Anh Vũ Văn Tuyền (bìa trái) giới thiệu cuốn sách hay cho em Hồ Viết Kin. Ảnh: M.N |
Mới đây, hơn 50 đoàn viên, thanh niên phường Yên Thế đã tham gia chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách hay làm bạn” do Trạm sách 5S phối hợp với Đoàn phường và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phường Yên Thế tổ chức. Hàng ngàn cuốn sách được anh Tuyền sắp xếp, trưng bày thuận tiện cho bạn đọc chọn lựa.
Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên được anh Tuyền và anh Nguyễn Thanh Hải-Đại diện Hội Văn hóa đọc xuyên Việt tại Gia Lai chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giới thiệu những đầu sách hay. Đồng thời, anh Tuyền cũng tặng 50 quyển sách hay cho Đoàn phường Yên Thế.
Anh Hồ Đức Công-Bí thư Đoàn phường Yên Thế-cho biết: “Những chiếc điện thoại thông minh nhiều tiện ích đã và đang làm cho giới trẻ ít đọc sách, báo. Chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách hay làm bạn” nói riêng, Trạm sách 5S nói chung đã giúp lan tỏa văn hóa đọc, đồng thời giúp gắn kết thanh niên ở địa phương”.
Trạm sách 5S thành lập vào năm 2020 với mục đích chia sẻ, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ. Anh Tuyền cho biết: “Lúc nhỏ, gia đình khó khăn nên tôi không có tiền mua sách mới để đọc. Vì thế, tôi thường đến thư viện để mượn sách đọc. Sách giống như một người bạn giúp tôi cân bằng cảm xúc, bổ sung kiến thức trong cuộc sống. Trở về quê hương lập nghiệp với mô hình nuôi ong và kinh doanh quán cà phê, khi có thu nhập, tôi đã mở Trạm sách để phục vụ mọi người”.
Trạm sách được thành lập với 5 tiêu chí: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Nói về các tiêu chí của Trạm sách, anh Tuyền chia sẻ: “Tất cả sách tại trạm đọc đều được tôi chọn lọc kỹ càng, sắp xếp ngăn nắp và phân chia khoa học theo từng thể loại. Trạm đọc đón những người thích đọc sách vào tất cả các ngày trong tuần”.
Trạm sách 5S tạo không gian kết nối những người thích đọc sách. Ảnh M.N |
Tại Trạm sách 5S hiện có hơn 3.000 đầu sách các loại, như: tiểu thuyết, sách tham khảo, truyện thiếu nhi, sách văn học… Các quyển sách do anh Tuyền tự bỏ tiền túi để mua, sưu tầm. Biết đến mục đích ý nghĩa của Trạm, nhiều người tự nguyện mang sách tới tặng để chia sẻ với mọi người. Anh Tuyền chú trọng việc lựa chọn những cuốn sách hay, giá trị để lan tỏa tri thức đến với cộng đồng.
Để thu hút mọi người, Trạm sách 5S kết hợp với mô hình kinh doanh quán cà phê. Trung bình mỗi ngày, Trạm sách thu hút 40-70 lượt người đến đọc sách. Con số này rất đáng khích lệ trong thời đại công nghệ thông tin, điện thoại thông minh chiếm ưu thế.
Là bạn đọc thường xuyên của Trạm sách 5S, em Hồ Viết Kin (lớp 11C7, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thích đọc sách nên em thường xuyên đến Trạm sách 5S. Tại đây, em gặp gỡ được những người bạn có cùng sở thích, cùng nhau trao đổi về nội dung của từng cuốn sách hay. Việc đọc sách giúp em có thêm kiến thức, vốn hiểu biết về cuộc sống”.
Không dừng lại ở Trạm sách 5S, anh Tuyền luôn tìm mọi hình thức tuyên truyền để nhiều người dân và bạn trẻ biết đến lợi ích của việc đọc sách. Anh đã tặng hơn 1.000 cuốn sách cho thanh thiếu nhi ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh) và xã Phú Cần (huyện Krông Pa). Để duy trì, phát triển Trạm sách, anh Tuyền thường xuyên đầu tư, vận động nguồn sách từ bạn bè, người thân. Vì thế, sách tại Trạm thường xuyên được bổ sung mới, đa dạng thể loại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Hàng năm, anh Tuyền tổ chức 2-4 hoạt động giới thiệu sách mới, sách hay đến với bạn đọc. Điểm thu hút của Trạm sách không chỉ ở không gian thoải mái, có nhiều đầu sách hay mà còn tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu của nhiều bạn trẻ. Vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, anh Tuyền “tiếp sức mùa thi” cho thí sinh với hình thức: miễn phí thức uống cà phê và bán đồng giá 10.000 đồng/ly nước ép trái cây cho thí sinh và người nhà thí sinh trong các ngày diễn ra kỳ thi.
Nói về việc duy trì Trạm sách 5S trong thời gian tới, anh Tuyền tâm sự: “Từ khi thành lập đến nay, Trạm sách thu hút hàng ngàn bạn đọc. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các bạn trẻ dần yêu sách và có thói quen tìm hiểu về sách. Tôi tiếp tục duy trì, tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, tặng sách cho các thư viện trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các buôn, làng khó khăn”.