An Khê đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với quyết tâm “cán đích” nông thôn mới vào năm 2018, thị xã An Khê đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, song thời gian qua, phong trào này tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thị xã An Khê có tất cả 5 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gồm: Cửu An, Thành An, Xuân An, Song An và Tú An. Cuối năm 2016, xã Cửu An đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo tiến độ, cuối năm nay, thị xã tiếp tục có thêm 2 xã đạt chuẩn là Xuân An và Thành An; các xã còn lại sẽ “về đích” vào năm 2018, đồng nghĩa với việc thị xã An Khê hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cùng năm.

Nỗ lực triển khai

Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới thị xã, cho hay: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê đã chung sức, chung lòng, đoàn kết, phát huy nội lực nhằm khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương và tranh thủ nguồn lực bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn và toàn thị xã. Nhiều phong trào thi đua liên quan được phát động và phát triển sâu rộng. Người dân dần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn của thị xã An Khê đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi
Bộ mặt nông thôn của thị xã An Khê đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hồng Thi

Cụ thể, thị xã đã huy động tối đa nguồn lực tài chính ưu tiên cho các công trình giao thông, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Cùng với đó, công tác giảm nghèo cũng luôn được thị xã quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất.

Tổng mức vốn huy động để xây dựng nông thôn mới của thị xã năm 2017 là 25,9 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm thực hiện được 16,21 tỷ đồng. Trong đó nguồn ngân sách trung ương 4,030 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 2,232 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép 16,36 tỷ đồng và vốn cộng đồng dân cư là 3,28 tỷ đồng.

Công tác dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh khá-giỏi ở cấp xã ngày càng tăng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao và tiếp tục học THPT. Công tác khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, nhất là khám bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già và những người có thẻ BHYT; số người tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm ngày một nhiều. Đến nay, toàn thị xã có 5.442/5.637 hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 96,50%. Các công trình bảo vệ môi trường nông thôn được xây dựng; thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định, cải tạo nghĩa trang…

Người dân xã Xuân An phấn khởi ra khu sản xuất trên tuyến đường nội đồng rộng 6 mét thay thế cho con đường nhỏ hẹp trước đây. Ảnh: Hồng Thi
Người dân phấn khởi ra khu sản xuất trên tuyến đường nội đồng rộng 6 mét thay thế cho con đường nhỏ hẹp trước đây. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài ra, vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội trong xây dựng nông thôn mới được phát huy và nâng cao chất lượng; các dịch vụ hành chính công được cải thiện và nâng cao chất lượng; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

Vẫn còn những khó khăn

Vốn trực tiếp bố trí cho chương trình quá thấp, chưa đủ nguồn lực cho sự phát triển; nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân rất hạn chế; một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa thể hiện được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới; năng lực lãnh đạo của các xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa có giải pháp tốt và sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện… là những vướng mắc mà thị xã An Khê đã, đang gặp phải trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, ông Nguyên cho biết, qua kết quả đánh giá, rà soát theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 mà UBND tỉnh vừa ban hành, đến nay, thị xã có xã Xuân An đạt 13/19 tiêu chí, Thành An và Song An cùng đạt 12/19 tiêu chí, Tú An đạt 11/19 tiêu chí. Song song với hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn để thực hiện các tiêu chí như thế nào cho đạt, Bộ tiêu chí mới mà tỉnh ban hành cũng bổ sung thêm một số chỉ tiêu nhỏ nằm trong các tiêu chí lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến các tiêu chí vốn đã đạt của các xã trước đây bị sụt giảm.

Dù vẫn còn khó khăn song cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hồng Thi
Dù còn nhiều khó khăn song nhân dân An Khê luôn đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hồng Thi

Xung quanh khó khăn này, ông Hồ Bảo Châu-Chủ tịch UBND xã Xuân An, phân tích: Trước đây xã đã đạt 16/19 tiêu chí nhưng giờ chỉ còn 13/19 tiêu chí; 3 tiêu chí sụt giảm là: Trường học, Thông tin-Truyền thông và Môi trường. Hiện tại, các tiêu chí chưa đạt xã đã gần đạt hết, chỉ còn 2 tiêu chí: Trường học, Thông tin-Truyền thông tương đối khó khăn. Bởi lẽ, đối với tiêu chí Trường học có chỉ tiêu về tỷ lệ trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia phải từ 70% trở lên. Trên địa bàn xã có 3 trường học nhưng hiện chỉ mới có 2 trường đạt yêu cầu, chiếm 66,7%; nếu muốn đạt tiêu chí này thì buộc cả 3 trường đều phải đạt với tỷ lệ 100%. Còn tiêu chí Thông tin-Truyền thông lại có chỉ tiêu yêu cầu xã phải có đài truyền thanh hữu tuyến hoặc vô tuyến, trong khi từ trước đến nay xã chỉ có hệ thống loa không dây tại các thôn và đều thực hiện tốt chức năng thông tin các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân. Liệu chỉ tiêu này đưa ra có thật sự cần thiết và phù hợp?

Không chỉ riêng xã Xuân An, đó cũng là khó khăn chung mà tất cả các xã gặp phải. Tuy nhiên, theo ông Nguyên, “thời gian tới, thị xã sẽ chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí gần đạt; tiếp tục tuyên truyền, phát động thực hiện phong trào thi đua “An Khê chung sức xây dựng nông thôn mới”; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên đảm trách từng công trình, phần việc trong xây dựng nông thôn mới…sao cho đến năm 2018, thị xã sẽ hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch đề ra”.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.