(GLO)- Ngoài chú trọng công tác phòng-chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, thị xã An Khê, Gia Lai còn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đảm bảo an toàn hồ, đập
Ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập trong mùa mưa, ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường kiểm tra, rà soát tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn; công trình nào hư hỏng, xuống cấp, sạt lở thì lên phương án tu bổ, gia cố; công trình nào có nguy cơ mất an toàn cao thì trình lãnh đạo thị xã lên kế hoạch lập dự toán tiến hành xây dựng, sửa chữa.
Đập tràn suối Le (xã Tú An, thị xã An Khê) đã xây dựng xong trước mùa mưa bão. Ảnh: N.M |
Công trình hồ Suối Le (xã Tú An) được xây dựng từ năm 1983 với diện tích mặt nước 6.693 m2, cung cấp nước tưới cho 20 ha lúa 2 vụ và hoa màu của người dân thôn Tú Thủy 1, 2 và 3. Cuối năm 2017, cơn bão số 12 đã gây xói mòn, sạt lở phần đập tràn xả lũ, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa cũng như việc giao thương, đi lại của người dân. “Đầu năm 2018, thị xã đã tiến hành phá bỏ tràn cũ, xây tràn mới bằng bê tông cốt thép, phần hạ lưu được gia cố bằng rọ đá… với tổng vốn đầu tư gần 990 triệu đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đảm bảo việc tích nước theo thiết kế, đồng thời phục vụ giao thông đi lại của người dân được thuận tiện”-ông Mỹ cho hay.
Ngoài xây dựng đập tràn hồ Suối Le, thị xã còn sửa chữa, nâng cấp bàu Lớn và bàu Chuyện (xã Song An) với tổng kinh phí trên 170 triệu đồng. Trước đó, năm 2017, thị xã đã xuất ngân sách trên 3,2 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cống lấy nước, mái hạ lưu đập, tràn xả lũ và nâng cấp kênh mương một số công trình hồ chứa, hồ đập trên địa bàn.
Theo thống kê, trên địa bàn thị xã An Khê hiện có 163 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích hơn 371 ha lúa 2 vụ và hoa màu. “Các công trình này được xây dựng đã lâu, thi công chủ yếu là đắp đất thủ công nên sau nhiều năm khai thác đang dần xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. Vì vậy, hàng năm, thị xã đều tổ chức kiểm tra, rà soát 2 lần nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, xuống cấp, từ đó kịp thời tu sửa, nâng cấp. Bên cạnh đó, các xã, phường cũng tăng cường tu bổ, gia cố, phát dọn cỏ dại, nạo vét… để tăng tuổi thọ các công trình. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn thị xã chưa xảy ra hiện tượng mất an toàn ở các công trình thủy lợi”-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết thêm.
Chú trọng công tác phòng-chống bão lũ
Rút kinh nghiệm từ các mùa mưa trước, phường Tây Sơn chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai, đặc biệt là các vùng xung yếu trên địa bàn. Bà Đặng Thị Thương Yến-Chủ tịch UBND phường Tây Sơn-chia sẻ: Những mùa mưa trước, khu vực cầu sông Ba, cống suối Phèn, cầu Gỗ, suối Cái, hẻm đường Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Trãi và đường Lý Thái Tổ bị ảnh hưởng bởi nước lũ dâng cao, tràn vào nhà. Để chủ động ứng phó, năm nay, phường đã xây dựng phương án chi tiết cho từng khu vực này. Ngoài ra, phường cũng lên phương án chủ động ứng phó với các tình huống đột xuất, nguy hiểm khó lường. Theo đó, trước khi bão đổ bộ, phường sẽ phân công lực lượng trực 24/24 giờ, kiểm tra tất cả các công sở, trường học trên địa bàn phường; kiểm tra khu vực nhà dân để kịp thời di dời các hộ dân có nhà ở không đảm bảo đến nơi an toàn; chuẩn bị công tác hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, không để bị đói, rét; bố trí lực lượng cứu nạn, cứu hộ, trực chiến tại chỗ và chuẩn bị thuốc chữa bệnh, lực lượng y-bác sĩ…
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê: “Đến thời điểm này, các ngành, các cấp đã cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng-chống thiên tai của từng đơn vị, địa phương mình. Cùng với đó, các xã, phường tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời tới người dân, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng, phát huy ý thức tự giác phòng-chống thiên tai; thường xuyên cập nhật thông tin tình hình thời tiết, nhất là lịch xả lũ của Thủy điện An Khê-Ka Nak để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó”.
|
Các phường, xã khác trên địa bàn thị xã cũng đều chủ động xây dựng chi tiết phương án phòng-chống thiên tai. Ông Nguyễn Ngọc Lai-Phó Chủ tịch UBND xã Xuân An-cho hay: “Mỗi khi mùa mưa bão đến hoặc Thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ, cuộc sống và sinh hoạt của người dân gần khu vực ngầm Soi Chi và ngầm An Xuân 4 bị ảnh hưởng rất nhiều, việc đi lại cũng rất nguy hiểm. Do đó, chúng tôi xây dựng phương án thực tế để áp dụng như: bố trí dân quân tự vệ trực, đặt trạm barie ngăn người qua lại khu vực hoặc bắt buộc di dời dân nếu thấy nguy hiểm… Bên cạnh đó, phường tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai tới cộng đồng dân cư; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ”.
Thời điểm này, việc nạo vét cống rãnh, cắt tỉa cây xanh, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông, công trình công cộng cũng được các ngành triển khai. Ông Mai Thanh Sơn-Trưởng phòng Quản lý Đô thị thị xã An Khê-thông tin: “Trước khi mùa mưa đến, chúng tôi đã rà soát, nạo vét hệ thống cống rãnh, nhất là những đoạn đường dễ xảy ra ùn ứ nước, cắt tỉa cây xanh, kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng công cộng… Đến nay đã lắp mới 105 bóng chiếu sáng công cộng, sửa chữa nút tín hiệu giao thông tuyến đường Quang Trung, Ngô Mây; cắt tỉa 122 cây xanh, nạo vét cống thoát nước các tuyến đường: Bùi Thị Xuân, Ngô Mây, Đống Đa, Đỗ Trạc và Nguyễn Trung Trực. Đồng thời, tiến hành nạo vét 385 hố thu nước các tuyến đường nội thị nhằm đảm bảo tiêu, thoát nước dễ dàng hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: Để chủ động trong công tác phòng-chống bão lũ, ngay từ đầu năm, thị xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; điều chỉnh bổ sung phương án phòng-chống thiên tai; nâng cao năng lực của các ngành, các cấp trong xử lý tình huống, sự cố.
Ngọc Minh