Làng mang tên giọt nước
Trưởng thôn Rơ Châm Joi cho biết: “Người Jrai thường đặt tên làng theo tên của người lập làng hoặc tên của sông suối, núi đồi… nơi sinh sống. Làng Têng thì được đặt theo tên giọt nước Ia Têng. Sở dĩ đặt tên như vậy là để dễ nhớ và phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Cũng theo ông Joi, khi chọn đất lập làng, bà con thường tìm nơi có nguồn nước dồi dào, đảm bảo sinh hoạt cho cộng đồng. Sau khi xác định được vị trí nguồn nước phù hợp, bà con tiến hành khơi thông mạch nước và lắp đặt ống tre, lồ ô để thuận lợi cho việc lấy nước. Đồng thời, trồng cây xanh tại khu vực giọt nước để tạo bóng mát và giữ gìn mạch nước trong lành.
Cổng làng Têng 1 được xây dựng khang trang. Ảnh: R.H |
“Năm 2008, làng được chia tách thành làng Têng 1 và Têng 2. Lúc đó, làng Têng 1 chỉ có hơn chục nóc nhà, nay đã phát triển lên 181 hộ với 737 khẩu. Hiện ở làng có 3 giọt nước phục vụ sinh hoạt của bà con. Trong đó, giọt nước Ia Têng nằm giữa làng Têng 1 và Têng 2. Từ xưa đến nay, bà con chung sống đoàn kết và cùng sử dụng giọt nước này”-ông Joi bộc bạch.
Còn chị H’Suin thì chia sẻ: Giọt nước trong vắt, mát lành nên bà con sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày. Bà con cũng tự giác bảo vệ, dọn vệ sinh môi trường xung quanh.
Khang trang, khởi sắc
Đến thăm làng Têng 1, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước diện mạo mới của làng. Những trục đường dẫn vào các khu dân cư đã được bê tông hóa, cứng hóa; hệ thống điện, nhà văn hóa… được xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Để có kết quả này, ngoài sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có sự nỗ lực, đóng góp của người dân trong xây dựng NTM, nhất là phong trào hiến đất làm đường.
Ông Yun cho hay: “Sau khi nghe cán bộ tuyên truyền về chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường đi qua nhà, gia đình tôi rất ủng hộ. Tôi chủ động phá bỏ tường rào, hiến hơn 30 m2 đất để nâng cấp tuyến đường cho rộng rãi. Đường sá được mở rộng khang trang, sạch đẹp, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Bà con ai cũng vui mừng”.
Một góc làng Têng 1. Ảnh: R.H |
Theo Trưởng thôn Rơ Châm Joi, để người dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước về xây dựng NTM, hệ thống chính trị của làng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ trong hệ thống chính trị làng.
“Sau khi có chủ trương của xã về việc hiến đất, mở rộng đường, tôi luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu để người dân làm theo. Tôi đã chủ động hiến 150 m2 đất để mở rộng tuyến đường nội làng đi qua vườn nhà mình. Việc làm của tôi được bà con đồng tình ủng hộ, rồi tích cực tham gia, chung tay thực hiện các tiêu chí làng NTM”-ông Joi kể.
Từ năm 2021 đến năm 2023, địa phương đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM với nguồn kinh phí 9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 7,5 tỷ đồng; người dân đóng góp hơn 760 triệu đồng, còn lại là nguồn vận động khác. Nhờ đó, đến nay, 80% đường trục thôn, làng; đường liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,36 triệu đồng/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,4%; hộ nghèo giảm còn 2 hộ, hộ cận nghèo còn 14 hộ, tình hình an ninh trật tự ổn định, đời sống của bà con ngày càng nâng cao.
Trao đổi với P.V, ông Lê Xuân Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-thông tin: Ngày 19-5 vừa qua, UBND xã Tân Sơn tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP. Pleiku công nhận làng Têng 1 đạt chuẩn NTM. Dịp này, cán bộ và người dân làng Têng 1 được Chủ tịch UBND TP. Pleiku tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.