông, nhà sàn. Chưa kể, một số lễ hội, tín ngưỡng dân gian mang giá trị tinh thần tốt đẹp cũng dần lùi vào dĩ vãng; các nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một bởi thế hệ trẻ trong làng thiếu mặn mà, gắn bó…

Thực trạng ấy khiến những người nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc không khỏi trăn trở, đau đáu tìm giải pháp bảo tồn, để làng hòa nhập mà không bị hòa tan. Trong câu chuyện bảo tồn văn hóa của mình, già làng Siu Núi vẫn còn nhớ những ngày ròng rã tuyên truyền, thuyết phục dân làng tham gia phục dựng các lễ hội truyền thống. Bằng kinh nghiệm có được, ông đứng ra chủ trì, đồng thời hướng dẫn cho bà con về quy trình thực hiện, lễ vật cần chuẩn bị và ý nghĩa của từng lễ cúng. Cùng với đó, ông còn truyền dạy cho dân làng cách đánh cồng chiêng, tạc tượng, đan lát; động viên vợ mình cùng một số phụ nữ có khả năng dệt thổ cẩm đẹp trong làng tổ chức truyền dạy cho những người chưa biết.

Chung tay cùng với già làng, ông Alik cũng ra sức giữ gìn văn hóa truyền thống bằng nhiều việc làm ý nghĩa. Ngoài truyền dạy cồng chiêng cho 2 người con trai, ông cùng với một số người biết đánh cồng chiêng vận động dân làng tham gia tập luyện và đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng với khoảng 60 thành viên.

Nằm bên cạnh thắng cảnh Biển Hồ, làng Ia Nueng có 255 hộ với gần 100% là đồng bào Jrai. Nhiều năm qua, già Hmrik cũng miệt mài chung sức cùng với dân làng lưu giữ những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc mình.

Thành phố Pleiku hiện có 37 làng dân tộc thiểu số thuộc 14/22 xã, phường; nhiều ngôi làng vẫn còn giữ được những nét văn hóa độc đáo. Và quả thật không ngoa khi nói rằng, đó chính là “báu vật” trong phát triển du lịch ở phố núi Pleiku gắn với cộng đồng làng.

Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động từ người dân, chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc để gìn giữ nét nguyên sơ cho các ngôi làng trong phố. Ông Dương Ngọc Anh-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-thông tin: Từ năm 2008, làng Ốp được đầu tư để trở thành làng văn hóa du lịch đầu tiên của thành phố. Theo đó, địa phương cùng các ngành liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa bản địa.

Cùng với làng Ốp, UBND thành phố cũng ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ. Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Nguyễn Xuân Hà, đây là những bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương của thành phố về phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Say mê khung cảnh thiên nhiên với không gian văn hóa cồng chiêng bên những mái nhà rông cao vút, nhiều du khách gần xa đã tìm đến với đô thị Pleiku hiện đại nhưng giàu bản sắc. Ông Lưu Văn Đức-Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội-chia sẻ: “Là người làm công tác dân tộc nên tôi hiểu và rất quý mến Pleiku. Vùng đất này rất tuyệt vời khi được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, đặc biệt là những ngôi làng độc đáo ngay trong lòng phố. Tôi đã đến Pleiku rất nhiều lần và luôn thích đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng. Mong rằng những nhà quản lý ở địa phương cùng với người dân tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị này”.

Còn với những người con xa quê như chị Phan Thị Nhật Phương (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), mỗi lần trở về Pleiku là như trở về với những gì thân thuộc nhất. “Tôi rời Gia Lai đã 20 năm. Thế nhưng tôi cảm thấy rất xúc động khi quay về và vẫn được trải nghiệm vẹn nguyên những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như thuở trước. Bạn bè của tôi cũng rất thích đến với những ngôi làng trong phố. Tôi tin rằng, đây chính là điểm nhấn thu hút du khách thập phương đến với Pleiku nhiều hơn trong thời gian đến”.

Hôm nay, Pleiku đã khoác lên mình một màu áo mới với lung linh của tiện nghi đô thị, song ẩn sâu trong lòng phố vẫn lưu giữ được hầu hết nét đẹp và hồn cốt của cư dân từ giai đoạn khởi thủy lập làng. Đó là nỗ lực của chính người dân, của hệ thống chính trị thành phố.

Có thể bạn quan tâm

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ cuối: Những gạch nối hòa bình

(GLO)- Những người lính từ mặt trận trở về, những người chỉ lặng lẽ phía sau phục vụ chiến đấu và cả những người sinh ra dưới bầu trời không tiếng súng… đều tiếp tục tự nguyện trở thành gạch nối hòa bình giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc, hóa giải sâu sắc những đau thương để lại từ một cuộc chiến.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 3: Người về từ chiến trường K

(GLO)- Trong suốt 10 năm người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, có người may mắn trở về, người đến giờ vẫn còn nằm lại trên đất bạn. Nhưng, như lời một người lính trở về thì “một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái”.

Chiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

E-magazineChiến trường K “Mùa chinh chiến ấy” - Kỳ 2: Nghĩa tình lính trận

(GLO)- Điều gì đã gắn kết những người lính tình nguyện Việt Nam để làm nên khúc khải hoàn trên chiến trường K? Đó có phải là tình đồng đội thiêng liêng, cao cả; là sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và cũng đầy ân tình đối với người dân nước bạn, thậm chí với cả người ở phía bên kia chiến tuyến?

Canh cánh nỗi lo mía cháy

E-magazineCanh cánh nỗi lo mía cháy

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt dọn ruộng mía tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bà con nông dân đang canh cánh nỗi lo mía cháy.

Khúc hoan ca làng chài

E-magazineKhúc hoan ca làng chài

(GLO)-

Từ dăm con thuyền dạt trôi giữa mênh mông sông nước Sê San ngày nào đã hình thành 1 làng chài với hơn 30 hộ dân. Hôm nay, làng chài trên dòng Sê San đã đổi vận từ con cá và du lịch.

Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

E-magazineXuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhận được nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan, kỳ vọng tạo đột phá cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2024.
Cô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

E-magazineCô gái 9X và hành trình đạp xe xuyên Á

(GLO)- Đang yên đang lành với công việc có thu nhập cao tại TP. Hồ Chí Minh, cô gái quê Gia Lai Trương Mỹ Châu (SN 1990) quyết định “đặt xuống mọi thứ” để thực hiện chuyến xuyên Việt, rồi xuyên Á bằng xe đạp.