Chọn nguồn nước để lập làng
Chọn nguồn nước để lập làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của cộng đồng Jrai. Theo ông R'Cơm Hmyơk (70 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ), người xưa đã chọn nơi nguồn nước dồi dào để lập làng.
“Không biết rõ cha ông mình đã tìm được mạch nước bằng cách nào nhưng suốt hàng trăm năm nay, nguồn nước giọt của làng vẫn luôn mát lành, chưa hề vơi cạn. Dưới tán những cây đa cổ thụ cuối làng, dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về từ bao đời nay được người làng Ia Nueng gìn giữ như báu vật. Sau mỗi ngày đi rẫy, người làng Ia Nueng thường ghé lại giọt nước để chia sẻ biết bao câu chuyện buồn vui”-ông Hmyơk tự hào nhắc nhớ.
Giọt nước ở làng Têng 2, xã Tân Sơn. Ảnh: T.D |
Tương tự, người dân làng Têng 2 (xã Tân Sơn) bao đời nay cũng lưu giữ giọt nước rất đẹp mang tên của làng. Người làng truyền miệng rằng, trước khi chọn đất lập làng, bà con phải tìm được nguồn nước đảm bảo cho cộng đồng, vị trí thường nằm ở cuối làng. Sau nhiều lần thăm dò, tìm được nguồn phù hợp, bà con tiến hành khơi thông mạch nước và lắp đặt ống lồ ô, tre để thuận lợi cho việc lấy nước sử dụng. Tiếp đó, dân làng tổ chức lễ cúng để tạ ơn Yàng đã ban cho nguồn nước sạch.
Già làng Pênh (60 tuổi) kể lại: “Làng mình là vùng đất có nguồn nước ngầm rất dồi dào. Giọt nước tuôn chảy quanh năm nên người dân không bao giờ bị thiếu nước sinh hoạt. Để bảo tồn và phát huy được giọt nước này, dân làng luôn bảo ban nhau bảo vệ nguồn nước, giữ cây cối xung quanh luôn xanh mát và đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Tiếp lời, bà Lem (90 tuổi) chia sẻ: “Mỗi năm, làng mình đều cúng giọt nước để thần linh phù hộ cho nguồn nước luôn chảy mãi. Chính giọt nước này của làng cũng đã góp phần phục vụ sinh hoạt cho bộ đội ta trong suốt những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ xâm lược.
Thuở ấy, vào cuối chiều, từ trên những cánh rừng xanh, bộ đội lại xuống làng lấy nước. Người làng có nhiệm vụ canh chừng để bọn địch không thể bắt gặp, làm hại đến các anh. Giờ đây, giọt nước là niềm tự hào lớn của làng mình”.
Dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về phía đầu làng Ốp (phường Hoa Lư) gắn với đời sống của bao thế hệ người dân nơi đây. Khuôn viên giọt nước luôn thoáng mát, sạch đẹp, nép mình dưới tán cây si cổ thụ.
“Từ khi lập làng, giọt nước đã có rồi. Người xưa truyền tai, người làng lấy thân cây lồ ô đâm sâu vào lòng đất, nơi có mạch nước để dẫn nước về. Mỗi người từ già trẻ, gái trai đều xem giọt nước là nơi sinh hoạt thân thuộc, nơi nuôi sống và gắn kết cộng đồng.
Để dòng nước mãi tràn đầy, làng chúng tôi thường tổ chức cúng giọt nước hàng năm cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật đều tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”-già làng Siu Núi bày tỏ.
Dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về phía đầu làng Ốp (phường Hoa Lư). Ảnh: Trần Dung |
Gìn giữ giọt nước như báu vật
Chiều chiều, các bà, các chị người Jrai lại mang quả bầu khô hoặc các chai nhựa đến giọt lấy nước đem về phục vụ sinh hoạt của gia đình. Bà Siu Nghê (80 tuổi, làng Ốp, phường Hoa Lư) vui vẻ nói: “Nguồn nước này như biểu tượng sự đoàn kết, kết nối. Phụ nữ trong làng thường địu con ra giặt giũ, hứng nước, còn lũ trẻ con thì ra tắm mát.
Từ nhỏ tới lớn, ngày nào bà con cũng ra đây vào mỗi buổi chiều. Điều đó trở thành nếp sinh hoạt ăn sâu vào tập quán của chúng tôi”. Bà Nghê cũng tự hào cho biết, những năm gần đây, giọt nước của làng Ốp đã được sửa sang và xây dựng thành nơi thoáng mát, sạch đẹp. Người dân trong làng đã chung tay xây lắp lại hệ thống đường ống, mái vòm che và ốp lát gạch xung quanh giọt nước.
Khu vực giọt nước của làng Ia Nueng cũng được đầu tư sửa sang thoáng mát, sạch đẹp. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt cho 216 gia đình trong làng thì nơi này cũng là điểm tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách yêu thích văn hóa truyền thống.
“Làng đang được thành phố đầu tư xây dựng trở thành làng du lịch cộng đồng. Với vai trò già làng, tôi luôn vận động bà con gìn giữ khu vực giọt nước và sinh hoạt văn minh. Để khi du khách tới với làng, họ không chỉ được tìm hiểu về cồng chiêng hay điệu xoang mà còn được thăm thú những đồng lúa trải dài và đặc biệt được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của bà con tại giọt nước”-già làng Hmrik tự hào nói.
Bà Siu Nghê (80 tuổi, làng Ốp, phường Hoa Lư) phấn khởi khi giọt nước của làng được sửa sang khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Trần Dung |
Hàng năm, làng Têng 2 đều tổ chức dọn dẹp, sửa sang lại giọt nước và làm lễ cúng giọt nước. Chị Ngưi (35 tuổi) chia sẻ: “Dân làng chúng tôi luôn bảo ban nhau dọn dẹp, giữ gìn giọt nước sạch đẹp. Ngoài ra, để giữ được mạch nước chảy mãi thì chúng tôi cũng đã trồng thêm thật nhiều cây xanh xung quanh khu vực này.
Từ lâu, các hộ gia đình trong làng đều có giếng nước nhưng người dân vẫn thích sử dụng nước giọt để ăn uống và việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt đều diễn ra ở đây vào mỗi buổi chiều”.
Nói về việc ưu tiên trồng cây xanh quanh khu vực giọt nước, già làng Pêng bày tỏ: “Bởi có cây cối tốt tươi thì mạch nước mới dồi dào. Với dân làng, giọt nước không chỉ cung cấp cho cộng đồng nguồn nước mát lành mà còn là nơi gặp gỡ, trò chuyện, giúp mọi người gắn kết với nhau. Chúng tôi duy trì lễ cúng giọt nước hay tu sửa, chăm sóc giọt nước cũng chính là để vận động, nhắc nhở con cháu có ý thức gìn giữ, trân quý nét văn hóa của làng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Nguyễn Văn Tuyên, địa phương có 2 giọt nước của 2 làng Têng 1 và Têng 2. Hàng năm, xã đã tuyên truyền, vận động người dân nạo vét quanh khu vực giọt nước, đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt. Vì đây là nét đẹp văn hóa của người Jrai nên xã cũng đặc biệt quan tâm nâng cấp, cải tạo để người dân luôn có ý thức gìn giữ, bảo vệ cảnh quan giọt nước.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho hay: Hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đều lưu giữ giọt nước. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư kinh phí tu sửa, bảo tồn giọt nước tại làng Ốp, làng Ia Nueng, làng Khưn (phường Trà Bá), làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ)… Ngoài ra, vận động các tổ chức, đoàn thể xã, phường trồng cây xanh, hoa tươi quanh khu vực giọt nước.
“Giọt nước cũng là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Jrai ở Pleiku, thành phố đã và đang bảo tồn để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách. Năm 2023, UBND TP. Pleiku đã phê duyệt Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng và làng Ốp. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch xanh thân thiện với môi trường…
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cho 2 làng Ia Nueng và làng Ốp, đồng thời quan tâm hình thành, xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó có giọt nước”-ông Hà thông tin.