Hôm rồi, chúng tôi uống cà phê trên đường Lê Thị Hồng Gấm. Quán cà phê ồn ã, đông đúc. Và rồi, từ trong làng, chúng tôi gặp cảnh bà con đi đổi công cho nhau. Dù là ở phố, nhưng vẫn có ruộng, có đồng, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen sinh hoạt, làm ruộng, phơi rơm, nuôi heo, bò, gà, lấy nước giọt, giã gạo để sáng sớm, tiếng chày vẫn văng vẳng vọng về.
Dưới thung sâu của những miệng núi lửa đã tắt, dịp mới ra Tết, mạ non lên xanh mơn mởn. Từ những vỉa đất nằm cheo leo theo địa hình của đường Tô Vĩnh Diện, hàng loạt quán cà phê mọc lên. Ngày tôi mới đi làm, cách đây khoảng 20 năm, ai mà có nhà ở cheo leo phía bên vực ấy là nguy hiểm lắm, mé đất ở phía ấy khó trao đổi, mua bán. Vậy mà giờ đã trở thành những “view triệu đô”.
Dưới thung sâu của những miệng núi lửa đã tắt, dịp mới ra Tết, mạ non lên xanh mơn mởn. Ảnh: Minh Uyên |
Chiều muộn, bên cạnh tôi là các bạn trẻ, người chăm chú đọc sách, người mê say ngắm cảnh rồi ríu ran nói chuyện. Chào hỏi làm quen thì tôi biết, hầu hết các em đều ở xa về Gia Lai nghỉ lễ, cùng nhau ngắm đồng lúa, thưởng thức cà phê. Xa xa, những đứa trẻ con vui thú khi thấy máy bay cất cánh phía bên kia thung lũng, sau cánh đồng miên man trải dài. Tiếp giáp giữa cánh đồng và thành phố là những vạt rau non. Phía dưới giọt nước chảy ra là những khoảnh rau bé tẹo. Người trồng cải, người trồng rau lang, rau rừng, để sáng sớm, họ cắt lại, bó dây chuối, từng gùi, từng gùi ra phố.
Nếp sống của làng trong phố khiến cuộc sống giao hòa, nhộn nhịp, tươi vui. Pleiku vốn nhỏ xinh, dễ thương nên đôi khi sự cách biệt giữa phố và làng không quá lớn. Tôi chợt nhớ lần tới TP. Buôn Ma Thuột, khi đến một ngôi làng nhỏ nằm khe khẽ nem nép bên thành phố, tránh xa sự ồn ào, xe cộ. Nhưng cảm giác đó hoàn toàn khác khi tôi vào làng Ốp (phường Hoa Lư) hay làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Khi bước chân đến cổng làng Ốp thì tự dưng những ồn ào, tấp nập của phố thị đã lùi lại phía sau. Đặc biệt, khi nhìn thấy mái nhà rông thấp thoáng là tôi đã reo lên mừng rỡ: Làng đây rồi! Còn Ia Nueng thì có hơi xa so với trung tâm nhưng ở đó lại có nét đẹp cùng sự hấp dẫn riêng. Người làng hiền hòa, cây đa, giọt nước đẹp, gần với hàng thông trăm tuổi, đồi chè, núi Chư Đang Ya, nơi đi ra cánh đồng Ngô Sơn mùa này đầy ắp nắng vàng.
Tôi đang cùng nhóm bạn thực hiện một dự án đào tạo về du lịch cộng đồng cho người dân xã Tân Sơn và phường Hoa Lư. Người dân, suy cho cùng thì họ vẫn còn nhiều vướng bận với cơm áo, gạo tiền. Đời sống dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa nghĩ được cho xa. Vì vậy, muốn xác lập giá trị của học vấn đòi hỏi sự vào cuộc của liên ngành, liên thế hệ, của cả cộng đồng.
Tái hiện các hoạt động của người dân tộc thiểu số trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Ảnh: M.U |
Là người công tác trong ngành Giáo dục, tôi cho rằng, để bắt đầu giải quyết một vấn đề xã hội phải luôn để giáo dục đào tạo, khoa học đi trước một bước. Trong mọi lĩnh vực, muốn phát triển thì phải đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo. Và, du lịch cộng đồng cũng không ngoại lệ. Nếu để người dân làm theo thói quen, kinh nghiệm, ăn xổi, không sớm thì muộn cũng sẽ thất bại. Mà khi đã mất điểm thì rất khó lấy lại. Du lịch là vậy. Vì người kinh doanh dịch vụ thông qua du khách, còn du khách vừa là người sử dụng vừa là người truyền thông, bán hàng thông qua cách họ kể chuyện, những bức ảnh mà họ tự nguyện lan truyền.
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1103/KH-UBND về phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030. Kế hoạch nêu rõ việc kết nối, đào tạo, phát triển để đem lại hiệu quả cao nhất. Phát huy nội lực của cộng đồng, tăng cường sự tham gia dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhà quản lý gắn với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc địa phương. Và, với vai trò đầu tàu, hy vọng Pleiku sẽ sớm nắm bắt, tiếp cận và tạo được bản sắc riêng của mình. Pleiku thuận lợi về cảnh quan, được quan tâm, đầu tư, mong rằng sẽ có chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong đào tạo.
Theo tôi hiểu, làm du lịch cộng đồng là nuôi dưỡng những mạch nguồn văn hóa và lối sống tự nhiên, khác biệt. Từ đó nhẹ nhàng thấm vào từng giác quan, đi vào cảm nhận sâu sắc của mỗi du khách. Tôi vẫn nói đùa rằng, làm du lịch cộng đồng là người dân không làm gì cả, chỉ sống và để người ta đến quan sát, thưởng thức. Nhưng sống ở một cấp bậc cao, có kỹ năng, có văn hóa, văn minh, diễn nhưng không diễn, nói chuyện chứ không hướng dẫn, sắp đặt theo bối cảnh tự nhiên. Và để giữ được những nếp làng trong phố thì người dân phải đủ khả năng để giữ, để biến những cái mình có thành giá trị trao đổi thông qua du lịch cộng đồng.