Giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn giao thông quốc tế bước đột phá về giao thông an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thành phố Pleiku là 1 trong 5 đơn vị trên toàn thế giới được trao giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn đường bộ toàn cầu năm 2024 ở hạng mục đột phá trong quản lý tốc độ với Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”.

Đây là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực của thành phố trong việc đảm bảo an toàn cổng trường học trên địa bàn.

Bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học

Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) tài trợ được triển khai từ tháng 4-2018 đến tháng 10-2023 tại 31 trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Pleiku.

Các hoạt động của dự án góp phần cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học như: cổng trường được bố trí một cách phù hợp với địa hình giao thông, thông thoáng, có vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ, vỉa hè, lan can inox để tách lối đi bộ và khu vực đậu xe cho phụ huynh, biển báo giao thông giới hạn tốc độ theo mốc chuẩn an toàn giao thông quy định.

Nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku được lắp biển báo hạn chế tốc độ cho phép tối đa 30 km/giờ đối với các phương tiện qua khu vực cổng trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: M.N

Nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku được lắp biển báo hạn chế tốc độ cho phép tối đa 30 km/giờ đối với các phương tiện qua khu vực cổng trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: M.N

Từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2020, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 được triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ). Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2022 tại 29 trường tiểu học ở TP. Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh). Đến nay, dự án đã mở rộng quy mô cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học cho 31 trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku.

Từ kết quả của dự án, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định về tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30 km/giờ, đối với đường trong thành phố và 40 km/giờ đối với đường quốc lộ; đồng thời, chỉ đạo UBND TP. Pleiku phân bổ nguồn vốn cải tạo đường trong khu vực trường học.

Cùng với đó, UBND TP. Pleiku đã ban hành tiêu chuẩn “Khu vực trường học an toàn” áp dụng cho các trường học mới và các trường đang được cải tạo để mang đến sự an toàn cho học sinh. Đây cũng là tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc.

Cô Nguyễn Thị Phi Khanh-Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) khẳng định: Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đã mang lại lợi ích rất lớn đối với học sinh trong việc tham gia giao thông. Đáng chú ý, việc lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ theo các khung giờ cao điểm đã giúp học sinh an tâm khi đến lớp cũng như lúc tan trường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực trường học.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng: Trường nằm trên đường Lý Thái Tổ, lưu lượng xe qua lại trước khu vực cổng trường rất lớn, nhất là các loại xe tải. Trước đây, vào giờ tan học, khu vực cổng trường thường xảy ra tình trạng phụ huynh đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường. Vì vậy, nhà trường phải mở cổng để phụ huynh đi xe máy, thậm chí ô tô vào sân trường đón con.

Từ khi triển khai dự án, hạ tầng giao thông trước cổng trường được cải tạo bài bản, các biển báo giao thông lắp đặt hợp lý nên không còn xảy ra ùn tắc giao thông và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tương tự, Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) nằm sát quốc lộ 14, nơi có mật độ xe đông đúc nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trước đây, khu vực này không có biển báo hạn chế tốc độ hoặc lắp đặt gờ giảm tốc, xe ô tô thường chạy với vận tốc 70-80 km/giờ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Cô Trần Thị Hạnh-Hiệu trưởng nhà trường-nhấn mạnh: “Từ khi triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, vấn đề trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường được đảm bảo”.

Hình thành văn hóa giao thông

Theo ông Đặng Toàn Thắng-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku: Đến cuối năm 2023, toàn thành phố có 40/46 trường tiểu học và THCS được cải tạo hạ tầng trường học. Việc triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giúp cho tình hình an toàn giao thông trước các trường học được đảm bảo. Việc hạn chế tốc độ đối với các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học là giải pháp hữu hiệu, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Tại khu vực cổng trường của nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku được gắn biển báo giao thông giới hạn tốc độ theo mốc chuẩn an toàn giao thông quy định. Ảnh: M.N

Tại khu vực cổng trường của nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku được gắn biển báo giao thông giới hạn tốc độ theo mốc chuẩn an toàn giao thông quy định. Ảnh: M.N

Mặt khác, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đã hình thành văn hóa giao thông đối với phụ huynh, học sinh. “Thời gian tới, UBND TP. Pleiku tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại các khu vực trường học chưa được triển khai mô hình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhận thức của phụ huynh, học sinh và cộng đồng về an toàn giao thông, giảm tốc độ tại khu vực trường học”-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku nêu định hướng.

Căn cứ tiêu chuẩn xét chọn dựa trên kết quả các hạng mục bao gồm: công việc đột phá trong quản lý tốc độ, luật pháp/chính sách, thiết kế cơ sở hạ tầng, thực thi pháp luật và an toàn phương tiện… TP. Pleiku được chọn là 1 trong 5 đơn vị trên toàn thế giới nhận giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn đường bộ toàn cầu cho những đóng góp và cam kết trong triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”.

Theo đó, hiểu biết về tốc độ giới hạn và việc giảm tốc độ qua trường học của phụ huynh và người dân tăng lên; vi phạm tốc độ qua trường học có đặt biển báo hạn chế tốc độ được kéo giảm; va chạm giao thông trong khu vực các trường dự án giảm từ 34,1% xuống còn 30,4% ở cuối kỳ giai đoạn 1, giảm từ 1,2% trong quý I-2021 xuống còn 0,8% trong quý II-2022.

Tham gia hội thảo về an toàn đường bộ toàn cầu do Quỹ từ thiện Bloomberg tổ chức tại New York (Mỹ) từ ngày 10 đến 12-6-2024, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng-Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông-Vận tải) đã thay mặt UBND TP. Pleiku nhận giải thưởng này. Tiến sĩ Khuất Việt Hùng nhận định: Dự án đã thực hiện thành công và được các chuyên gia xét giải cực kỳ khó tính của Bloomberg lựa chọn.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng-Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông-Vận tải): Giải thưởng Sáng kiến Bloomberg Philanthropies về an toàn đường bộ toàn cầu sẽ giúp chúng ta lan tỏa những sáng kiến bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học trên cả nước để các em học sinh đi học và về nhà được tham gia môi trường an toàn với những người tham gia giao thông có trách nhiệm và dành tình cảm cho thế hệ trẻ.

Có thể bạn quan tâm

“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

“Còn chút gì để nhớ” với Biển Hồ

(GLO)- Vì cảm cái dễ thương của đất và người phố núi, họa sĩ Đinh Nhật Tân đem lòng thương mến nơi này ngay lần đầu gặp gỡ. Chút tình “để nhớ để thương” của người nghệ sĩ đọng lại trong không gian của Lem coffee (169 Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku) ở gần “mắt ngọc” Biển Hồ.
Đưa phong trào trồng cây thành nét đẹp văn hóa

Đưa phong trào trồng cây thành nét đẹp văn hóa

(GLO)- Để giữ màu xanh buôn làng, nhiều người ở Gia Lai đã thầm lặng gìn giữ và trồng thêm thật nhiều cây trên khắp các con đường, ngõ nhỏ. Họ đã góp phần đưa phong trào trồng cây trở thành nét đẹp văn hóa và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Đổi thay làng Têng 1

Đổi thay làng Têng 1

(GLO)- Nhờ sự chung sức của hệ thống chính trị và người dân, làng Têng 1 (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) không ngừng đổi thay, khởi sắc. Hiện nay, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đời sống của bà con ngày càng ấm no.

Trạm sách 5S kết nối những người thích đọc

Trạm sách 5S kết nối những người thích đọc

(GLO)- Với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người, anh Vũ Văn Tuyền (SN 1989) đã xây dựng Trạm sách 5S tại số 79A đường Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Trạm mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trở thành điểm đến kết nối những người thích đọc sách.
Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng

(GLO)- Từ lâu, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Gia Lai. Riêng tôi, mỗi lần có dịp về lại Pleiku-nơi gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, thế nào cũng ghé thăm ngôi làng văn hóa du lịch này cùng bao kỳ vọng.
Món ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

E-magazineMón ăn “gây thương nhớ” ở phố núi

(GLO)- Trải nghiệm ẩm thực đặc trưng địa phương là phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của mỗi người. Tại Pleiku, du khách có thể thưởng thức những món ăn “gây thương nhớ” đã tồn tại qua nhiều thập kỷ gắn liền với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất này.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.