4.321 bị hại trong vụ án CEO Alibaba lừa đảo cần làm gấp những điều này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để phục vụ phiên xét xử, TAND TP HCM sẽ liên thông 2 phòng xử án và dựng rạp ở sân toà.

TAND TP HCM dự kiến đưa vụ án Công ty Alibaba lừa đảo hơn 2.264 tỉ đồng ra xét xử sơ thẩm từ ngày 12-8. Phiên toà kéo dài trong 2 tháng.

Theo đó, VKSND TP HCM truy tố Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty địa ốc Alibaba) bị truy tố về tội "Rửa tiền".

 

CEO Nguyễn Thái Luyện và trụ sở Công ty Địa ốc Alibaba tại quận Thủ Đức, TP HCM- Đồ hoạ: Tấn Nguyên
CEO Nguyễn Thái Luyện và trụ sở Công ty Địa ốc Alibaba tại quận Thủ Đức, TP HCM- Đồ hoạ: Tấn Nguyên


Vụ án có tính chất phức tạp với số lượng đương sự đặc biệt lớn, lên tới 4.321 người và khoảng 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước khi mở phiên xét xử, TAND TP HCM đã gửi thông báo đến các bị hại.

TAND TP HCM cho biết trong quá trình điều tra, một số bị hại trong vụ án đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM ghi nhận ý kiến, yêu cầu đối với vụ án. Tuy nhiên, một số bị hại vẫn chưa có yêu cầu cụ thể.

Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại, TAND TP đề nghị các bị hại có ý kiến bằng văn bản về một số vấn đề, đến trước 17 giờ ngày 31-8-2022. Cụ thể:

Có đồng ý với thành phần HĐXX? Có thay đổi ai trong thành phần HĐXX?

Trình bày ý kiến, yêu cầu đối với vụ án (đối với bị hại chưa trình bày ý kiến, yêu cầu tại giai đoạn điều tra) hoặc ý kiến, yêu cầu mới nếu có.

Các bị hại trực tiếp tham gia phiên tòa hay ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa và việc ủy quyền phải theo thủ tục ủy quyền đúng quy định pháp luật. Trường hợp bị hại vắng mặt phải có đơn xin vắng và trình bày ý kiến, yêu cầu của mình.

Các bị hại trực tiếp tự bảo vệ hay nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình? Trường hợp nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đề nghị bị hại nộp các thủ tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật.

Hết thời hạn trên, TAND thành phố sẽ căn cứ theo quy định pháp luật để giải quyết vụ án. Quá trình xét xử vụ án, HĐXX sẽ không đề cập các yêu cầu trong phần thủ tục và quá trình giải quyết vụ án.

Để phục vụ phiên xét xử, TAND TP HCM sẽ liên thông 2 phòng xử án và dựng rạp ở sân toà.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị can thành lập 22 pháp nhân, "vẽ" ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận rồi tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho hàng ngàn khách hàng.

Luyện hứa với khách sẽ mua lại nền đất giá cao, sinh lời 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng, nếu không muốn bán thì cho thuê lại để hưởng lời 2%/tháng. 23 bị can đã chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng của hơn 4.321 khách hàng.


Theo Trần Thái (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.